Ăn dặm kiểu Nhật và những thắc mắc thường thấy của mẹ

Trong quá trình cho con ăn dặm, chắc hẳn mẹ đã rất bối rối trước vô vàn các phương pháp tập ăn cho bé khi tìm kiếm trên báo đài, mạng xã hội. Trong số đó, có một phương pháp được gọi là ăn dặm kiểu Nhật khiến nhiều mẹ tò mò. Vậy có nên cho bé ăn dặm kiểu Nhật không? Cần lưu ý gì khi áp dụng phương pháp này? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho những thắc mắc xoay quanh ăn dặm kiểu Nhật do chuyên gia Bibo Care tổng hợp. Mời mẹ đón đọc!

1. Lúc nào có thể cho bé ăn dặm kiểu Nhật?

Theo lý thuyết bé sẽ ăn dặm khi đã đủ 5 tháng tuổi. Trên thực tế các mẹ nên bắt đầu cho con ăn dặm khi con đã có những biểu hiện như: thèm ăn, đòi thức ăn khi thấy người lớn ăn, biết cách ngậm thìa,… Có nhiều bé đòi ăn sớm nhưng cũng có bé vẫn chưa sẵn sàng cho việc ăn dặm. Vì thế mẹ phải là người hiểu tâm lý của con và đáp ứng nhu cầu ăn dặm của con kịp thời.
Thời gian lý tưởng để khởi động cho bé ăn dặm kiểu Nhật là đủ 5 tháng tuổi cho đến 6 tháng tuổi. Không nên cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn; điều này tránh các nguy cơ xấu về sức khỏe và sự phát triển của bé.
Khi nào cho bé ăn dặm kiểu Nhật?
Nên cho bé ăn dặm khi bé đủ 5-6 tháng tuổi

2. Trước khi chính thức ăn dặm thì nên cho bé ăn gì?

Hoa quả, sinh tố hoa quả

Hoàn toàn có thể cho bé ăn hoa quả khi bé đã đủ 4 tháng tuổi. Các mẹ có thể lựa chọn hoa quả nghiền đóng lọ, hoặc tự làm sinh tố hoa quả cho bé. Mẹ có thể nấu chín các loại sinh tố này để tiêu diệt vi khuẩn trước khi cho bé ăn. Đủ 6 tháng thì bé mới được ăn hoa quả trực tiếp.
Một số loại hoa quả tốt cho bé như táo, lê, kiwi, bơ, chuối, mận tây, cherry, dâu tây… có thể tập cho bé ăn từ sớm. Những loại quả có vị chua như cam, chanh leo, bưởi… thì nên cho ăn muộn hơn (tầm 8 tháng). Mẹ cũng nên pha loãng rồi mới cho bé uống để acid không làm hại dạ dày của con.

Bột ngọt/bột ăn liền/bột sữa

Trong hướng dẫn ăn dặm kiểu Nhật chuẩn, người Nhật thường cho con ăn cháo luôn mà bỏ qua bước ăn bột. Tuy nhiên để phù hợp với thói quen ăn uống của người Việt, các mẹ vẫn nên cho bé ăn bột; để bé làm quen với thức ăn đặc hơn sữa và cách ngậm thìa.
Nhưng thời gian ăn bột không nên kéo dài vì sẽ khiến bé có phản xạ nuốt chứ không nhai. Tốt nhất là cho bé ăn bột trong khoảng 1 tuần; sau đó dừng ăn bột ngọt khoảng 1 tuần nữa để bé quên đi vị ngọt. Lúc đó mới chính thức cho bé ăn dặm.

Cà rốt tráng đường ruột

Đây là một mẹo mà nhiều mẹ mách nhau; bằng cách lấy nước ép cà rốt hoặc cà rốt nghiền cho bé ăn liên tục trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần trước khi ăn dặm, mỗi ngày 5-10ml. Tác dụng của việc ăn cà rốt là để giúp bé ổn định đường ruột, sẵn sàng đón nhận các loại thực phẩm khác nhau; từ đó tránh việc bị đau bụng hay rối loạn tiêu hóa sau này.

3. Khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật, cần những dụng cụ như thế nào?

Nồi nấu chậm/nồi áp suất/bình thủy nhiệt:

Nồi nấu và ủ cháo cho bé có nhiều loại; các mẹ có thể lựa chọn tùy theo khả năng kinh tế của gia đình mình. Hiện này có các dòng nồi nấu chậm có chức năng hầm nước dùng và ủ cháo trong thời gian dài mà không tốn điện. Nồi áp suất hay bình thủy nhiệt cũng là những đồ dùng quen thuộc để mẹ ninh một nồi cháo thơm ngon.

Bộ chế biến ăn dặm kiểu Nhật:

Ăn dặm kiểu Nhật
Các dụng cụ ăn dặm kiểu Nhật
Giúp các mẹ tiết kiệm thời gian chế biến thức ăn mỗi ngày cho bé một cách dễ dàng hơn với đầy đủ các dụng cụ như cối, chày, rây, dụng cụ vắt nước cam… Bộ sản phẩm này sẽ giúp mẹ nghiền, giã, mài nát thức ăn trước khi cho bé ăn. Mẹ có thể ưu tiên tìm mua sản phẩm của các thương hiệu nổi bật như Pigeon, Combi, Farlin, KuKu, Richell…

Ghế ăn:

Nguyên tắc của ăn dặm kiểu Nhật là bé ngồi ăn 1 chỗ, trong không gian yên tĩnh, ít người qua lại; đặc biệt là không đồ chơi, không tivi. Bởi vậy chuẩn bị 1 chiếc ghế ngồi phù hợp với bé và không gian của gia đình là rất cần thiết. Hiện có nhiều loại ghế có thể điều chỉnh độ cao thấp, độ ngả của lưng ghế phù hợp với từng giai đoạn phát triển; giúp mẹ tận dụng ghế đến tận khi bé lớn lên.
Nếu bé chưa ngồi vững thì có thể dùng gối, chăn mềm để chèn đỡ sau lưng bé. Nếu chưa kịp mua ghế thì chồng chăn hoặc gối cao lên để bé ngồi dựa vào theo kiểu nửa nằm nửa ngồi. Mẹ lưu ý không nên bế bé nằm ngửa trong lòng để ăn dặm; nhằm tránh bị hóc, sặc. Thời gian ăn cũng không nên kéo dài để tránh cho bé bị mỏi.

4. Tại sao ăn dặm kiểu Nhật lại phải nấu riêng các món?

Ăn dặm kiểu Nhật có ưu điểm là không nấu chung các món mà riêng rẽ từng thứ ngay từ lúc bé mới tập ăn. Mục đích là để bé có thể làm quen và nhận biết hương vị của các thực phẩm một cách rõ ràng nhất. Từ đó mẹ sẽ biết bé thích món gì, không thích món gì cho lắm hay có dị ứng với thực phẩm nào hay không (mà nếu trộn chung thì có lẽ bé khó phân biệt hơn).
Trong 2 tháng đầu tiên ăn dặm, các mẹ cố gắng cho con ăn riêng nhiều nhất có thể. Để con được thử qua hầu hết các loại thực phẩm được phép ăn để biết sở thích của bé. Sau thời gian đầu đó thì có thể linh động lúc ăn riêng, lúc ăn chung để đa dạng món ăn cho bé, tạo sự hấp dẫn cho bữa ăn.

5. Cho bé ăn dặm kiểu Nhật có tốn thời gian không?

Mặc dù việc nấu riêng từng loại đồ ăn có thể khiến mẹ thấy lích kích; nhưng nếu biết cân bằng thời gian thì việc nấu bữa ăn dặm cho bé thường chỉ mất khoảng 15-20 phút thôi mẹ nhé. Mẹ có thể tiết kiệm thời gian bằng cách sử dụng thêm các loại công cụ, thiết bị hỗ trợ như lò vi sóng, nồi nấu chậm,…
Thêm nữa, các món nghe có vẻ cầu kỳ, nhưng hầu hết đều là hấp hoặc luộc hoặc nấu canh. Món ăn chú trọng vị ngọt tự nhiên của thực phẩm, ít nêm nếm gia vị khác bên ngoài; do đó chế biến đều rất nhanh chóng.
Thức ăn dặm cho bé
Các món ăn để cho bé ăn dặm kiểu Nhật không cần chế biến cầu kỳ

