Biết những câu nói đùa của người lớn chỉ nhằm trêu hoặc giúp trẻ ngoan hơn nhưng nó vô tình làm ảnh hưởng xấu tới trẻ sau này. Vì thế ba mẹ cần chú ý và đừng vấp phải nhé!
Người lớn thường bao biện rằng vì trẻ con hư, không nghe lời, không chịu ăn… nên mới nói đùa như thế, mục đích chỉ để dọa trẻ. Đa số mọi người nghĩ đơn giản là trẻ con sẽ nhanh chóng quên đi những lời họ nói, còn hiện tại, bọn trẻ sẽ biết sợ, biết nín khóc, biết chịu ăn, biết ngoan ngoãn… Vậy nên họ vẫn thường xuyên nói đùa với bọn trẻ. Vô hình chung, những câu nói đùa của người lớn cứ ăn sâu dần vào tâm hồn ngây thơ của các bé và tích tụ thành những nỗi ám ảnh trong kí ức tuổi thơ, thậm chí đeo đẳng suốt cuộc đời.
Hậu quả của những lời nói đùa đó có lẽ người lớn cũng chẳng thể hình dung hết được. Cho đến mới đây, khi vụ việc một em bé 2 tháng tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc chết thảm chỉ vì người hàng xóm nói đùa với chị gái của bé rằng: “Mẹ cháu có con trai rồi, giờ không cần cháu nữa!”, có lẽ những bậc làm cha, làm mẹ mới thức tỉnh. Đáng tiếc là ở Việt Nam chúng ta người lớn vẫn thường dùng những câu nói cửa miệng để “trêu” con trẻ mà không hề nghĩ đến những nỗi buồn, sự tủi thân và thậm chí là những tổn thương đến tâm hồn trẻ.
“Bố mày đi lấy vợ khác rồi, không về với mày nữa đâu.”
Hoặc là “Mẹ mày đi lấy chồng khác rồi, không về với mày nữa đâu”. Khi bố mẹ đi vắng, trẻ nhớ bố mẹ và thường hỏi bố mẹ đi đâu rồi? Hay bao giờ con được gặp bố mẹ? Người lớn thường trả lời bằng những câu nói nhanh gọn để trẻ không phải hỏi nhiều như ” Bố/mẹ đi lấy vợ khác rồi, không về với con nữa đâu”. Người lớn thường cho rằng những câu nói để mua vui lúc đó sẽ giúp trông trẻ dễ dàng hơn. Tuy nhiên trẻ con thường tin đó là sự thật. Vì vậy chúng thường có tâm lý lo sợ hoang mang vì nghĩ rằng bố mẹ sẽ không bao giờ về nữa.
“Mẹ có em bé mới, chuẩn bị ra rìa nhé!”
Có lẽ 10 đứa trẻ Việt Nam khi mẹ sinh thêm em bé mới thì 9 trẻ đã từng nghe câu nói này. Thay vì động viên, khuyến khích trẻ biết yêu thương, chào đón em bé nồng nhiệt thì với kiểu nói của người lớn sẽ vô tình làm hại bé, bé sẽ nảy sinh tâm lý ghen tị với em vì sợ bố mẹ sẽ bỏ rơi mình sau này. Chính vì tâm lý lo sợ bị bỏ rơi nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra như bé sẽ hại chết em bé mới sinh. Do vậy những câu nói đùa như vậy người lớn cũng cần nên cẩn thận.
Gọi con gái là “vịt giời”, “thị mẹt”
Gia đình sinh con gái một bề rất hay nhận được những câu châm chọc về chuyện nhà toàn “vịt giời”, “thị mẹt”, mai sau con gái lớn chỉ có bay đi hết, không giúp gì được cho bố mẹ. Những câu nói hồn nhiên được thốt ra trong lúc “tám” chuyện cho…vui miệng này có thể khiến các bé gái nảy sinh tâm lí tự ti, mặc cảm từ bé, kìm hãm tham vọng phấn đấu trong trẻ. Vì trẻ sẽ có suy nghĩ, có cố gắng thế nào thì mình cũng không có giá trị gì đối với bố mẹ, mình chỉ là… “vịt giời” mà thôi.
Nựng nịu con trai là “đích tôn”, “thằng cu chống gậy”
Đừng nghĩ rằng kiểu gọi đùa này chỉ khiến các bé gái mặc cảm bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà chính các bé trai cũng bị ảnh hưởng tâm lí không tốt. Bé trai rất dễ nảy sinh tư tưởng kiêu căng, tự phụ, coi mình luôn là “trung tâm của vũ trụ”, mình không cần để ý đến người khác mà người khác luôn phải quan tâm, phục vụ mình.
“Hư… thì đem ra chợ bán/đem cho ông Ba Bị bắt nhé.”
Người lớn rất hay có thói quen tạo ra những nhân vật, những hành động đáng sợ như “ông Ba Bị”, “con ma” hay “đem ra chợ bán” khi muốn hù dọa, bắt trẻ phải vâng lời. Có thể khi trẻ lớn, chúng sẽ tự hiểu rằng những lời dọa dẫm kia hoàn toàn là bịa đặt. Thế nhưng để trẻ phải sợ hãi, đặc biệt là sợ hãi vì những thứ vô lý, hoang đường thực sự không hề tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ.
“Thằng bé/con bé này chẳng giống bố gì cả. Hay là con của bác hàng xóm?”
Một đứa trẻ không có nhiều nét giống bố có thể phải hứng chịu những câu bông đùa “kém duyên” suốt cả thời ấu thơ: ‘A, hay thằng này/con này là con bác hàng xóm!” Trẻ nhỏ không thể hiểu hết sự bông đùa trong lời nói, chúng chỉ nảy sinh tâm lí bối rối, lo lắng có điều gì đó không bình thường, ảnh hưởng đến tình cảm giữa hai bố con.
Những câu nói đùa chỉ khiến trẻ thấy bất an, không được tôn trọng, lâu dần trẻ sẽ mất lòng tin vào người lớn. Vì vậy, để trẻ phát triển một cách toàn diện về cả thể chất và nhân cách, điều quan trọng nhất là cần tạo cho trẻ cảm giác an toàn, tin cậy, được trân trọng. Khi tiếp xúc với trẻ, người lớn nên thận trọng trong từng cử chỉ và lời nói của mình; không nên đùa quá trớn, nói không rõ nghĩa, hay hăm dọa trẻ, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Theo Eva.vn