Táo bón là bệnh lí xảy ra khá thường xuyên với các bé. Mời ba mẹ cùng tìm hiểu về bệnh với những tư liệu hữu ích từ bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo (*) nhé. Đây là những kiến thức cơ bản, tuy nhiên khi bé có biểu hiện cần được quan tâm như bé lâu đi tiêu, phân cứng, rặn đau, hay bị dây phân ra ngoài quần không kiểm soát được, ba mẹ hãy đưa bé đến các cơ sở y tế được chẩn đoán chữa trị kịp thời ba mẹ nhé.
Biểu hiện của táo bón
Táo bón là tình trạng bé đi phân cứng, và đi không thường xuyên. Tuy nhiên, tính chất phân và số lần đi cầu khác biệt ở từng bé. Đa số bé sẽ đi tiêu ít nhất một lần mỗi 2-3 ngày, nhưng có những bé có thói quen đường ruột khác biệt, và có thể đi cầu 1 lần một tuần – 10 ngày. Chúng ta chỉ cần lo lắng về tính chất phân và số lần đi tiêu của bé nếu có những triệu chứng, dấu hiệu cho thấy bé bị ảnh hưởng vì một trong bốn “tứ khoái” của con người này.
Táo bón là một tình trạng xảy ra khá thường xuyên của con trẻ. Thống kê cho thấy có ít nhất 30% bé bị táo bón cần được quan tâm. Những dấu hiệu thường gặp để ba mẹ dẫn con đi khám là nếu bé lâu đi tiêu, phân lớn, cứng, đi cầu rặn đau, chảy máu, hoặc bé bị dây phân ra ngoài quần không kiểm soát được.
Tại sao cần phải quan tâm về táo bón ?
Vì táo bón là một vấn đề phổ biến có thể gây nhiều hệ quả ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn, bé có thể bị đau bụng từng cơm, giảm ngon miệng, giảm nhu cầu ăn do không thấy đói bụng như bình thường. Một số bé có thể rất quấy, khó chịu, và trở nên “khó tính”, cáu gắt hơn bình thường.
Về dài hạn, táo bón nhiều có thể làm nứt hậu môn, gây đau và chảy máu cho bé. Và sau đó dẫn đến hàng loạt những vấn đề đi kèm theo một vòng luẩn quẩn: vì bị đau, bé sợ đi và ráng nhịn đi toilet, không chịu ngồi bồn cầu, hoặc âm thầm dùng những tư thế như ngồi xổm, hoặc đứng chéo chân để chặn “poo-poo”. Kết quả là “poo-poo” của bé càng bị dồn lại, to hơn, cứng hơn, càng gây những triệu chứng đường tiêu hóa, và càng gây đau, chảy máu khi bé không còn nhịn đi cầu được nữa. Khi tình trạng táo bón nặng kéo dài, trực tràng và hậu môn của bé quen với việc bị căng đầy thường xuyên, nên mất đi khả năng báo động lên não để tạo một “nhu cầu” đi cầu cho bé, vì vậy bé mất đi khả năng “mắc cầu”, và “poo-poo” bị đầy quá, tràn ra ngoài mà bé không nhận biết gì cả. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và có thể cần phải nhập viện để thụt tháo đường ruột và làm những xét nghiệm để loại trừ các bệnh nền nguy hiểm.
Nhiều bé nhũ nhi dưới 6 tháng có thể rất khó chịu, khóc lóc khi rặn cầu, mặc dù phân mềm. Tình trạng này không phải là táo bón, mà là một tình trạng sinh lý bình thường khi bé vẫn chưa phối hợp đáp ứng thư giãn vùng cơ chậu khi tăng áp lực bụng cho phân để có thể đi cầu bình thường. Tình trạng này sẽ tự khỏi khi bé lớn hơn.
Nếu bé dưới 1 tuổi và bạn nghi con bị táo bón, nên cho bé đi khám bác sĩ để có lời khuyên và can thiệp đúng đắn, kịp thời.
Những nguyên nhân gây táo bón ở bé
1. Xu hướng tự nhiên của bé: một số bé có nhu động ruột chậm, gây táo bón
2. Thói quen đường ruột: nhiều bé nhỏ mải chơi, ráng nhịn đi cầu, làm cho phân trở nên to hơn, cứng hơn. Vì vậy, nên dành “thời gian đi cầu” riêng cho bé.
3. Hành vi “nhịn cầu”: sau khi bé bị đau khi đi tiêu, bé sẽ dùng nhiều cách để tránh đi cầu, và vì vậy càng làm cho lần đi tiêu sau khó chịu và đau đớn hơn.
