Những dấu hiệu cho thấy cha mẹ đang dạy con sai cách

Con cái là tấm gương phản ánh của cha mẹ. Chính vì thế, những hành động, lời nói, thói quen của cha mẹ cần được điều chỉnh sao cho phù hợp để trẻ có thể noi theo. Ngược lại, cha mẹ có những biểu hiện dưới đây chính là đang dạy con sai cách. Cùng tìm đọc ngay trong bài viết dưới đây được tổng hợp bởi chuyên gia Bibo Care!

 

1. Cãi nhau trước mặt con

Việc cãi nhau trước mặt con trẻ không phải một hành động gì hay ho. Thế nhưng đôi khi chúng ta không thể kiềm chế được cảm xúc của bản thân. Nhiều bậc cha mẹ cũng không hề biết rằng việc cãi nhau có thể gây ảnh hưởng đến cảm xúc và suy nghĩ của trẻ.

Nếu không kiềm chế và để hành động cãi nhau diễn ra liên tục, sẽ vô tình làm bé nghĩ rằng mọi việc đều có thể giải quyết bằng cách cãi nhau. Từ đó khiến tâm lý trẻ thay đổi theo hướng tiêu cực. Trẻ có thể dễ nóng nảy, thù hằn và to tiếng khi gặp chuyện không vừa ý. Đối với những trẻ có tinh thần yếu, chứng kiến cha mẹ cãi nhau có thể gây sang chấn tâm lý trẻ.

 

2. Nói xấu người khác trước mặt con

Con hư hỏng, khó dạy khi bố mẹ còn giữ những thói xấu này
Nói xấu người khác trước mặt con là điều không nên

Nhiều bậc cha mẹ có thể vô cùng thoải mái nói xấu người khác trước mặt con nhỏ. Thế nhưng ba mẹ không hề biết rằng trẻ đang lắng nghe và tự hiểu theo cách của riêng mình.

Đối với trẻ, bố mẹ luôn là những người tuyệt vời, đáng để thần tượng, mọi việc bố mẹ làm đều đúng. Và việc nói xấu như vậy cũng không sai chút nào. Điều này ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức của trẻ về sau. Trẻ có thể quay ra thù ghét người đang bị bố mẹ nói xấu và học thói nói xấu bạn bè, người thân. Vì thế, bố mẹ hãy cẩn trọng khi nói chuyện trước mặt con nhé!

 

3. Đáp ứng mọi nhu cầu của con dù đúng hay sai

Có rất nhiều bậc cha mẹ vì thương nên thường đồng ý mọi yêu cầu của bé. Đôi khi, cha mẹ đáp ứng sự đòi hỏi đó chỉ để con ngưng mè nheo, quấy nhiễu. Điều này có thể khiến bé không còn ăn vạ nhưng lại là một phương pháp dạy con sai cách.

Dần dà, con sẽ quen với thói được chiều chuộng bất chấp đúng sai, gây nhiều hệ quả về sau. Trẻ sẽ không biết trân trọng, không biết nỗ lực phấn đấu để có được thứ mình muốn, để đạt được mục tiêu đề ra.

Thay vì đáp ứng mọi yêu cầu của con thì ba mẹ hãy đáp ứng những điều trong phạm vi cho phép mà ba mẹ cảm thấy hợp lý. Với những yêu cầu chưa hợp lý, ba mẹ tìm cách khuyên bảo thẳng thắn với con. Hay có thể gợi ý yêu cầu đó cần có sự cố gắng của con mới đạt được.

Việc tặng quà cho con cũng vậy. Hãy để có dịp gì đó hay khi con đạt được mục tiêu lớn, ba mẹ mới nên tặng quà để khuyến khích con cố gắng hơn.

 

4. Nâng niu con quá mức

Việc nâng niu con dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều bậc cha mẹ. Đó là biểu hiện của tình thương nhưng cũng là điều ngăn cản con lớn lên. Con cần được trải nghiệm để va vấp với cuộc sống thực tế, lớn dần qua những lần vấp ngã. Cha mẹ nên là người dẫn dắt và đồng hành cùng con, động viên con khi gặp khó khăn. Điều đó giúp con sẽ lớn lên mạnh mẽ và độc lập hơn.

 

5. Kiểm soát con chặt chẽ

Con hư hỏng, khó dạy khi bố mẹ còn giữ những thói xấu này
Không nên cấm cản hay ép buộc con phải làm những điều bé không thích

Việc kiểm soát con cái là việc đương nhiên để tránh con sa đà vào những thói xấu. Tuy nhiên việc kiểm soát mọi việc từ ăn uống, học hành đến vui chơi có thể là dấu hiệu của việc dạy con sai cách.

Cha mẹ quan tâm con cũng cần có mức độ, phải để cho con có khoảng không gian riêng. Trẻ cần được tự do trong khuôn khổ, thay vì bị ép buộc và cấm cản. Nếu không, trẻ có thể sẽ cảm thấy khó chịu và có thái độ thù hằn với cha mẹ.

 

6. Không thực sự quan tâm khi con chia sẻ

Nếu ba mẹ không thực sự quan tâm những điều con chia sẻ, trẻ có thể mất niềm tin vào ba mẹ; bởi vì con cảm thấy rằng mình không được tôn trọng. Từ đó ít chia sẻ, ít nói chuyện với ba mẹ. Điều này khiến khoảng cách giữa 2 thế hệ ngày một lớn hơn.

Không chỉ là phụ huynh, cha mẹ nên tự biến mình thành những người bạn, biết lắng nghe những điều con chia sẻ. Điều này cực kỳ quan trọng đối với trẻ; vì con thường tìm đến cha mẹ khi cảm thấy thiếu định hướng, cần trưng cầu ý kiến hay đơn giản là muốn tâm sự. Lúc này, ba mẹ cần lắng nghe và giúp trẻ rút ra bài học cũng như định hướng giúp trẻ trong những vấn đề quan trọng.

 

7. Luôn cho rằng mình đúng

Nhiều bậc cha mẹ muốn con phải răm rắp nghe theo lời mình, không xem xét xem lời mình nói là đúng hay sai. Đôi khi, dù biết con nói đúng nhưng vì cái tôi quá lớn mà bỏ qua chuyện đó và không xin lỗi trẻ.

Điều này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chỉ cần là người lớn thì có sai cũng không cần xin lỗi. Từ đó khiến trẻ hoài nghi về bản thân, không còn dám nêu lên ý kiến của mình. Việc xin lỗi người khác khi gây ra lỗi lầm cũng bị bình thường hóa khi trẻ lớn lên.

 

8. Nói những điều nặng nề làm tổn thương trẻ

Con hư hỏng, khó dạy khi bố mẹ còn giữ những thói xấu này
Lời quát mắng của cha mẹ có thể khiến con bị tổn thương

Những câu nói của ba mẹ trong lúc nóng giận tưởng như vô hại. Đến khi cơn giận nguôi ngoai thì chính bản thân ba mẹ đã quên; nhưng trẻ lại không sao quên được. Những lời nói nặng sẽ khiến trẻ tự ti hơn, rụt rè hơn, thậm chí trở nên hư hỏng để thách thức cha mẹ.

Những lời quát mắng, đe dọa không chỉ là cách dạy con sai cách; mà còn là hành vi sai trái theo quy định của pháp luật. Vì vậy, dù nóng nảy đến mức nào thì cha mẹ cũng nên kiềm chế để không làm trẻ bị tổn thương.

 

9. Nghiện công nghệ

Con hư hỏng, khó dạy khi bố mẹ còn giữ những thói xấu này
Ba mẹ nghiện công nghệ sẽ vô tình tạo khoảng cách với con

Đây đang là căn bệnh khó chữa của các bậc cha mẹ trẻ. Bạn có thể dùng các thiết bị như điện thoại, laptop, máy tình bảng,… để phục vụ cho công việc hay giải trí. Nghiện các thiết bị công nghệ có thể khiến bạn vô tâm với bé. Bé phải tự chơi một mình và không có cảm giác gắn bó với cha mẹ.

Bạn cần hạn chế sử dụng trước mặt con, không nên cho bé xem cùng. Thay vào đó, hãy dành nhiều thời gian chơi đồ chơi cùng con, đưa bé đi dạo hay tham gia các hoạt động ngoài trời.

 

10. Thiếu tôn trọng người lớn tuổi

Trẻ nhỏ rất dễ bắt chước những hành động, lời nói của cha mẹ mà không có khả năng phân biệt đúng-sai. Chính vì vậy, việc ba mẹ thiếu tôn trọng với người lớn tuổi cũng khiến con hình thành thói quen như vậy. Khi nói chuyện với người lớn, con bạn sẽ dễ mất điểm vì nói trống không hay thiếu tôn trọng với bề trên.

 

11. Không thường xuyên nấu bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình là hiện thân cho tình thương, tình thân. Cha mẹ dù bận rộn thế nào cũng không nên để bé ăn cơm một mình. Bé sẽ cảm thấy cô đơn, tủi thân và dần dà không còn niềm vui khi cả nhà quây quần. Ngày cuối tuần, nếu không thể cùng nhau chuẩn bị và ăn uống, cha mẹ có thể dẫn bé cùng đi ăn ngoài.

Những thói xấu của ba mẹ những tưởng sẽ không ảnh hưởng tới con cái nhưng thực tế lại tai hại vô cùng. Con dễ trở nên hư hỏng, khó dạy chỉ vì những điều tưởng như vô hại này. Vì vậy, ba mẹ nào có những thói xấu này thì hãy lên kế hoạch để sửa đổi bản thân, giúp trẻ có môi trường lành mạnh để phát triển.

 

Theo Eva.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục