Mới sinh con, chưa kịp cảm nhận những niềm vui bên thiên thần nhỏ; nhiều bà mẹ đã gặp phải tình trạng lo âu, buồn bã, thậm chí là trầm cảm. Làm thế nào để giảm bớt cảm giác căng thẳng sau sinh là nỗi niềm của nhiều bà mẹ. Chuyên gia Bibo Care xin gửi đến mẹ 5 lời khuyên trong bài viết dưới đây để mẹ có thể nhanh chóng lấy lại tinh thần vui tươi, lạc quan nhé!
1. Nguyên nhân gây căng thẳng sau sinh
Mẹ sẽ được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: mẹ hạnh phúc khi biết có một hình hài nhỏ bé trong cơ thể mẹ và đang lớn dần lên mỗi ngày cùng mẹ; mẹ vỡ òa trong nước mắt vì hạnh phúc khi mẹ thấy con yêu chào đời, con cất tiếng khóc đầu tiên, con đến bên mẹ và mở to đôi mắt nhìn mẹ; mẹ hạnh phúc khi mỗi ngày được nhìn thấy con lớn lên, được là người bạn đồng hành trên hành trình khôn lớn cùng con; và còn nhiều điều khiến mẹ hạnh phúc hơn nữa…
Nhưng trên chuyến hành trình này, mẹ cũng thật vụng về trước những thay đổi trong cuộc sống hằng ngày. Lần đầu tiên được làm mẹ, mẹ bỡ ngỡ lắm. Những ngày đầu thật vất vả, những tháng ở cữ khiến mẹ trở nên mệt mỏi, ngột ngạt.
Những ngày mới sinh con, đêm mẹ không dám chợp mắt chỉ để lo cho con. Hàng ngày mẹ phải đối mặt với mớ quần áo, thức ăn lộn xộn hay chính sự nhếch nhác của bản thân mình.
Đôi khi, mẹ ước mình có một vài phút được thư giãn, thảnh thơi; hay chỉ đơn giản là có một không gian thư thái để cảm nhận hương vị cuộc sống. Và hạnh phúc mỗi ngày của mẹ là được ngắm nhìn con, nô đùa cùng con yêu.
2. Bí quyết giúp mẹ giảm căng thẳng sau sinh
2.1. Chăm sóc bé theo bản năng làm mẹ
Mẹ đã đọc nhiều lời khuyên và trang bị cho mình những kiến thức trong chăm sóc con nhưng mẹ đã không làm được tốt như mẹ đã nghĩ. Nếu mẹ không làm theo mọi thứ xung quanh mình mà tin vào bản năng làm mẹ, mọi thứ sẽ tốt hơn. Và bây giờ, mẹ hãy cùng bé trải nghiệm và học hỏi từng ngày theo cách riêng của mình. Đừng để những lời nhắc suông xung quanh làm ảnh hưởng.
2.2. Học cách thư giãn khi cần thiết
Mẹ đừng quá lo lắng khi bé khóc mà hãy bỏ qua tiếng khóc vô cớ của bé. Nhưng đảm bảo đó là khi bé đã được thay tã, được bú no và không bị vết đau nào.
Bởi nếu lúc bé khóc, mẹ đến bên vỗ về ngay mà bé vẫn không nín, tình trạng này kéo dài sẽ khiến mẹ bực tức. Lúc này, mẹ hãy đặt bé an toàn trên nôi hoặc giường và đảm bảo mọi thứ xung quanh không làm bé tổn thương. Sau đó, mẹ hãy uống một cốc nước, hít thở sâu, rửa mặt… để lấy lại bình tĩnh. Khi đó, mẹ dỗ dành bé sẽ đơn giản hơn.
2.3. Lưu trữ những điều hạnh phúc về bé yêu
Trí nhớ của mẹ sẽ không thể chứa đựng hết những ngày tháng tuyệt vời bên con hay những mốc quan trọng trong hành trình ấy. Vậy nên, những cuốn sổ tay, cuốn nhật ký hay những trang blog cá nhân sẽ thật hữu ích để giúp mẹ có thể lưu trữ những kỷ niệm hạnh phúc mỗi ngày cùng con.
Những cảm xúc ngọt ngào hay những hình ảnh đáng yêu của con sẽ tiếp sức cho mẹ mỗi khi mẹ mệt mỏi. Một cuộc hành trình đầy khó khăn nhưng lại chất chứa những điều tuyệt vời và hạnh phúc.
2.4. Hít thở sâu
Mỗi ngày, mẹ tự mình thư giãn bằng cách tập hít thở thật sâu. Trong những lúc con ngủ hay những lúc ba nựng con, mẹ dành thời gian đó cho riêng mình. Hít thật sâu một hơi thật dài bằng mũi và thở từ từ qua miệng khoảng 10 lần; mẹ sẽ thấy thư giãn hơn, nhẹ nhõm hơn, bớt mệt mỏi và căng thẳng.
Ngồi thiền cũng là phương pháp tốt giúp hệ tuần hoàn được lưu thông và mẹ không còn mệt mỏi nữa.
2.5. Đừng nên cố gắng làm tất cả mọi thứ
Có nhiều mẹ muốn tự tay chăm sóc con nên đã tự chế biến thức ăn, tự may đồ, tự lập thời khóa biểu và dạy bé… ngay cả khi mệt mỏi. Điều này sẽ khiến mẹ áp lực hơn rất nhiều và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
Thay vào đó, mẹ hãy san sẻ mọi thứ với bố; sử dụng đồ dùng có sẵn nhưng chất lượng (bỉm, sữa, …) và linh hoạt trong việc chăm sóc con.