Trong quá trình nuôi con, không thiếu những thời điểm mẹ không cho bé bú trực tiếp được hoặc phải cho bé dùng sữa công thức, sữa mẹ dự trữ,…. Lúc này bình sữa là vật dụng quan trọng để hỗ trợ ba mẹ trong quá trình nuôi con. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bé không chịu bú bình… Hẳn là những điều này sẽ làm ba mẹ lúng túng. Ba mẹ đừng vội lo lắng, hãy cùng Bibo Mart tìm hiểu cách xử trí tình trạng này ngay nhé!
1. Vì sao bé không chịu bú bình?
Nhiều ba mẹ nghĩ rằng, trẻ bú bằng bình sữa là động tác đơn giản và dễ dàng. Nhưng thực tế không phải vậy, trẻ có thể sẽ gặp phải một số khó khăn trong quá trình này. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bé không chịu bú bình. Do đó, ba mẹ cần xác định được bé nhà mình đang gặp phải nguyên nhân nào. Để từ đó hỗ trợ, tạo điều kiện cho bé bú bình hiệu quả và thoải mái hơn. Các nguyên nhân khiến trẻ không chịu bú bình có thể là do:
- Ba mẹ cho bé bú bình khi bé chưa thực sự đói.
- Bé chưa biết cách làm quen với bình sữa và bú bình.
- Bình sữa không phù hợp với bé: núm ti quá cứng, dòng chảy quá nhanh…
- Nếu ba mẹ cho bé dùng sữa công thức,có thể bé không quen hoặc không thích vị của sữa công thức.
- Bé bước vào thời kỳ mọc răng, do đó lợi của trẻ ngứa và khó chịu. Do đó, bé thích cắn, nghịch núm ty bình chứ không muốn mút sữa.
- Bé quen được mẹ bế và cho ti.
- Tư thế ba mẹ cho bé bú bình không phù hợp làm con khó chịu.
>> Xem thêm: Những điều mẹ cần lưu ý khi cho bé bú bình
2. Giải pháp khi bé không chịu bú bình
Dinh dưỡng những năm đầu đời là nền tảng cho tầm vóc và trí tuệ của trẻ sau này. Từng kg cân nặng, từng cm chiều cao của trẻ được xây dựng bởi dinh dưỡng trong các bữa ăn. Chính vì vậy, khi thấy con không chịu bú bình, nhiều ba mẹ rất lo lắng. Một số cách để ba mẹ khắc phục tình trạng này như:
– Cho trẻ tập làm quen với núm ti bình.
– Chọn bình sữa có núm ti mềm mại, kích thước lỗ núm ti bình phù hợp lứa tuổi của trẻ.
– Chọn bình sữa có van chống sặc để cữ bú của trẻ an toàn và hiệu quả hơn.
– Chỉ nên cho trẻ bú sữa khi bé thực sự đói. Không ép trẻ bú bình khi trẻ chưa muốn ăn.
– Tạo môi trường thoải mái và thích hợp khi trẻ bú bình. Ba mẹ nên để trẻ bú trong môi trường yên tĩnh, không có các yếu tố làm trẻ mất tập trung.
– Với những trẻ đang trong thời kỳ mọc răng, ba mẹ có thể cho trẻ ngậm ti giả trước lúc bú vài phút. Sau đó, ba mẹ nhẹ nhàng lấy núm ti giả ra và cho bé bú bình.
– Ba mẹ cho bé bú ở tư thế thoải mái và quen thuộc. Những ngày đầu, mẹ nên bế bé khi bú bình, để bé cảm thấy như đang được ti mẹ.
– Nếu bé phải đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức, ban đầu mẹ nên vắt sữa vào bình và cho bé bú. Khi bé đã quen với bú bình, ba mẹ thay dẫn sữa công thức.
>> Xem thêm: Bé bú bình – Những lưu ý mẹ cần nhớ!
3. Cách nhận biết bé đã bú đủ
Để bé phát triển tốt thì lượng thức ăn bé nạp vào phải đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Chính vì vậy, sau mỗi cữ bú hoặc cữ ăn của trẻ, ba mẹ cần đảm bảo rằng bé đã đủ no. Ba mẹ nhận biết được điều này dựa trên các dấu hiệu sau:
- Bé bú chậm sâu, thi thoảng có khoảng nghỉ.
- Thời gian mỗi cữ bú của con kéo dài khoảng 20 – 30 phút.
- Sau cữ bú, con tỏ vẻ thoải mái, ngủ sâu giấc (kéo dài trên 45 phút).
- Khi kết thúc cữ bú, bàn tay con dần buông lỏng và xòe ra.
- Cân nặng, chiều cao và vòng đầu của trẻ tăng liên tục, đạt tiêu chuẩn theo biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
- Bé đi tiểu ≥ 6 lần/ngày (những ngày đầu tiên bé có thể đi tiểu ít hơn). Bên cạnh đó, nước tiểu của bé nhạt màu và không có mùi.
- Bé đi ngoài phân có màu vàng, mềm (trừ những ngày đầu bé đi phân su).
Hi vọng qua bài viết, ba mẹ đã biết cách khắc phục tình trạng bé không chịu bú bình. Nuôi con là một hành trình không hề dễ dàng, sẽ có những thời điểm gian khó. Nhưng Bibo Mart tin rằng, với tình yêu vô bờ bến dành cho con, ba mẹ sẽ làm được. Ba mẹ đừng quên, Bibo Mart luôn đồng hành cùng các ba mẹ. Hãy liên hệ với chúng tôi khi có bất cứ thắc mắc nào, ba mẹ nhé. Chúc ba mẹ có hành trình nuôi con thật hạnh phúc và thành công!