Khi trẻ mới đến lớp thường khóc lóc, năn nỉ mẹ cho ở nhà vì trẻ cảm thấy bản thân bị bỏ rơi. Trong trường hợp này mẹ hãy áp dụng một trong các mẹo sau.
Khi con đi lớp được 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần, thậm chí là một tháng nhưng vẫn khóc lóc đòi ở nhà vì mẹ chưa biết đến những mẹo này:
1. Mượn đồ chơi ở lớp để mang về nhà
Thời gian đầu khi cho con đến lớp bé sẽ không chịu tự nguyện vào lớp mà thường bấu víu mẹ khi mẹ chuyển con cho cô bế vào lớp. Mỗi sáng thức dậy câu cửa miệng của bé thường là: mẹ ơi, hôm nay con có thể không tới lớp được không ạ, con ở nhà với bé Bin được không mẹ!!! Lúc này mẹ sẽ rất đau đầu với cô cậu, vì đánh mắng thì không được, mềm mỏng thì trẻ được nước mè nheo mãi không thôi. Nhưng dù con có khóc lóc ra sao đi chăng nữa thì mẹ vẫn phải cứng rắn để con vào lớp cùng cô giáo. Đến chiều gặp lại con mẹ lại thấy con vui đùa cùng các bạn, thậm chí là không muốn về nhà luôn. Những câu nói như: tí nữa con về, mẹ về trước đi, con ở lại đây … là những câu mẹ thường xuyên nghe được khi trẻ đang chơi vui mà phải về. Đây là một dấu hiệu tốt trong việc cho trẻ đến lớp. Vì ít nhất trẻ chịu chơi với bạn bè thay vì ngồi một góc im lặng nhìn các bạn chơi. Vấn đề lúc này là mẹ cần cho con một lý do để con đến lớp và hứng thú với việc đến lớp. Khi con đang chơi vui với bạn, mẹ có thể tranh thủ hỏi thăm tình hình con với cô giáo. Sau đó, khi bé đang chơi vui vẻ với một món đồ chơi mẹ hãy nói: chúng ta phải về thôi, muộn rồi con yêu. Bé sẽ không muốn về đâu nha. Lúc này mẹ có thể ngỏ lời mượn đồ chơi cho bé trước mặt cô giáo và các bạn để bé đồng ý về nhà.
Sáng hôm sau sự việc sẽ lại lặp lại như ngày hôm qua, rằng bé không muốn đến lớp nữa. Nhưng mẹ đã có cách giải quyết với sự nũng nịu của bé đó là giúp con hồi tưởng lại sự việc mượn đồ chơi trước khi về. Và nói rằng hôm nay con cần tới lớp để trả cô giáo đồ chơi phải không nào. Bé sẽ nhớ lại rằng hôm qua mình đã hứa rằng hôm nay sẽ mang đồ chơi trả cho cô rồi. Vậy là cô cậu sẽ tức tốc chuẩn bị ăn sáng để tới lớp hoàn thành lời hứa của mình thôi.
2. Mang đồ chơi yêu thích của con ở nhà tới lớp
Lần đầu tiên mẹ đưa bé tới lớp và để bé lại với toàn người xa lạ, bé sẽ tủi thân vô cùng vì nghĩ rằng mình bị mẹ bỏ rơi, bé sẽ chưa hòa đồng với các bạn ngay ngày đầu tiên. Nếu lúc này có một chú gấu bông nho nhỏ mà bé vẫn thường chơi ở nhà hay một món đồ chơi yêu thích của bé thì bé sẽ cảm thấy an tâm phần nào. Trước khi ra về mẹ cũng có thể nói với bé rằng: mẹ nhờ bạn gấu ( gấu bông) chơi với Bin hôm nay nhé, ai bắt nạt Bin của mẹ thì gấu sẽ thay mẹ bảo vệ Bin nha. Vậy là thay vì cảm giác bị mẹ bỏ rơi tại trường thì bé có thêm một người bạn đã thân từ rất lâu, giúp tâm lý của bé ổn định hơn, trường lớp trở nên thân thiện hơn và quan trọng là bé có điểm tựa tại nơi xa lạ này.
3. Con không đến lớp bạn sẽ buồn đó
Trẻ con thường làm quen và chơi với nhau rất nhanh, chỉ vài giờ đồng hồ thôi là bé có thể tìm cho mình hàng tá tri kỳ, bạn An, bạn Mai, bạn Hoa, bạn Tùng, bạn Sơn … và hầu hết các bạn trong lớp đều chơi với nhau một cách vui vẻ. Trong số những bạn nhỏ đó, bé sẽ tìm ra cho mình một vài người bạn bé thích nhất để sẵn sàng chia bánh, chia sữa, cùng ăn và cùng chơi. Khi được chơi cùng những bạn nhỏ này bé có thể “quên giờ giấc”, không muốn về nhà. Khi đưa con tới lớp hoặc đón con mẹ cần để ý xem người bạn mà con thân là ai để đối phó với sự nũng nịu của con mỗi sáng.
Khi con không chịu tới lớp, mẹ hãy nói chuyện với con rằng bạn Mai sẽ rất buồn khi đi học không có con đó, hai con thường hay chơi trò gì khi ở trường nhỉ? Woaaa … Trò đó thật sự vui vậy sao? Những câu hỏi xoay quanh sự việc bé chơi vui vẻ ra sao để giúp bé hồi tưởng lại khoảnh khắc đáng nhớ đó và thôi thúc ý muốn được đến trường để chơi những trò chơi thú vị bên những người bạn của mình. Phần việc còn lại của mẹ sẽ chỉ là chuẩn bị bữa sáng thật thịnh soạn để con ăn no có sức vui chơi bên bạn bè mà thôi.
4. Con không đi học vậy con ở nhà một mình nhé
Khi con không chịu đi học như vậy mẹ hãy nói với bé rằng: bố mẹ phải đi làm rồi, con không tới trường thì sẽ phải ở nhà một mình đó, mẹ khóa cửa và đi đây nha, chào con yêu. Ban đầu, bé có thể sẽ gật đầu để được ở nhà một mình nhưng chỉ vài giây sau khi bố mẹ rời khỏi tầm nhìn của bé thì bé lập tức sẽ cảm thấy sợ hãi cảm giác ở một mình và chạy ra xe với bố mẹ thôi à. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng chịu hợp tác nhanh như vậy, nếu bé nhà bạn khá lì và thực sự cảm thấy việc tới trường là một cực hình thì có thể bé sẽ không hợp tác đó. Lúc này mẹ sẽ cần sử dụng tới biện pháp khác mềm dẻo hơn chứ không nên quát nạt bé để bé sinh ra sự chống đối với việc tới trường.
5. Trò chuyện và kể chuyện cho con nghe trước khi ngủ
Sau bữa tối là khoảng thời gian lý tưởng cho việc tâm sự giữa hai mẹ con. Mẹ có thể hỏi thăm tình hình của con hôm nay ở trường như thế nào? Có gì thú vị không và nói bé kể cho mẹ nghe được không. Khi có người mở đầu quan tâm tới bé, bé như được mở cờ trong bụng, bao nhiêu chuyện ban ngày trải qua bé đều hồ hởi kể lại không sót một chi tiết, mẹ đừng quên hưởng ứng câu chuyện của bé nhé. Như vậy bé sẽ rất vui đó. Việc tâm sự giữa hai mẹ con không chỉ giúp mẹ biết được con làm gì ở trường, chơi có vui không, học được những gì, mà việc tâm sự như vậy còn giúp mẹ con gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và mẹ sẽ kịp thời định hướng cho những thắc mắc của con.
6. Xem xét lại thật kỹ cô giáo và trường học
Hiện nay, những trường mầm non tư thục được xây dựng không hề ít, việc lựa chọn môi trường học cho con không còn bí bách như trước kia nữa. Nếu mẹ thấy con nhất định không chịu đến lớp thì nên xem xét lại giáo viên và điều kiện học của con.
Mẹ có thể nhờ cô giáo quan tâm con hơn trong những ngày đầu cho tới khi con quen bạn, quen lớp hơn thì mẹ cũng an tâm hơn. Hãy trao đổi thẳng thắn với cô ngay từ đầu và thường xuyên liên lạc với cô để biết tình hình của con ở lớp như thế nào. Việc để con tới lớp không phải hoàn toàn giao con cho cô giáo đâu nha mẹ. Việc cho con tới trường sẽ giúp con có nhiều hơn những người chơi cùng con, quan tâm con giúp con trưởng thành hơn. Nếu mẹ phó thác toàn bộ cho cô giáo cũng không phải là phương pháp chăm sóc con tốt nhất đâu nhé.
Cũng không ít mẹ chia sẻ rằng con họ đã ngoan hơn rất nhiều kể từ khi tới lớp như: con đã có thể tự xúc cơm ăn, ăn ngoan và không quấy khóc như trước kia nữa. Đến giờ ngủ trưa thay vì việc mẹ phải bắt ép như trước kia thì nay con đã tự động bảo mẹ rằng con buồn ngủ và đi ngủ nhé.
Việc quan trọng nhất khi cho con tiếp xúc với môi trường mới đó là giúp con làm quen với môi trường để hòa nhập nhanh hơn. Thời gian này mẹ sẽ cần đầu tư thời gian cho con hơn một chút. Sau khi con quen với trường mới, bạn bè mới thì mẹ sẽ nhàn hơn rất nhiều.
Việc cho con đến trường không khóc lóc, không mè nheo sẽ thật dễ dàng khi mẹ nắm bắt tâm lý của trẻ và tác động đúng lúc thì con sẽ không còn cảm giác bị mẹ bỏ rơi ở trường học nữa.
Theo afamily.vn