6. Nên chế biến thức ăn cho bé như thế nào để vừa đảm bảo dưỡng chất lại không mất thời gian?

Đối với các bé giai đoạn đầu mới tập ăn dặm, vì lượng ăn của các bé còn ít nên để tiết kiệm thời gian, mẹ có thể chế biến nhiều một lúc rồi trữ lạnh. Như vậy sẽ không mất thời gian mỗi lần nấu. Cách trữ lạnh như sau:

Cháo

Các mẹ có thể nấu cháo theo đúng tỷ lệ (1:10; 1:9…) với lượng lớn; rây lưới nhuyễn đúng độ thô bé ăn rồi chia vào từng hộp nhỏ vừa lượng theo từng bữa. Có thể trữ cháo trong ngăn lạnh trong khoảng 4-7 ngày. Lưu ý là mẹ phải để cháo nguội hoàn toàn mới cho vào ngăn lạnh, và nên rây nhuyễn cháo trước khi làm đông lạnh để tiết kiệm thời gian và tránh trường hợp cháo bị lại gạo khi rã đông sẽ khó rây nhuyễn hơn.

Các loại thịt

Bò, gà, lợn mua tươi về nên được chế biến ngay lập tức. Trần qua nước sôi nóng già có bỏ chút gừng để loại bỏ tạp chất và mùi hôi, thấm khô rồi xay/bằm nhỏ tùy vào độ thô mà bé đang ăn. Sau đó chia thịt thành từng viên vừa bữa bé ăn; bỏ trong hộp nhựa hoặc gói trong nilon bọc thực phẩm riêng rẽ, cũng trữ ở ngăn lạnh. Cũng có thể chia thịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi cấp đông. Lúc cần ăn thì lấy miếng thịt đó ra mài. Thịt trữ ngăn lạnh nên dùng trong vòng 1 – 2 tuần.

Nước dùng

Nước hầm từ xương sườn lợn, nước luộc gà (để ngăn mát tủ lạnh để loại bỏ mỡ, chỉ lấy phần nước trong) hay nước dashi (làm từ cá bào, rong biển, một số loại củ) nên để nguội, cho vào khay đá và trữ đông để dùng dần.

Rau củ

Nhất là các loại rau có lá thì nên chế biến tươi. Nhưng nếu mẹ nào không có thời gian thì vẫn có thể xay mịn trữ đông để làm dạng súp rau đều được.

Các loại thủy hải sản

như cá, tôm, cua sơ chế cấp đông theo dạng từng miếng hoặc viên nhỏ theo khẩu phần ăn của con. Mỗi lần ăn chỉ cần lấy 1 miếng ra rã đông rồi chế biến là được.
Tới mỗi bữa bé ăn, chỉ cần mang cháo và nước dùng ra giải đông; rồi đun liu riu cho cháo nóng, sánh lại. Hoặc làm nóng bằng lò vi sóng trong 1-2 phút. Thịt cá cũng mang ra giải đông, mài nát rồi hòa với nước lạnh cho tơi và lọc bỏ nốt gân xơ rồi mới chế biến. Rau thì hấp nguyên miếng (nguyên cành) cho chín, rồi mới bằm nhỏ tới độ thô bé ăn.
Như vậy chế biến 1 bữa ăn dặm cho bé, mất tối đa là 20 phút nếu mẹ làm chậm và làm nhiều món khác nhau.

7. Đông lạnh thực phẩm như vậy liệu có mất chất không?

Nếu biết cách đông lạnh đúng cách, mẹ yên tâm là thực phẩm vẫn giữ được gần như trọn vẹn giá trị dinh dưỡng. Mẹ lưu ý một số nguyên tắc khi trữ đông như sau:
  • Sơ chế khi thực phẩm tươi nhất có thể, nếu nấu chín thì phải để nguội mới cho vào ngăn đông.
  • Đảm bảo thời gian đông lạnh đủ 24 tiếng.
  • Không nên lẫn lộn thức ăn chín và sống.
  • Sử dụng hộp bảo quản có nắp đậy cho từng loại thực phẩm riêng biệt trong ngăn đông.

8.Làm sao để tập phản xạ nhai cho con?

Bước 1: Tập ăn thô bằng thức ăn mềm

Trước hết, mẹ nên tập cho con làm quen với một số thức ăn mềm, dễ tiêu như khoai tây nghiền, đậu phụ,… Những ngày đầu, mẹ nên nghiền mịn và lọc qua rây để bé làm quen với thực phẩm mới; đồng thời hạn chế nguy cơ hóc, nghẹn. Khi bé đã có thể ăn thuần thục, không bị nôn ọe khi được đút ăn thì mẹ hãy chuyển qua bước tiếp theo.

