Vàng da ở trẻ sơ sinh – cẩn thận mất con!

cách trị nẻ má cho bé

Chứng bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh khiến cho bậc làm cha làm mẹ vô cùng lo lắng. Có những trường hợp trẻ tự khỏi vàng da, nhưng cũng có trường hợp trẻ gặp biến chứng gây bại não hay tử vong. Đó là vì vàng da là biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm chứ không chỉ đơn thuần là chứng vàng da sau sinh. Có thể chia ra làm hai loại: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Do vậy người chăm sóc trẻ, đặc biệt là các bà mẹ, nên nhận biết được một số dấu hiệu của vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh để tìm ra cách chữa trị hợp lý nhất cho bé yêu.

1. Tổng quan về bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Thạc sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên bộ môn Nhi, ĐH Y dược TP HCM cho biết, vàng da bệnh lý chỉ chiếm 2-5% trên các trẻ bị vàng da sơ sinh. Cũng vì tỷ lệ không cao, vàng da bệnh lý thường bị bỏ qua do nhầm tưởng là vàng da sinh lý.

 

Vàng da sinh lý thường xuất hiện ngày thứ 2-3 sau sinh, vàng nhạt và không kèm bất kỳ triệu chứng nào khác. Biểu hiện này chỉ thoáng qua rồi tự khỏi. Đối với trẻ đủ tháng, vàng da sẽ hết trong vòng một tuần. Với trẻ sinh non là 2 tuần. Tuy nhiên, vàng da bệnh lý lại có thể khiến trẻ bị nhiễm độc thần kinh hoặc tử vong.

2. Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý

Trẻ sơ sinh có 2 dạng vàng da là: sinh lý và bệnh lý.

– Vàng da sinh lý:

Vàng da sinh lý xảy ra khi trẻ được 1-7 ngày tuổi. Tuy nhiên, trẻ vẫn ăn ngủ bình thường và hiện tượng này sẽ tự hết, không cần điều trị và không nguy hiểm.

– Vàng da bệnh lý

Vàng da bệnh lý (hay vàng da nhân) thường gặp ở trẻ sinh non. Các em bị vàng da từ đầu đến chân ngay khi lọt lòng. Nếu không được điều trị đúng mức, trẻ sẽ bị nhiễm độc thần kinh, co giật, hôn mê rồi tử vong.

 

Theo bác sĩ Võ Đức Trí, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), phụ huynh không nên chủ quan khi thấy trẻ bị vàng da. Đã có rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn, nghĩ vàng da ở trẻ sơ sinh là bình thường và sẽ tự hết. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày chưa hết họ mới đưa trẻ đi khám.

 

“Lúc này, có những trẻ đã trong tình trạng nặng tổn thương nhân xám, bại não. Cũng không loại trừ nhiều trường hợp do giới hạn sinh lý và bệnh lý của vàng da không rõ ràng nên cha mẹ khó nhận biết”, bác sĩ Trí cho biết.

3. Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh

– Vàng da sinh lý:

Thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi trẻ mới sinh và khỏi trong vòng 10 ngày.

– Vàng da do nhiễm khuẩn:

Hay gặp nhất ở trẻ mới sinh là nhiễm khuẩn rốn, nhiễm khuẩn da. Vàng da có thể xuất hiện sớm, hoặc muộn.

– Vàng da do người mẹ mắc giang mai:

Vàng da thường nhẹ nhưng kéo dài, kèm theo gan to, lách to.

– Vàng da do virus:

Chủ yếu là do virus gây bệnh viêm gan truyền từ mẹ qua nhau thai gây nên.

– Vàng da tan máu do bất đồng yếu tố Rh:

Bệnh xảy ra khi người mẹ có yếu tố Rh(-), người bố có yếu tố Rh(+), con sinh ra có yếu tố Rh(+).

– Vàng da do tắc mật bẩm sinh:

Nguyên nhân do đường mật bị teo nhỏ ở mức độ khác nhau.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da biến chứng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé (Ảnh minh họa).

4. Làm thế nào để phát hiện vàng da ở trẻ sơ sinh?

Phụ huynh cần theo dõi da của trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay… của trẻ để xác định trẻ bị vàng da. Một số em bé da đỏ sẽ khó thấy nên khi ấn vào thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn. Đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.

 

Sai lầm thường thấy là do da trẻ đỏ hồng sậm hoặc phụ huynh đặt con trong buồng tối nên không nhận biết trẻ bị vàng da. Ngoài ra, “Nhiều người thấy con bị vàng da lại nghĩ vàng da thông thường nên đưa bé ra phơi nắng, đến khi bé bỏ bú, bú kém mới đưa đi bệnh viện thì đã quá muộn”, bác sĩ Thùy Dương nói.

 

Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cần đưa đến bác sĩ để kiểm tra.