4. Khi có môi trường toilet mới (ví dụ như khi bé đi học)
5. Chế độ ăn: Một số bé có xu hướng dễ táo bón, nếu ăn ít chất xơ, sẽ dễ bị táo bón hơn. Tuy nhiên, ở đa số các bé, chất xơ không phải là nguyên nhân chính gây táo bón, rất nhiều bé ăn đủ chất xơ nhưng vẫn bị táo bón và việc tăng lượng chất xơ ở những bé này không giúp bé hết bị táo bón. Việc cho uống sữa bò nhiều (trên 500ml/ngày) làm tăng nguy cơ bị táo bón ở bé.
6. Nứt hậu môn: gây đau, và làm cho bé tránh đi tiêu, làm bé táo bón nhiều hơn
7. Bệnh lý: có một số bệnh lý thần kinh, nội tiết có thể biểu hiện bằng táo bón ở bé. Tuy nhiên, tỉ lệ này rất hiếm gặp.
Cách khắc phục
Điều quan trọng nhất, và cần sự kiên nhẫn của ba mẹ và ông bà nhất, là tập một thói quen đường ruột tốt cho bé, một cách ít áp lực nhất. Nên để thời gian “toilet” khoảng 3-5 phút tập cho bé ngồi toilet, sau mỗi cữ ăn, mặc dù bé có mắc cầu hay không, hay đã đi cầu trước đó hay chưa. Nếu bé đi học, ta có thể tập thói quen ngồi toilet mỗi ngày 5 phút sau đánh răng và 5 phút sau bữa ăn tối cho bé. Cho bé cầm theo một cuốn sách hay đồ chơi yêu thích khi ngồi cầu, và khen thưởng bé nếu bé làm được điều này (bằng lời khen, hoặc bằng những miếng dán sticker để khen thưởng…). Không nên la mắng, đánh đòn bé, vì nếu thế bé lại càng không phối hợp và càng tránh đi cầu.
Một số bé đi cầu phân cứng, đau, và vì vậy càng tránh đi cầu. Những bé này sẽ cần sự trợ giúp của bác sĩ, cho thuốc cho bé đi cầu dễ hơn, trong một thời gian vài tuần hay vài tháng, để giúp phân mềm ra, dễ đi tiêu vui vẻ hơn, và giúp nứt hậu môn có thời gian phục hồi. Khi đó, việc huấn luyện thói quen đi tiêu lành mạnh sẽ dễ dàng thiết lập, và làm cho bé lấy được niềm vui khi đi được “poo-poo”. Khi bé được cho thuốc hỗ trợ, bé nên được tái khám theo hẹn, để điều chỉnh liều lượng và thời gian dùng thuốc, chứ không nên sử dụng thuốc hỗ trợ tùy ý mình.
Chế độ ăn lành mạnh: nên cho bé ăn các loại trái cây và rau củ thường xuyên trong và giữa các bữa ăn. Nước ép không chứa chất xơ, nên không được tính vào. Đồng thời nên giới hạn lượng sữa bò tiêu thụ mỗi ngày. Đối với bé từ 18 tháng tuổi, bé chỉ nên tiêu thụ tối đa 500ml sữa bò một ngày. Lượng sữa bò nhiều hơn sẽ gây táo bón cho bé. Cũng nên tránh các loại nước ngọt trước các cữ ăn. Giảm lượng sữa sẽ giúp cho bé thèm ăn hơn và ăn nhiều hơn ở các cữ ăn.
Những thông tin cần ghi nhớ
• Tần suất và tính chất phân khác nhau ở từng bé.
• Bạn chỉ cần lo về táo bón nếu bé có vấn đề
• Táo bón có thể gây đau bụng, giảm thèm ăn, và cáu gắt ở bé
• Chế độ ăn không quan trọng mấy trong điều trị táo bón ở bé em (rất khác so với người lớn – vì ở người lớn, chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng trong nguyên nhân và điều trị táo bón)
Mẹ tham khảo các sản phẩm sữa và dinh dưỡng chất lượng cho bé tại:https://bibomart.com.vn/be-an-c71.html
————————————————————————————
(*) Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo hiện đang làm việc tại phòng khám Bác sĩ Huyên Thảo và Cộng sự. Bác sĩ là tác giả của bộ ba sách tư vấn chăm sóc trẻ em: “Bước đệm vững chắc vào đời”, “Chào con ba mẹ đã sẵn sàng” và “Chat với bác sĩ”.