Bước 2: Trộn cháo nguyên hạt vào cháo nhuyễn

Cách này là để bé quen ăn cháo có độ thô hơn. Vì nhiều bé ăn đậu phụ nhuyễn thì tốt, nhưng ăn cháo hơi lợn cợn thì vẫn bị ọe. Đó là vì các bé luôn có phản xạ “ăn cháo là chỉ phải nuốt chứng” mất rồi.
Trước mỗi lần nấu cháo cho con, mẹ múc 1 thìa súp cháo nguyên hạt đê riêng, xay rối/nghiền/rây thô hơn bình thường một chút. Sau đó mẹ trộn từ từ chỗ cháo xay rối đó vào cháo của con. Cho con ăn từ từ để theo dõi phản ứng của con; nếu bé có dấu hiệu nôn ọe thì dừng lại ngay.

Bước 3: Tập cho bé quen ăn cháo nguyên hạt

Mẹ nên duy trì việc trộn cháo nguyên hạt vào cháo nhuyễn nhưng nâng tỉ lệ cháo nguyên hạt dần cao hơn. Cứ 2-3 tuần, mẹ lại cho thêm phần cháo thô vào cháo cháo mịn để bé làm quen dần dần. Đến khi bé được 9 tháng phải ăn được cháo nguyên hạt hầm nhừ, rau xay vẫn có thể có xơ, và thịt thì chỉ cần bằm nhuyễn là được.

9. Bé ăn dặm thấy đi ngoài nhiều lần trong ngày. Liệu có làm sao không?

Nếu bé không có các biểu hiện sau: phân đi lỏng, mùi tanh, có chất nhầy, có kèm máu…thì yên tâm là bé không bị đau bụng. Bé đi nhiều lần khi đã ăn dặm chứng tỏ bé tiêu hóa tốt, đủ lượng thì đẩy ra ngoài.

10. Có nên tăng lượng, tăng bữa vượt chuẩn?

Tuyệt đối không nên để bé ăn quá nhiều lượng cho phép, vì những lý do sau:
  • Hệ tiêu hóa của bé chưa sẵn sàng để tải toàn bộ lượng thực phẩm mà bé dung nạp. Về lâu dài khiến hệ tiêu hóa bị quá tải, hấp thụ kém dần đi.
  • Ăn quá nhiều trong một thời gian dài sẽ khiến bé nhanh chán, dễ có xu hướng lâm vào tình trạng biếng ăn sinh lý sớm hơn những trẻ khác.
  • Ăn quá nhiều khiến các bộ phận cơ thể non nớt của con làm việc liên tục, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của não bộ.

11. Con không chịu uống sữa, liệu có thể lấy ăn dặm bù vào?

  • Bé dưới 1 tuổi thức ăn chính vẫn là sữa. Trong đó sữa mẹ là ưu tiên hàng đầu; sữa công thức là thức ăn bổ sung.
  • Dù bé ăn ít sữa thì vẫn không nên lấy ăn dặm bù, lượng ăn dặm vẫn phải khống chế đúng chuẩn.
  • Tăng cường các món ăn có chứa sữa hoặc được làm từ sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai.

12. Tại sao không nêm gia vị? Lúc nào bé được ăn gia vị?

Bé dưới 1 tuổi thì không nên ăn gia vị như bột canh, bột nêm, muối, mỳ chính, nước mắm, đường, ớt, gừng, tỏi,… Khi đã hơn 1 tuổi, mẹ cũng đừng nêm quá nhiều gia vị trong thức ăn của con. Gia vị mặn có thể gây tổn hại đến thận; gia vị ngọt thì khiến bé bị tiểu đường, béo phì; gia vị cay nồng ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Mẹ chỉ nên dùng một chút dầu thực vật như dầu oliu, dầu mè,… nếu muốn kích thích vị giác của bé.
Mẹ có thể tham khảo một số sản phẩm hỗ trợ cho bé ăn dặm tại đây. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho mẹ trong quá trình tập cho con làm quen với loại thức ăn mới.
 Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục