Giúp bé phòng tránh xâm hại tình dục bằng 5 vòng tròn giao tiếp

sự phát triển của trẻ sơ sinh

Xâm hại tình dục đang là vấn đề được quan tâm trong những ngày gần đây. Đồng thời nó cũng rung hồi chuông cảnh báo về việc giáo dục con cái của các bậc phụ huynh khi tiếp xúc với người lạ, con cần cảnh giác hơn khi giao tiếp với người lạ. Hãy cùng xem những lưu ý dưới đây để phòng ngừa trẻ bị xâm hại ngay từ bây giờ nhé!

 

phòng ngừa trẻ bị xâm hại
Nỗi đau bị xâm hại là nỗi đau không thể nào có thể xóa mờ hoàn toàn.
Liên tiếp những câu chuyện về trẻ bị xâm hại tình dục được chia sẻ trong những ngày gần đây. Những đứa trẻ chỉ mới 5,6 tuổi đã phải chịu những tổn thương rất lớn về mặt thể chất, tinh thần…

 

Làm gì để cùng trẻ vượt qua nỗi đau? Làm sao để bảo vệ, nhận biết, phòng ngừa việc trẻ bị kẻ xấu xâm hại?

 

Cùng trẻ vượt qua nỗi đau bị xâm hại

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhấn mạnh nỗi đau bị xâm hại là nỗi đau không thể nào có thể xóa mờ hoàn toàn đối với những đứa trẻ và gia đình của các em. Xâm hại tình dục gây hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ về trước mắt và cả lâu dài, về tinh thần và cả thể chất.

 

“Những sang chấn về mặt tâm lý nặng nề có thể kéo dài đến suốt cuộc đời nếu không có sự điều trị kịp thời”, ThS tâm lý Vũ Cẩm Vân (Bệnh viện ĐH Y dược) chia sẻ.

Không đổ lỗi cho trẻ

Điều đầu tiên cần làm, theo các chuyên gia tâm lý, là phụ huynh, gia đình không được đổ lỗi cho trẻ dưới bất kỳ hình thức nào; phải đảm bảo rằng trẻ không bị buộc tội với những gì đã xảy ra.

 

Theo TS Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa Tâm lý trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, cha mẹ cần gần gũi, lắng nghe, tôn trọng để có cơ hội nghe được tất cả mọi chuyện của trẻ. Nếu cha mẹ hay la mắng, trẻ sẽ sợ hãi, lo lắng và cha mẹ mất đi cơ hội được lắng nghe chuyện của con. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cha mẹ phải bình tĩnh, mềm mỏng tâm sự và khéo léo tìm hiểu chuyện gì xảy ra với con, tránh thái độ tra hỏi.

Cho trẻ điều trị tâm lý

Theo ThS Vũ Cẩm Vân, ngay khi phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục, ngoài sự bình tĩnh, động viên, chia sẻ, yêu thương của cha mẹ; trẻ cần được hỗ trợ, điều trị về mặt tâm lý bởi các chuyên gia, bác sĩ tâm lý …

 

Sau khi được trị liệu, bé vẫn rất cần sự quan tâm, yêu thương, gần gũi và theo sát của cha mẹ. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ thêm về các kỹ năng để tự vệ, từ chối… tùy theo độ tuổi.

 

TS Phạm Thị Thúy đặc biệt lưu ý về vấn đề khai thác câu chuyện, tìm hiểu sự việc đã xảy ra cần phải tiếp cận thật sự văn minh; khéo léo, tinh tế, có kỹ năng tâm lý để tránh tổn thương tối đa cho bé và gia đình.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch đồng tình nói: Việc nắm bắt tâm lý của trẻ em khi tiếp xúc để tiếp nhận thông tin là rất quan trọng. Do đó, khi cần thu thập thông tin từ trẻ em cần nắm vững tâm lý của trẻ. Nếu cần có chuyên gia tâm lý nên tham khảo ý kiến chuyên gia để có các phương pháp phù hợp nhất.

Không chỉ bảo vệ, phải dạy con ngăn ngừa

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp chia sẻ quan điểm với từng độ tuổi, cha mẹ sẽ có những hình thức giáo dục giới tính cho con phù hợp. Không chỉ với bé gái mà bé trai cũng cần được trang bị những kiến thức giáo dục giới tính cần thiết để hiểu về cơ thể mình, tránh bị lạm dụng.

 

Tiến sĩ hạm Thị Thúy (Hội quán Các bà mẹ) chia sẻ những quy tắc, bài học cơ bản trong việc phòng ngừa trẻ bị xâm hại.

