Quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ luôn là điều mà rất nhiều ba mẹ tò mò. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bé bắt đầu hình thành các cơ quan bộ phận, chuẩn bị nền tảng cho những phát triển bứt phá ở các giai đoạn sau. Ba mẹ hãy cùng chuyên gia BiboMart tìm hiểu và ngắm nhìn hình ảnh con yêu của mình trong tam cá nguyệt đầu tiên nhé!
1. Quá trình phát triển của thai nhi 3 tuần đầu tiên
1.1. Tuần thứ 1
Trong tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào bởi mẹ vẫn chưa thực sự mang thai. Cách tính tuổi thai này để cho kết quả dự sinh một cách chính xác cao nhất thôi mẹ à!
1.2. Tuần thứ 2
Ở tuần thứ 2, trứng và tinh trùng gặp nhau tại vòi tử cung. Một chiến binh mạnh mẽ nhất sẽ chiến thắng hàng triệu đối thủ khác để kết hợp với trứng tạo thành hợp tử. Sau đó là sự biến đổi rất lớn về hormone trong cơ thể mẹ để chuẩn bị sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh làm tổ ở tử cung và phát triển trong 9 tháng tới.
1.3. Tuần thứ 3
Sau quãng thời gian di chuyển đoạn đường khá dài từ vòi tử cung về, hợp tử (chỉ khoảng 0.1 – 0.2mm) sẽ đi vào tử cung để làm tổ. Thời điểm này thai nhi đã thực sự đến với mẹ rồi.
2. Tuần thứ 4
Ở tuần thứ 4, kích thước của bé lúc này chỉ bằng hạt mè (khoảng 2mm). Sâu trong tử cung, phôi thai tăng trưởng mạnh mẽ để hình thành, phát triển cơ quan và bộ phận.
3. Tuần thứ 5
Bé lúc này to gần bằng một hạt táo. Nhau thai và dây rốn bắt đầu hoạt động cho phép oxy và chất dinh dưỡng đi qua trao đổi giữa mẹ và thai nhi. Hệ tuần hoàn và hệ thần kinh của bé bắt đầu phân hóa. Mũi miệng và tai em bé bắt đầu được hình thành.
4. Tuần thứ 6
Giai đoạn này bé sẽ có sự phát triển đáng kể về kích thước não bộ. Kích thước của bé tương đương một hạt táo tây với chiều dài tương đương khoảng 6.3mm. Khi mẹ đi siêu âm vào thời điểm này, bác sĩ đã có thể thấy trái tim bé nhỏ của bé đang đập rồi. Thật kỳ diệu phải không nào?
5. Tuần thứ 7
Mẹ đã chính thức bước vào tuần giữa trong tam cá nguyệt thứ nhất rồi đó. So với những tuần đầu tiên, tuần này bé có sự phát triển rõ ràng nhất. Bộ não của bé trở nên phức tạp hơn, hộp sọ hình tròn và trong suốt bắt đầu hình thành để bảo vệ bộ não. Lúc này bé đã bằng chiều dài móng tay ngón út (khoảng 0,9 đến 1,3cm).
6. Tuần thứ 8
Lúc này bé đã to gần bằng một quả nho Mỹ (chiều dài thai nhi khoảng 16mm). Tim thai hoàn thành việc phân chia 4 ngăn, đồng thời các van tim cũng bắt đầu hình thành. Bộ phận sinh dục của bé đã xuất hiện nhưng tạm thời chưa thể nhận định được bé mang giới tính nào.
7. Tuần thứ 9
Ba mẹ biết không, với chiếc đuôi phôi biến mất, lúc này bé đã có hình hài trông giống như một con người bé tí rồi đó. Tất cả các bộ phận qua trọng của cơ thể bé đã hình thành nhưng sẽ phải phát triển rất nhiều để hoàn thiện hơn trong thời gian sắp tới.
Siêu âm vẫn chưa thể xác định được giới tính trẻ ở tuần thai này dù bộ phận sinh dục của bé đã được hình thành. Nhưng ba mẹ cũng đừng quá nôn nóng, chỉ vài tuần nữa thôi là mẹ sẽ biết rồi đấy.
8. Tuần thứ 10
Lúc này, bé có kích thước bằng một quả oliu xanh (dài khoảng 31mm tính từ đầu đến mông). Tim của bé đã phát triển khá đầy đủ (nhịp tim thai 120 – 160 lần/phút).
Dù còn nhỏ nhưng bé rất năng động, đá chân tay và còn vươn tay lên chạm mặt mình nữa đó. Các cơ quan quan trọng bao gồm thận, ruột, não, gan đã bắt đầu hoạt động và tiếp tục hoàn thiện trong suốt thai kỳ. Thật kỳ diệu phải không ba mẹ?
9. Tuần thứ 11
Tuần thai này bé đã dài gần bằng ngón tay cái của ba mẹ rồi (dài 41mm tính từ đầu đến chóp mông). Các cơ quan quan trọng của con đã phát triển đầy đủ và bộ phận sinh dục của bé cũng nhìn rõ hơn.
Tay con mở ra và nắm lại được, ngón tay cũng đã rõ ràng. Mặc dù mắt con nhắm nhưng con vẫn bận rộn thư giãn bằng việc đấm đá và co duỗi chân tay. Tuy nhiên, mẹ chưa cảm nhận được đâu vì lực của con còn khá nhỏ.
10. Tuần thứ 12
Ở tuần thứ 12, chiều dài của con đã được khoảng 74mm. Lúc này, con đã khám phá ra cách mút ngón tay nên con sẽ khá bận rộn thực hành khả năng mới này của mình. Sự phát triển mang tính bước ngoặt lớn trong tuần này của bé là phản xạ: các ngón tay xòe nắm rõ ràng và ngón chân thì cong lại.
Bé còn bắt đầu uống nước ối với sự tham gia chuyển hóa và đào thải của thận. Cơ quan sinh dục của bé có thể được biết ở giai đoạn này với độ chính xác khoảng 80% qua siêu âm. Mẹ đừng quên đây là mốc khám thai quan trọng để sàng lọc dị tật cho con nhé. Sau tuần thứ 14, chỉ số NT (độ mờ da gáy) để sàng lọc bệnh Down sẽ không còn giá trị chẩn đoán bệnh nữa.
Như vậy là ba mẹ đã cùng chuyên gia BiboMart tìm hiểu quá trình phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu. Thật kỳ diệu phải không ba mẹ? Dù thời kỳ ba tháng đầu có nhiều vất vả, mệt mỏi nhưng hẳn là thấy con phát triển mạnh khỏe, ba mẹ đều cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Chúc ba mẹ có hành trình mang thai thật an toàn và hạnh phúc!
Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare
Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare