Trẻ bị đau răng có thể đến từ nhiều nguyên nhân và cũng là dấu hiệu của những bệnh lý răng miệng ở trẻ. Ba mẹ đừng chủ quan vì điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và cả tinh thần của con. Vậy trẻ bị đau răng do đâu và điều trị theo phương pháp nào là đúng? Ba mẹ hãy cùng Bibo Mart tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân khiến trẻ bị đau răng
Trẻ đau răng có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do mọc răng hoặc do bệnh lý. Phổ biến nhất có thể kể đến những nguyên nhân gây đau răng sau:
Trẻ bị đau răng sữa
Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên mọc lên của trẻ. Giai đoạn này trẻ có thể bị đau hoặc sưng lợi do răng mọc xuyên qua lợi. Lúc này trẻ quấy khóc nhiều, thường xuyên nhỏ dãi, có thể có sốt nhẹ và hay gặm cắn đồ. Việc trẻ gặm cắn đồ có thể giúp bản thân xoa dịu cơn đau.
Trẻ bị sâu răng
đây là một vấn đề phổ biến ở trẻ em do chưa có thói quen chăm sóc răng miệng hợp lý. Ví dụ như không đánh răng thường xuyên, đánh răng không đúng cách,… Từ đó, trẻ có thể xuất hiện các đốm đen trên bề mặt răng và diễn ra quá trình mất khoáng. Quá trình này diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn tới mủn răng, gây đau nhức do vi khuẩn ăn sâu vào tủy.
>> Xem thêm: Kem đánh răng trẻ em phòng ngừa sâu răng
Trẻ bị viêm nướu (viêm lợi)
Đây là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn tấn công vào lợi hoặc các vết thương hở của trẻ. Tình trạng này có thể là hậu quả của bệnh sâu răng, tưa lưỡi hoặc lâu ngày không lấy cao răng theo định kỳ. Trẻ bị viêm lợi sẽ có biểu hiện viêm nhiễm, sưng tấy ở lợi, thường xuyên quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi.
Trẻ bị viêm nha chu
Đây là một trong những vấn đề về sức khỏe răng miệng nguy hiểm nhất. Nó làm tổn thương phần mô mềm và phá hủy xương xung quanh răng. Viêm nha chu có thể khiến cho răng bị lỏng do phần lợi dần tách khỏi răng, lâu dần dẫn đến mất răng.
Áp xe răng
Áp xe răng có thể xuất phát từ tình trạng nhiễm trùng chân răng (sâu răng, viêm nha chu,…). Tại ổ áp xe có thể xuất hiện tình trạng chảy máu và mủ đặc. Ổ áp xe này sẽ chèn ép lên răng, gây sưng hoặc thậm chí mất răng, viêm tủy,…
Trẻ đau răng do tổn thương vật lý
Ngoài những yếu tố bệnh lý, trẻ cũng có thể bị đau răng do yếu tố từ bên ngoài như bị tác động lực. Ví dụ như trẻ bị va đập mạnh trong quá trình vui chơi, hoạt động,… Hậu quả là trẻ bị đau nhức răng, chảy máu, ê buốt,…
>> Xem thêm: Chăm sóc răng miệng cho bé những năm đầu đời
Đau răng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào?
Đau răng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Điều này gây ra thay đổi không nhỏ đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của con.
Lúc này, con sẽ thường xuyên cảm thấy đau nhức, ê buốt, khó ăn uống và hay quấy khóc, khó ngủ. Lâu dần sẽ dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng do trẻ ăn uống, chất lượng giấc ngủ kém,… Bên cạnh đó, các bệnh về răng miệng có thể dẫn đến các biến chứng liên quan như viêm xương hàm, viêm áp xe và các tổ chức quanh răng như nướu, ổ xương,… có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Các vấn đề về bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu,… không thể tự khỏi. Vì vậy, ba mẹ hãy đưa con đến khám nha khoa khi có các dấu hiệu đau, sưng, viêm,… để hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, việc điều trị và chăm sóc đúng còn giúp trẻ mau khỏi bệnh và hạn chế bệnh tái phát.
>> Xem thêm: Trẻ mấy tháng mọc răng? dấu hiệu và cách chăm sóc
Mẹo chữa đau răng cho trẻ an toàn, hiệu quả
Nếu ba mẹ chưa thể đưa con đến nha khoa, có thể áp dụng những mẹo sau để làm giảm tình trạng khó chịu này cho con.
Sử dụng nước muối
Việc súc miệng bằng nước muối sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn trú ngụ trong răng đau của trẻ. Bên cạnh đó, nước muối còn giúp giảm sưng, làm lành vết thương do viêm loét gây ra. Ba mẹ có thể cho con súc miệng bằng nước muối sinh lý mua tại các nhà thuốc. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể hòa tan muối tinh với nước đun sôi để nguội và cho con súc miệng trung bình 2 lần/ngày.
Sử dụng tỏi và muối
Trong tỏi được băm nhuyễn có chứa allicin là một hoạt chất có khả năng kháng khuẩn mạnh. Ba mẹ hãy chuẩn bị vài tép tỏi đã bóc vỏ và rửa sạch, đập dập hoặc giã nhuyễn cùng muối trắng. Sau đó, ba mẹ chấm vào dung dịch bằng khăn sạch hoặc tăm bông và đắp lên vùng răng bị viêm của trẻ. Ba mẹ có thể áp dụng phương pháp này 2 – 3 lần/ngày.
Sử dụng tinh dầu đinh hương
Trong đinh hương có chứa hợp chất Eugenol – chất gây tê tự nhiên rất hữu hiệu trong việc giảm đau. Ba mẹ có thể pha loãng tinh dầu với nước theo tỉ lệ 1:2 để tránh trường hợp trẻ bị bỏng rát. Sau đó, ba mẹ chấm bông gòn vào hỗn hợp trên và cho trẻ ngậm ở vùng răng bị đau.
Sử dụng lá bạc hà
Ba mẹ có thể cho con nhai trực tiếp lá bạc hà, pha trà hoặc súc miệng nước lá bạc hà. Bạc hà được biết đến nhờ đặc tính gây tê giúp làm dịu cơn đau nhức răng hiệu quả.
Ba mẹ nên lưu ý khi chăm sóc răng miệng cho trẻ
Việc chăm sóc răng miệng cho con là rất cần thiết. Vì vậy để đạt hiệu quả cao nhất, ba mẹ nên lưu ý những điều sau:
- Thăm khám nha khoa định kỳ hoặc khi răng miệng của con có các dấu hiệu bất thường.
- Ba mẹ không tự ý mua và sử dụng cho con các loại thuốc như kháng sinh, giảm đau. Đồng thời tránh thay đổi liều lượng dùng mà nên tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên: tối thiểu 2 lần/ ngày bằng các sản phẩm chăm sóc răng miệng an toàn. Ví dụ như kem đánh răng dành riêng cho trẻ, xịt chống sâu răng,…
>> Xem thêm: Xịt chống sâu răng Baby’s Tooth, Xịt chống sâu răng Midkid
Tình trạng trẻ bị đau răng rất phổ biến nhưng vẫn có thể phòng tránh khi con được chăm sóc đúng cách. Bibo Mart hy vọng bài viết trên đã giúp ba mẹ trang bị thêm kiến thức về cách chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con yêu!