Khí hậu nồm ẩm tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Đây cũng là lúc dịch sốt xuất huyết bùng phát. Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh. Bên cạnh các can thiệp y tế, cha mẹ cần chú ý bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho bé để nâng cao hệ miễn dịch tự nhiên, hồi phục thể trạng nhanh chóng. Vậy trẻ bị sốt xuất huyết nên ăn gì thì nhanh khỏi? Mời mẹ tìm hiểu ngay trong bài viết chia sẻ dưới đây của Bibo Mart!
1. Biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến ở nước ta; với virus Dengue là tác nhân gây bệnh chính và lây lan thông qua vật trung gian là muỗi vằn Aedes. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị muỗi đốt nhưng lại khó phát hiện dấu hiệu bệnh hơn so với người lớn.
Bị sốt xuất huyết có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh nói chung và trẻ nhỏ nói riêng như:
- Xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu; trong trường hợp nguy kịch có thể khiến bệnh nhân xuất huyết não.
- Tình trạng cô đặc máu diễn ra do cơ thể bị mất nhiều nước và chất điện giải; khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức; người bệnh ngủ mơ li bì trong nhiều giờ.
- Bệnh nhân bị xuất huyết thông qua chảy máu cam, chảy máu chân răng,.. Tình trạng này nếu kéo dài mà không có can thiệp kịp thời sẽ khiến cơ thể dần yếu ớt, sốt cao liên tục, thậm chí còn có thể bị suy tim, suy tuần hoàn.
- Một số biến chứng nguy kịch khác của bệnh có thể kể đến như: tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tổn thương đa tạng, xuất huyết dưới da,…
2. Các giai đoạn sốt xuất huyết ở trẻ em
2.1. Giai đoạn ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh của virus Dengue trong cơ thể trẻ em sẽ kéo dài từ 4-7 ngày, thậm chí là lâu hơn, đến 2 tuần. Trong giai đoạn này, sẽ không thể phát hiện bất cứ triệu chứng bị bệnh rõ ràng nào ở trẻ. Điều này có thể gây ra tâm lý chủ quan cho các bậc cha mẹ.
2.2. Giai đoạn sốt
Khi trẻ bắt đầu bị sốt cao 39-40 độ C trong nhiều ngày liên tục, đây chính là giai đoạn bệnh khởi phát. Cha mẹ cần căn cứ vào một số dấu hiệu như: trẻ đau đầu, buồn nôn, quấy khóc liên tục; xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, phát ban; chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng,… để xác định trẻ có đang bị sốt xuất huyết hay không. Nếu đúng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để tiến hành can thiệp, điều trị kịp thời.
2.3. Giai đoạn nguy hiểm
Nếu không được điều trị dứt điểm trong giai đoạn sốt, trẻ có thể rơi vào tình trạng nguy kịch tính từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi phát bệnh. Giai đoạn này bé có thể giảm hoặc ngừng sốt; nhưng sẽ bị thoát huyết tương do cơ chế tăng tính thấm thành mạch.
Những biểu hiện cho thấy trẻ bị sốt xuất huyết nguy kịch có thể kể đến như: lờ đờ mệt mỏi; tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp; cơ thể tích nước, hay thấy khát nhưng tiểu ít; xuất huyết dưới da, trong ổ bụng; bụng bị chướng, gan sưng đau,…
2.4. Giai đoạn hồi phục
Nếu được can thiệp kịp thời và tích cực chữa bệnh, cơ thể bé sẽ bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục. Trẻ hết sốt hoàn toàn, tỉnh táo và minh mẫn; huyết áp ổn định; bé đòi ăn và đi tiểu nhiều hơn.
3. Trẻ bị sốt xuất huyết nên ăn gì và không nên ăn gì?
3.1. Thực phẩm tốt cho trẻ bị sốt xuất huyết
Cháo, súp loãng
Cháo hay súp loãng giúp trẻ đang bị sốt xuất huyết dễ ăn và dễ tiêu hóa. Chưa kể, ăn các loại thức ăn lỏng sẽ cung cấp nước nhiều hơn cho cơ thể trẻ để bù lại lượng nước đã mất.
Nước
Trong quá trình điều trị bệnh, cần liên tục cho bé uống thêm nước lọc; đồng thời bổ sung thêm nước bù điện giải để điều hòa dịch nội bộ. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho bé uống các loại nước trái cây như nước cam, nước chanh, nước dừa,… cũng có công dụng hữu hiệu trong việc bù nước và chất điện giải khi bé sốt cao liên tục.
Rau xanh, hoa quả tươi
Các loại rau củ quả tươi đều chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể của bé. Nó giúp tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch tự nhiên. Một số loại rau xanh, trái cây mà mẹ nên bổ sung vào thực đơn cho bé nhanh hồi phục có thể kể đến như: rau bina, súp lơ xanh; cam, bưởi, ổi, lựu,….
Thực phẩm giàu đạm
Thịt, cá, trứng,… đều là các thực phẩm tự nhiên giàu protein; cung cấp năng lượng để cơ thể nhanh chóng phục hồi; đồng thời tham gia vào quá trình hình thành các kháng thể chống nhiễm trùng.
Sữa và các chế phẩm từ sữa
Các loại sữa như sữa bột, sữa nước hay các chế phẩm như sữa chua, váng sữa vốn rất tốt cho sự phát triển của trẻ do chứa nhiều dưỡng chất cần thiết như protein, chất béo, canxi.
Trong sữa chua chứa hàm lượng lợi khuẩn cao, giúp “vá” lại lỗ hổng miễn dịch trong hệ tiêu hóa của trẻ sau thời gian dài bị bệnh. Váng sữa thì bổ sung chất béo có ích, qua đó giúp bổ sung và dự trữ nguồn năng lượng, giúp cơ thể hấp thụ một số loại vitamin và thúc đẩy chức năng miễn dịch tự nhiên.
3.2. Thực phẩm không tốt cho trẻ bị sốt xuất huyết
Trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ bị sốt xuất huyết, cha mẹ cần tránh cho con ăn một số loại thực phẩm sau:
Đồ ăn nhanh, chiên rán, nhiều dầu mỡ; đồ ăn cay nóng
Trẻ bị sốt liên tục sẽ khiến các chức năng tiêu hóa của cơ thể bị suy yếu. Những món ăn chứa nhiều dầu mỡ hoặc gia vị sẽ gây gánh nặng cho đường ruột; khiến bụng trẻ bị khó tiêu, ọc ạch.
Nước ngọt, đồ uống có ga
Mặc dù trẻ sốt xuất huyết cần được bù nhiều nước, nhưng cha mẹ tuyệt đối không nên cho con uống các loại đồ uống đóng lon. Các loại nước này không cung cấp được dưỡng chất có lợi nào; thậm chí còn khiến cơ thể mất nước hơn do chứa nhiều đường, muối natri và caffein.
Thức ăn sẫm màu, có màu đỏ hoặc màu đen
Thường thì khi ăn những loại thực phẩm có màu đỏ hoặc đen sẫm như củ dền, thanh long đỏ, việt quất,… phân của trẻ cũng sẽ có màu tương tự. Điều này có thể khiến cha mẹ khó phát hiện bé có đang bị biến chứng xuất huyết tiêu hóa hay không.
Thức ăn đặc, khô
Như đã nói, trẻ bị sốt xuất huyết nên ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Do đó, mẹ nên hạn chế cho con ăn các loại thực phẩm khô như bánh mì, bánh quy, mì trộn,…; hoặc có thể cho bé ăn kèm với sữa hoặc nước dùng nhé!
4. Cha mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà?
Khi trẻ bị sốt xuất huyết, cha mẹ cần lưu ý một số nguyên tắc sau để chăm sóc giúp con nhanh khỏi ốm hơn:
- Trong suốt những ngày điều trị cho bé, cần liên tục đo nhiệt độ cơ thể và hạ sốt kịp thời. Không tự ý truyền nước hay cho bé uống thuốc hạ sốt mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Nếu con bị sốt cao trên 39 độ C, cha mẹ hãy cho con uống thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol; tuyệt đối không dùng aspirin và ibuprofen vì có thể gây xuất huyết ồ ạt.
- Nên chia các bữa ăn cho bé thành nhiều bữa nhỏ; thức ăn nấu loãng để bổ sung nước và giúp bé dễ tiêu hơn.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn dẹp nơi ẩm thấp trong nhà để hạn chế muỗi sinh sôi. Cho bé mặc quần áo dài tay và ngủ trong màn/mùng.
- Nếu con có những biểu hiện như đau bụng dữ dội, liên tục nôn ói, chân tay lạnh, đi ngoài ra máu,… thì cha mẹ cần lập tức đưa con tới cơ sở y tế gần nhất để chữa trị.
Bài viết trên đây là những kiến thức về bệnh sốt xuất huyết nói chung; đồng thời giải đáp cho câu hỏi “Trẻ bị sốt xuất huyết nên ăn gì?”. Chuyên gia Bibo Care hy vọng cha mẹ đã có thêm hiểu biết để phòng ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm này nếu bé yêu không may mắc phải. Chúc cả nhà cùng khỏe, cùng vui!