 

Vàng da được chia thành 2 mức độ:

 

– Nhẹ: Da hơi vàng ở mặt, thân mình; trẻ vẫn bú tốt

 

– Nặng: Da vàng sậm, lan xuống tay, chân; trẻ bú kém, bỏ bú; hoặc vàng da xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh. Những trẻ sinh non, nhiễm trùng, sinh ngạt dễ bị vàng da nặng.

5. Vàng da ở trẻ sơ sinh cần làm gì?

5.1. Đối với trường hợp nhẹ

– Có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng. Đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào khoảng 8-8h30 mỗi sáng, lúc trời không quá nóng hay quá lạnh). Cũng theo bác sĩ, phơi nắng sớm cho trẻ hoàn toàn không có tác dụng điều trị vàng da: “Vàng da sinh lý sẽ tự hết, còn đối với vàng da bệnh lý thì biện pháp phơi nắng không đủ để điều trị khỏi bệnh”.

 

– Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa. Vì trong sữa mẹ có chứa vài loại dưỡng chất quan trọng giúp các cơ quan chức năng của cơ thể trẻ phát triển. Bạn nên cho trẻ bú sữa mẹ cách mỗi hai giờ sau khi sinh. Việc cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên có thể giúp cơ thể trẻ thải loại bilirubin thừa ra khỏi cơ thể và nhờ thế sẽ giảm triệu chứng vàng da.

 

– Ngoài ra mẹ cũng nên theo dõi diễn biến của chứng vàng da mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày sau sinh.

5.2. Trẻ bị vàng da nặng

Đối với trường hợp vàng da nặng, mẹ cần được nhập viện ngay để được điều trị tích cực bằng các phương pháp sau:

 

– Trong trường hợp mức bilirubin trong máu của trẻ cao, bác sĩ có thể thực hiện liệu pháp chữa bệnh bằng ánh sáng để giải quyết vấn đề. Trong suốt quá trình điều trị, trẻ sẽ được nằm dưới luồng ánh sáng đặc biệt ở bệnh viện trong vòng 24 giờ hoặc nhiều hơn. Các loại ánh sáng đặc biệt này có tác dụng giúp giảm nhẹ chứng vàng da bằng cách loại bỏ mức bilirubin trong máu.

 

 

– Thay máu: Lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.

 

– Một liệu pháp nữa để trị vàng da ở trẻ sơ sinh là thay thế sữa mẹ bằng một loại sữa chế biến đặc biệt dành cho trẻ. Tùy thuộc vào mức bilirubin trong cơ thể trẻ, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ bú bằng nguồn sữa bột (có thành phần tương tự sữa mẹ) trong khoảng thời gian 48 giờ. Sau khi mức bilirubin trong máu trẻ đã trở lại bình thường, bác sĩ sẽ đề nghị cho bé bú sữa mẹ trở lại.

6. Một số yếu tố nguy cơ của hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh

Một số trẻ sơ sinh có thể có những triệu chứng vàng da nặng hơn so với ở những trẻ sơ sinh khác. Nếu em bé sơ sinh của bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào sau đây, bạn hãy đưa bé đến thăm khám bác sĩ ngay để có thể theo dõi được mức độ bilirubin của bé chặt chẽ hơn:

 

– Trẻ đã có anh/chị em bị vàng da trước đó

 

– Trẻ tiểu tiện không đủ ướt tã và làm tã bẩn

 

– Bị bầm tím khi sinh

 

– Đẻ non

 

– Có hiện tượng vàng da sớm (trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh)

 

– Mẹ có nhóm máu O hoặc nhóm máu Rh

7. Vàng da ở trẻ sơ sinh có gây biến chứng nghiêm trọng hơn?

Nếu vàng da ở trẻ sơ sinh không được chữa trị thì mức độ bilirubin rất cao trong máu có thể gây ra tổn thương não. Tuy nhiên, vàng da ở trẻ sơ sinh thường được cha mẹ trẻ phát hiện và điều trị sớm, do đó các biến chứng này hiện nay đã trở nên rất hiếm.

 

Nhưng cha mẹ trẻ hãy đến bác sĩ ngay nếu:

 

– Da của bé ngày càng bị vàng nhiều hơn.

 

– Màu vàng ở mặt, mắt đã lan đến bụng, cánh tay hoặc chân của trẻ

 

– Em bé trở nên chậm chạp, khó thức dậy

 

– Bạn không thể cho bé ăn hoặc bú tốt, hoặc bé rất kén chọn ăn uống.

 

– Bé bị sốt hoặc khóc thét.

 

Trên đây là tất tần tật thông tin về vàng da ở trẻ sơ sinh. Với những chia sẻ trên, hi vọng mẹ sẽ biết cách để phân biệt vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý. Đừng quên theo dõi các biểu hiện vàng da của con để có biện pháp điều trị kịp thời nhé!

Theo Eva.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *