Tim đập nhanh khi mang thai có nguy hiểm không? Cách khắc phục?

Khi mang thai, mẹ sẽ nhận ra cơ thể mình có những thay đổi hết sức đột ngột. Từ vòng eo, vòng hông nở rộng đến bộ ngực nở nang, đó đều là những dấu hiệu hết sức bình thường. Tuy nhiên không ít mẹ lại thắc mắc về tình trạng tim đập nhanh khi mang thai có nguy hiểm gì không. Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết mà Bibo Mart đã tổng hợp dưới đây!

 

1. Hiện tượng nhịp tim tăng nhanh ở phụ nữ mang thai là gì?

Tim đập nhanh khi mang thai là hiện tượng nhịp tim tăng nhiều hơn so với mức bình thường. Theo đó, nhịp tim của phụ nữ trưởng thành nằm trong khoảng 60 đến 100 lần/phút. Các thai phụ có thể thấy tim mình đập nhanh hơn khi mang thai; nhưng nếu vẫn nằm trong mức ổn định như trên thì mẹ bầu không cần phải lo lắng. Tuy nhiên nếu nhịp tim của mẹ thường xuyên tăng cao vượt các mức trên; rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của mẹ đang không ổn. 

 

Một phụ nữ tình trạng sức khỏe bình thường có nhịp tim trung bình khoảng 70 nhịp/phút. Tuy nhiên khi có thai, nhịp tim của người phụ nữ sẽ tăng dần kể từ tuần lễ thứ 10 của thai kỳ, có thể rơi vào khoảng 80 – 90 nhịp/phút.

 

Vào giai đoạn cuối kỳ mang thai, tim có thể đập nhanh hơn trước chừng 10 nhịp mỗi phút. Lúc này, số nhịp tim phải thực hiện để bơm máu đi nuôi cả cơ thể mẹ và thai nhi cũng tăng lên. Khi thai nhi được 25 tuần tuổi, lượng máu qua tim người mẹ thậm chí có thể tăng lên từ 30-50%.

 

2. Vì sao tim đập nhanh khi mang thai?

tim đập nhanh khi mang thai
Tim đập nhanh khi mang thai xảy ra do nhiều nguyên nhân
  • Do nuôi dưỡng thai nhi. Ngoài việc nuôi dưỡng bản thân, cơ thể của mẹ còn phải cung cấp thêm oxy và các chất dinh dưỡng nhiều hơn nữa để nuôi dưỡng thai nhi. Tim của người mẹ phải “bận rộn” hơn để có thể phục vụ cho cả mẹ và con.

  • Tình trạng thiếu máu. Đây cũng là một nguyên nhân của hiện tượng tim đập nhanh khi mang thai. Trong quá trình mang thai, mẹ có thể bị thiếu sắt và tăng nhu cầu oxy; khiến mẹ bầu cảm thấy khó thở, tim đập nhanh, mệt mỏi, chóng mặt.

  • Lo âu, căng thẳng quá mức. Bạn có thể cảm thấy lo lắng về quá trình chuyển dạ hoặc về sức khỏe của bé. Điều này khiến mẹ hồi hộp, căng thẳng quá mức và làm nhịp tim tăng cao.

  • Do thay đổi kích thước tử cung. Thực tế, đến cuối thai kỳ, khoảng 20% ​​máu của bạn sẽ được vận chuyển đến tử cung. Điều này có nghĩa là tim của bạn phải làm việc cật lực hơn.

  • Cơ thể chuẩn bị cho việc cho con bú. Trong khi mang thai, các tuyến vú của bạn sẽ bắt đầu hoạt động để chuẩn bị sữa. Các mô vú sẽ được mở rộng, do đó máu sẽ lưu thông về khu vực này nhiều hơn.

  • Do thay đổi nội tiết tố. Đây cũng là một nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tim đập nhanh khi mang thai.

 

3. Mẹ bầu khó thở, tim đập nhanh có sao không?

Đối với những phụ nữ sức khỏe bình thường, những triệu chứng của thai sản như tim đập nhanh, khó thở khi mang thai là vấn đề hoàn toàn tự nhiên. Mẹ bầu không nên lo lắng mà hãy xem đó là một phần của thai kỳ. Hãy tích cực trao đổi với bác sĩ để kiểm soát tốt những vấn đề có thể xảy ra. Đa số những biểu hiện khó chịu này sẽ dần biến mất sau khi sinh xong.

 

Tuy nhiên, đối với những phụ nữ đang mắc bệnh tim mạch thì lại khác. Nếu chức năng tim vốn đã không tốt, thì sự thay đổi nhịp tim trong khoảng thời gian này có thể sẽ trở nên nguy hiểm; nhiều khả năng xảy ra hiện tượng suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.

Mẹ bầu nên thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy các triệu chứng trầm trọng hơn, điển hình như:

  • Cảm giác rõ nhịp tim tăng lên đột ngột, tim đập không đều; hồi hộp không rõ nguyên nhân, đánh trống ngực.
  • Khó thở nặng, tím tái hoặc cảm thấy yếu dần đi sau khi thấy tim đập nhanh.
  • Đau tức ngực, tình trạng trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi gắng sức làm gì đó.
  • Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, khi nằm hoặc khó thở vào ban đêm.
tim đập nhanh khi mang thai
Mẹ bầu nên thông báo cho bác sĩ ngay nếu nhận thấy các triệu chứng trầm trọng hơn

 

4. Cách khắc phục hiện tượng tim đập nhanh khi mang thai

  • Để hạn chế biến chứng loạn nhịp tim, khó thở trở nặng, mẹ bầu cần phải dành thời gian nghỉ ngơi; không nên cố gắng vận động, làm việc quá sức. Việc lên xuống cầu thang cũng nên từ từ, đi chậm rãi. Nếu cảm thấy mệt do tim đập nhanh và khó thở khi đang làm bất cứ việc gì thì nên dừng lại ngay và nghỉ ngơi.

  • Khi đến giai đoạn giữa và càng gần cuối của thai kỳ, mẹ bầu phải đặc biệt chú ý đến việc nghỉ ngơi, hạn chế làm việc, không nên hoạt động mạnh. Điều này sẽ có lợi trong việc bảo vệ tim và phổi của mẹ; cũng là để giảm nhẹ hiện tượng tim đập nhanh và khó thở. 

  • Cần phải nhấn mạnh, khó thở và tim đập nhanh khi mang thai là một hiện tượng bình thường ở đa số mẹ bầu, không phải là bệnh lý. Đây chỉ là sự thay đổi sinh lý cơ thể trong quá trình mang thai, mẹ bầu không nên căng thẳng hay lo lắng. Ngược lại, cần phải giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ; chú ý về thói quen sinh hoạt, làm việc. Quan trọng, mẹ nên tâm sự nhiều hơn với các ông bố tương lai về những vấn đề gặp phải, để khi cần thiết thì họ chính là những người hỗ trợ tốt nhất của hai mẹ con.

  • Bên cạnh đó, nhớ khám thai định kỳ theo dặn dò của bác sĩ mẹ nhé! Nếu những triệu chứng của thai kỳ trở nên trầm trọng bất thường, Cẩm nang Bibo khuyên mẹ bầu cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.