Xuất phát từ nhiều nghiên cứu về sữa mẹ và lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ từ lúc trẻ được sinh ra đến 6 tháng tuổi.
Thời gian nuôi con bằng sữa mẹ quá ngắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cả mẹ và bé. Trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, mắc các bệnh tiêu hóa. Sự phát triển của trí tuệ và thị lực bị ảnh hưởng. Mẹ cũng gặp phải các vấn đề về ngực, tia sữa. Cùng đôi ngũ chuyên gia Bibo Mart tìm hiểu ngay 4 lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ.
1. Sữa mẹ bảo vệ trẻ chống lại bệnh tật
Nucleotide là một thành phần tự nhiên trong sữa mẹ. Chất này có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hoá các phản ứng miễn dịch khi trẻ được tiêm phòng vaccine. Đồng thời nó cũng cung cấp sự miễn dịch để chống lại các dịch bệnh ở trẻ.
Hàng năm trên thế giới có khoảng 26% trẻ bị viêm đường hô hấp, 30-50% trẻ bị tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Đến tháng thứ 9 sau sinh, tổng toàn bộ kháng thể trong cơ thể của trẻ chỉ đạt 60% so với người trưởng thành. Tiêm phòng vaccine là công việc rất quan trọng để trẻ tăng cường sức đề kháng, phát triển hệ thống miễn dịch.
Sữa mẹ có các bạch cầu, kháng thể (IgA) và các tiểu thể (lysozyme) làm giảm nguy cơ mắc mầm bệnh gây tử vong cao ở trẻ. Theo nghiên cứu lâm sàng, trong sữa mẹ còn có Tổng toàn bộ Nucleotide (viết tắt là TPAN). Đây là dưỡng chất tự nhiên trong sữa mẹ với hàm lượng lớn, dao động từ 69 đến 72 mg/l. TPAN giúp hỗ trợ sự phát triển của hệ thống miễn dịch của trẻ, làm gia tăng lượng kháng thể. Đồng thời còn đáp ứng miễn dịch đối với vaccine chủng ngừa viêm màng não (Hib) và vaccine bạch hầu. Bé bú sữa mẹ sẽ có đề kháng tự nhiên trước các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp.
2. Sữa mẹ là nguồn thực phẩm lý tưởng
Trẻ lớn lên rất nhanh trong thời kỳ sơ sinh. Vì vậy nhu cầu về chất dinh dưỡng rất lớn, trong khi bộ máy tiêu hoá lại chưa hoàn chỉnh. Trong giai đoạn này, chỉ có sữa mẹ là thức ăn lý tưởng đáp ứng được. Những loại thực phẩm như bột ăn dặm, sữa bột,… chỉ là thực phẩm bổ trợ trong thực đơn của trẻ.
Sữa mẹ tập hợp phong phú các yếu tố hoá sinh ở dạng đang hoạt động. Trong đó có một lượng lớn các hormone và yếu tố tăng trưởng. Ngoài ra còn có ít nhất 60 loại enzym và các nguyên tố vi lượng và đa lượng thiết yếu khác.
3. Sữa mẹ cung cấp năng lượng cho bé
Trong năm đầu đời, trọng lượng trẻ sẽ tăng gấp 3 lần và chiều cao tăng gấp 2 lần. Trẻ cần số năng lượng tính trên cân nặng cao gấp 3-4 lần so với người lớn. Cụ thể, trẻ sơ sinh cần 90-120 kcal/kg, trong khi đó người lớn chỉ cần 30-50 kcal/kg.
Năng lượng cho sự tăng trưởng của trẻ lấy từ chất bột đường và chất béo trong sữa mẹ. Lactose trong sữa mẹ giúp cải thiện thần kinh và nuôi dưỡng lợi khuẩn trong đường ruột của bé. Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng, giúp tạo vị ngọt cho sữa.
Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất bột đường giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ. Chất đạm cần cho sự tăng trưởng, giúp xây dựng và sữa chữa các tế bào hư hỏng.
Chất béo trong sữa mẹ có vai trò là chất chuyên chở những vitamin tan trong chất béo như vitamin A&D, cùng với axit béo thiết yếu là axit linoleic, đóng vai trò sống còn cho sự phát triển của hệ thần kinh cũng như chức năng mô. Thành phần axit béo trong sữa mẹ cho phép cải thiện sự hấp thu chất béo tại ruột.
Cơ thể cần khoảng 20 axit amin. Trong đó có khoảng 8 axit amin thiết yếu cơ thể trẻ không thể tự sản sinh được. Trong nửa năm đầu của trẻ, sữa đóng vai trò cung cấp lượng axit amin thiếu hụt này. Cơ thể trẻ có thể hấp thụ 66% lượng canxi trong sữa mẹ, nhiều hơn hẳn các loại sữa bột.
4. Nuôi con bằng sữa mẹ có tác dụng tốt về phương diện tâm lý
Cho con bú mẹ làm gắn bó tình cảm giữa mẹ con. Sự gần gũi này giúp trẻ phát triển tốt về mặt tình cảm và trí tuệ khi lớn.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp bà mẹ giảm thiếu máu, nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung. Bên cạnh đó, giúp giảm xuất huyết sau sinh, giảm bài tiết hóc môn oxytocin (kích thích cơ tuyến vú đẩy sữa vào ống dẫn sữa). Thêm vào đó, kích thích cơ thể tiết ra các hóc môn điều hoà thần kinh, giải tỏa căng thẳng.
Nguồn: BS Lê Thanh Huyền (VnExpress)