Tăng dịch tiết âm nhiều khi mang thai

Nhiều mẹ mới mang thai lần đầu thường thắc mắc vì sao cơ thể mình lại tiết ra nhiều khí hư? Hiện tượng khí hư khi mang thai ra quá nhiều như vậy có bị làm sao không? Trong bài viết tư vấn dưới đây, chuyên gia Bibo Care sẽ giúp mẹ giải đáp thắc mắc này nhé!

 

Câu hỏi

Mẹ Hồng Liên – Ba Vì có hỏi: “Thưa bác sĩ! Cháu bị tiết dịch âm đạo nhiều vào những tháng cuối thai kỳ, vậy có ảnh hưởng gì không? Rất mong nhận được giải đáp từ bác sĩ.”

khí hư khi mang thai
Ra nhiều khí hư khi mang thai có sao không?

Trả lời

Chào mẹ! Cảm ơn mẹ đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho hòm thư tư vấn của Bibo Mart. Chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của mẹ như sau:

Dấu hiệu khí hư khi mang thai cần đi khám

Khí hư, hay còn gọi là huyết trắng, là một chất dịch nhầy tiết ra từ âm đạo của người phụ nữ. Chất dịch này có tác dụng giữ cân bằng pH cho môi trường âm đạo, ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn và nấm gây bệnh từ bên ngoài. Đồng thời đây cũng là cơ sở để đo lường sức khỏe sinh sản của phái nữ. Do đó, việc ra khí hư ở phụ nữ là hoàn toàn bình thường, kể cả khi đang mang thai. 

Trong quá trình mang bầu, nếu mẹ thấy có dịch nhầy tiết ra bám lên đáy quần lót, hơi dính và có màu trắng hơi đục như nước mũi; không có mùi hôi, chua thì khí hư của mẹ đang hoàn toàn bình thường. Những tuần đầu, dịch nhầy có thể hơi vàng do sự thay đổi hormone. Điều này cũng không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, màu sắc và trạng thái của khí hư có thể biến đổi. Mẹ nên đi khám ngay nếu thấy những thay đổi như:

  • Dịch tiết ra có màu trắng, vón cục như bã đậu, không đủ dai để kéo trên 2 đầu ngón tay
  • Dịch nhầy có màu khác lạ như vàng, xanh; có mùi chua, sủi bọt,… 
  • Có lẫn máu trong dịch nhầy trong những tuần gần cuối thai kỳ
  • Vùng kín bị nóng, ngứa ngáy, khô rát khó chịu

Ra khí hư khi mang thai có làm sao không?

Khi mang thai, nồng độ tiết tố trong thời gian mang thai thường tăng cao. Khí hư được bài tiết ra ngoài cũng tăng lên làm âm đạo ẩm ướt, độ PH thay đổi. Đồng thời chức năng thận giảm xuống, lượng đường trong nước tiểu tăng. Môi trường này là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại phát triển gây bệnh viêm nhiễm âm đạo.

Vì vậy để đảm bảo cho mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh vùng kín thật tốt bằng các biện pháp sau:

  • Tẩy rửa vùng kín bằng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ đã được chứng nhận an toàn cho mẹ bầu.
  • Không tự ý thụt rửa âm đạo, không dùng nước nhiễm khuẩn. Cần lau khô vùng kín sau mỗi lần rửa.
  • Mặc quần áo bằng chất liệu cotton mềm mại, nhất là đồ lót. Không mặc đồ bó hoặc đồ làm từ chất liệu không thấm hút mồ hôi tốt.
  • Trong các lần khám thai, nên đề nghị bác sĩ khám cả phụ khoa.
  • Nếu mẹ cảm thấy âm đạo của mình ngứa, đau và nóng rát, sưng tấy ở phía ngoài âm đạo; dịch trắng ra nhiều hơn… thì mẹ nên đi khám bác sĩ để có chỉ định cụ thể.
  • Mẹ không nên tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị, không sử dụng các viên đặt âm đạo bán trôi nổi trên thị trường.