Hãy giúp trẻ có thêm niềm vui với việc làm quen và học bảng chữ cái một cách dễ dàng bằng các trò chơi mà học dưới đây.
Giáo dục chính thức của trẻ sẽ bắt đầu với bảng chữ cái. Nhưng nếu ép trẻ học từ bảng chữ cái thì chưa chắc trẻ đã hợp tác. Vậy tại sao không trao cho trẻ niềm vui, sự hứng thú bằng những trò chơi với bảng chữ cái thật thú vị, đầy sáng tạo?
1. Ghép cặp chữ cái
Cần có: 2 bộ thẻ chữ cái và 1 túi.
Cách chơi:
– Mua vài bộ thẻ chữ cái. Rải ra trên mặt bàn, xếp theo hàng và để khoảng trống giữa các tấm thẻ.
– Cho một bộ thẻ khác vào túi và lắc đều lên.
– Đề nghị trẻ lấy một tấm thẻ trong túi rồi đặt nó vào vị trí của tấm thẻ tương ứng trên bàn. Ví dụ, nếu trẻ cầm thẻ chữ “N” trong túi, trẻ phải đặt nó vào vị trí thẻ chữ “N” trên bàn.
– Phát âm chữ cái mỗi lần trẻ lấy ra từ túi để giúp con ghi nhớ.
2. Các khối hình chữ cái
Cần có: Bộ 52 khối xếp hình và bút màu.
Cách chơi:
– Sử dụng bút màu để viết các chữ cái lên khối xếp hình. Bạn có thể tìm mua các khối xếp hình có in sẵn chữ cái.
– Đảo lẫn các khối xếp hình vào nhau rồi đề nghị trẻ xếp lại các khối hình theo thứ tự chữ cái trong bảng chữ cái.
– Bạn có thể tăng độ khó của trò chơi bằng cách đề nghị trẻ dùng các khối xếp hình để tạo thành từ đơn giản. Ví dụ, khối hình có chữ “B” và “A” có thể xếp chồng lên nhau để tạo thành từ “BA”.
3. Rổ trái cây
Đây là một hoạt động tuyệt vời về bảng chữ cái dành cho trẻ độ tuổi tiền tiểu học nhằm giúp trẻ ghi nhớ chữ cái. Bạn thậm chí có thể cùng con chơi trò chơi này với rau và các vật dụng hàng ngày. Càng nhiều vật dụng, trẻ càng học được thêm nhiều chữ cái.
Cần có: 5-6 chiếc rổ nhựa; một số loại trái cây như táo, lê, cam…; vài tờ giấy; bút và băng dính.
Cách chơi:
– Viết chữ cái đầu tiên của trái cây vào một tờ giấy. Ví dụ, nếu bạn có quả táo, quả lê, quả cam, hãy viết chữ “T”, chữ “L”, chữ “C” lên 3 tờ giấy.
– Dính mỗi tờ giấy đó vào từng chiếc rổ nhựa.
– Để trái cây vào một rổ khác rồi đưa cho trẻ. Đề nghị trẻ nhặt trái cây và đặt vào chiếc rổ có dán chữ cái tương ứng với loại quả đó.
– Nói ra tên của loại trái cây nếu trẻ chưa nhớ được. Bạn có thể tự mình cầm một chiếc rổ có gắn chữ cái lên và hỏi con: “C là quả…?”. Nhiệm vụ của trẻ là tìm ra đáp án đúng.
4. Viết lên bột mì
Cần có: 1 chiếc đĩa và bột mì.
Cách chơi:
– Đổ một ít bột mì lên đĩa.
– Dùng ngón tay trỏ vẽ một chữ cái lên đĩa bột và nói to chữ cái đó.
– Xoá chữ cái đó đi bằng lòng bàn tay và bạn có thể vẽ lại một lần nữa. Giờ thì tới lượt con bạn.
– Hướng dẫn con làm lại nếu trẻ vẽ sai chữ cái. Lặp lại hoạt động này với các chữ cái in thường.
5. Bảng chữ cái trên báo
Cần có: Tờ báo hoặc tạp chí cũ; kéo; 1 tờ giấy và keo.
Cách chơi:
– Lấy một trang báo cũ rồi nói cho trẻ biết chữ cái mà trẻ cần tìm trên trang báo đó. Bạn có thể giúp trẻ bằng cách lấy kéo cắt chữ cái đó ra.
– Dùng keo dán chữ cái đó theo thứ tự bảng chữ cái lên tờ giấy.
6. Bảng chữ cái với đất nặn
Cần có: Đất nặn và 1 tờ giấy.
Cách chơi:
– Dùng đất nặn để tạo thành hình các chữ cái.
– Sử dụng các màu khác nhau để nặn nên cùng một chữ cái. Ví dụ, bạn có thể dùng 3 màu khác nhau để tạo nên chữ “N”.
– Đặt những chữ cái này lên tờ giấy. Đây là một hoạt động đơn giản dành cho trẻ ở tuổi tiền tiểu học.
7. Chơi với bảng chữ cái theo nhóm
Cần có: Một nhóm trẻ.
Cách chơi:
– Trẻ đứng thành hàng hoặc theo vòng tròn.
– Trẻ đầu tiên sẽ nói to chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái và những trẻ còn lại tiếp tục.
– Trò chơi tiếp diễn cho tới khi mọi chữ cái đều được đọc hết lên.
8. Chữ cái trên dây
Cần có: Các tấm thẻ chữ cái; kẹp quần áo, một sợi dây.
Cách chơi:
– Dùng kẹp quần áo gắn những tấm thẻ chữ cái theo thứ tự trong bảng chữ cái lên dây treo.
– Lấy lại một vài tấm thẻ trên dây và đề nghị trẻ tìm ra chữ cái còn thiếu để gắn trở lại.
– Bạn cũng có thể đảo lộn trật tự các thẻ chữ cái. Khi đó, trẻ sẽ phải gỡ thẻ ra, xếp lại cho đúng và gắn vào dây.
9. Chữ cái bằng cúc
Cần có: Cúc nhựa đủ các màu; 1 tờ giấy, bút và keo.
Cách chơi:
– Để trẻ viết bảng chữ cái vào tờ giấy với cỡ chữ lớn.
– Dính các cúc áo vào chữ cái theo đúng nét tạo hình chữ cái đó.
– Lặp lại hoạt động này để thực hành. Nhưng lần tới, bạn có thể đề nghị trẻ dùng cúc áo xếp thành hình chữ cái mà không cần có mẫu chữ cái đó bên dưới.
10. Nhảy lò cò
Cần có: Bộ phấn màu.
Cách chơi:
– Vẽ các ô như trong trò chơi nhảy lò cò lên nền đất. Mỗi ô kèm theo một chữ cái. Bạn có thể viết những chữ cái này một cách ngẫu nhiên và chúng cách nhau một khoảng nhỏ.
– Đề nghị trẻ bước vào một ô chữ cái rồi tìm chữ cái tiếp theo để đặt chân vào. Ví dụ, nếu trẻ đứng ở ô có chữ “D”, trẻ sẽ phải tìm ô chữ “E” để bước đến.
– Hướng dẫn trẻ bất cứ khi nào trẻ lúng túng không biết phải tìm chữ cái tiếp theo như thế nào.