Giáo dục giới tính cho con càng sớm càng tốt

Thứ nhất, cha mẹ phải giáo dục giới tính cho con càng sớm càng tốt. Đồng thời phải giúp con ý thức được thân thể mình là quý giá, đáng trân trọng và bất khả xâm phạm. Khi trẻ nhận biết được điều này, trẻ sẽ biết cách bảo vệ và nhận diện được hành vi làm trẻ sợ hãi, tổn thương…

Không cho ai động chạm vào cơ thể

“Cha mẹ cần dạy con về những khu vực riêng tư, không ai được chạm vào trên cơ thể như quần lót, áo lót. Cần thay đổi nhận thức của nhiều người về việc xem những hành vi như xem, sờ, nghịch bộ phận sinh dục của trẻ là thân mật, bình thường”, TS Phạm Thị Thúy nói.

 

Điều thứ hai cha mẹ có thể hướng dẫn là giúp trẻ phân biệt đâu là đụng chạm an toàn và như thế nào là đụng chạm không an toàn. Cụ thể hơn về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Lan Hải đưa ra luật bàn tay với năm ngón trên bàn tay giúp trẻ dễ dàng nhớ được năm vòng tròn giao tiếp khi bé tương tác với người khác.

 

Trong đó, tâm vòng tròn dành cho những người ruột thịt như bố đẻ, mẹ đẻ, anh chị em ruột trẻ được quyền (hoặc cho phép) vòng tay ôm hôn, bế ẵm, cõng; tắm khi chưa tự mình làm vệ sinh, ngồi vào lòng, ngủ chung,… Vòng tròn tiếp theo, dành cho người thân cận như bà con họ hàng, thầy cô, bạn bè; bé được quyền nắm tay, cho phép vuốt tóc, vỗ vai thân mật, xoa đầu khích lệ.

Vòng tròn thứ ba dành cho người quen (hàng xóm tin cậy, bạn đồng nghiệp của cha mẹ, đã được gia đình sàng lọc). Bé được quyền bắt tay, chào hỏi, trò chuyện,… Vòng tròn thứ tư dành cho người lạ, bé chỉ cần vẫy tay chào.

 

Ngoài tất cả các vòng tròn này, với những “người đáng ngại”, bé xua tay, không tiếp xúc. Khi bị họ cố tình đụng chạm vào người, nhất là vùng quần áo lót, trẻ có quyền tỏ thái độ bằng cách bảo người đó dừng lại. Nếu họ vẫn tiếp tục, hãy hét to lên rồi bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.

Tạo tình huống giả định để con học phản xạ

“Cha mẹ có thể đặt ra các tình huống và trò chuyện, hướng dẫn trẻ cách xử lý. Ví dụ khi bé gái khoảng 7-8 tuổi thì chỉ có bà và mẹ được quyền tắm cho con, cha hay ông cũng không được. Với bé trai, phụ huynh có thể nói với con rằng ai được phép hôn lên má, lên trán con và không ai được quyền hôn môi con. Người nào nghịch, đụng chạm các bộ phận sinh dục của con thì phải ngay lập tức tránh xa và kể với cha mẹ”, TS Điệp chia sẻ.

Ngoài ra, theo TS Phạm Thị Thúy, phụ huynh có thể dạy trẻ một số kỹ năng phòng vệ như không nhận quà của bất kỳ ai, kể cả người thân nếu như bố mẹ chưa biết, chưa đồng ý. Đây là cách để trẻ thoát khỏi và phòng chống kẻ xấu.

Nhạy cảm với biểu hiện bất thường của con

phòng ngừa trẻ bị xâm hại
Cha mẹ cần lắng nghe con nói, quan sát những bất thường về tâm lý cũng như biểu hiện trên cơ thể của trẻ.
Đặc biệt, cha mẹ cần lắng nghe con nói, quan sát những bất thường về tâm lý cũng như biểu hiện trên cơ thể để phòng ngừa trẻ bị xâm hại bởi những kẻ xấu thường lợi dụng trẻ nhiều lần, từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng hơn.

 

Khi thấy trẻ có biểu hiện sợ hãi, không muốn đến gần một ai đó; có những lời nói bất thường liên quan đến bộ phận sinh dục; hoặc khi trên cơ thể trẻ xuất hiện những vết bầm; bộ phận sinh dục bị tổn thương, quần lót rách, dính máu; hậu môn bị thâm tím, đau, sưng, đi lại khó khăn; cha mẹ cần bình tĩnh để trò chuyện, giúp trẻ nói ra vì đâu mình có những vết thương này, ai là người gây ra…

 

“Bố mẹ hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc để trò chuyện từ tốn với trẻ bằng thái độ tôn trọng. Vì nếu cha mẹ căng thẳng sẽ làm trẻ sợ hãi, lo lắng và không chịu mở lời. Nếu có dấu hiệu bị xâm hại, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ quan y tế để thăm khám; chữa trị và lưu giữ lại những bằng chứng nhằm tố cáo kẻ xâm hại trẻ”, TS Phạm Thị Thúy lưu ý.
Theo thvl.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục