Bác sĩ cảnh báo: trẻ quấy đêm không phải là chuyện nhỏ!

Bên cạnh những lý do đơn giản như đầy bụng, ngạt mũi, nóng hay lạnh quá… không ít trẻ không ngủ ngon vì các bệnh lý liên quan đến thần kinh. Chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ chính là nguyên nhân khiến con thường xuyên quấy đêm, làm bố mẹ không thể ngủ yên giấc. Hãy cùng Bibo Mart tìm hiểu lí do trẻ bị rối loạn mất ngủ trong bài viết này nhé!

 

Xem thêm: Mách mẹ 5 thức uống giúp bé ngủ ngon, không còn khóc đêm

Trẻ quấy khóc nhiều đêm liên tục vì khó ngủ

Chị Phan Thị Nhung (Đặng Tiến Đông, Hà Nội) cho biết, từ hồi mới sinh, con chị đã hay quấy khóc. Khi ấy, chị sinh mổ, bà nội, bà ngoại đêm đêm phải thay nhau bế, dỗ dành bé. Những tháng sau đó, tình trạng này vẫn không cải thiện. Ngày cháu ngủ rất ít, nhưng đêm cũng không ngủ ngon; chỉ được một giấc từ 10 đến 12 g​iờ đêm. Sau đó đến sáng là dậy liên tục, mắt nhắm nhưng miệng kêu khóc; người uốn éo, bố mẹ phải thay nhau ngồi dậy bế, vỗ một lúc mới ngủ lại.

 

“Vợ chồng mình đi làm lúc nào cũng ngáp ngắn ngáp dài vì thiếu ngủ. Khổ nhất là bà ngoại, ngày đã vất vả trông cháu, đêm khó ngủ mà chốc chốc cháu lại dậy gào”, chị Nhung kể. Chị cho biết, không chỉ gia đình chị mệt mỏi mà hàng xóm nhiều khi cũng phàn nàn vì bị quấy rầy giấc ngủ đêm bởi tiếng kêu khóc của cu cậu.

 

Vợ chồng chị từng đưa con đi khám dinh dưỡng. Ngoài ra còn cho bé uống theo đơn bác sĩ đủ Vitamin D, canxi, kẽm… Thế nhưng tình hình vẫn không tiến triển. “Tình trạng này cứ tiếp tục thì cả nhà đến ốm hết mất, giờ đã stress lắm rồi”, chị Nhung chia sẻ.
rối loạn giấc ngủ ở trẻ
Trẻ thường xuyên quấy đêm là nỗi ám ảnh của mọi gia đình.
Cũng có bé gái 11 tháng tuổi hay quấy đêm, chị Hòa (Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ, Hà Nội) còn mang một nỗi lo khác: con kém phát triển và hay bị bệnh.

“Những hôm trời rét mà đêm nào bé cũng dậy khóc tới 4-5 lần. Mẹ phải bế lên, ra khỏi giường ru dỗ một hồi mới nín; chỉ lo con cảm lạnh, muỗi đốt, mà ngồi trong chăn thì bé không chịu. Hơn nữa, nghe nói ngủ đêm con mới lớn nhanh, cứ thế này lo con lùn lắm”, chị chia sẻ.

 

Chị cũng từng cho con uống bổ sung các vitamin, khoáng chất nhưng không ăn thua. Mới đây, hai vợ chồng còn đưa con đến bệnh viện làm xét nghiệm máu xem có phải vì con thiếu một chất gì đó nên khó ngủ không nhưng kết quả bình thường. Bác sĩ tiếp tục chỉ định cho cháu làm điện não đồ thì thấy có sóng bất thường.

 

“Giờ vừa cho con điều trị vừa lo ngay ngáy, không biết có ăn thua gì không đây”, chị bộc bạch.

 

Theo thạc sĩ Thành Ngọc Minh, trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương, khá nhiều trường hợp trẻ đến khám vì rối loạn giấc ngủ. Điều này khiến các bậc phụ huynh vô cùng hoang máng và lo lắng.

Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ

Bác sĩ Minh cho biết, giấc ngủ có tác dụng giúp cơ thể phục hồi sức khỏe và phát triển. Trong khi ngủ tuyến tiền yên trong não của trẻ em tiết ra hoóc môn tăng trưởng. Tùy theo lứa tuổi và đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, mỗi trẻ sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau. Trẻ sơ sinh thường là 20-22 giờ mỗi ngày, chỉ thức khi đói và bị ướt.

Trung bình trẻ dưới 1 tuổi ngủ 16-18 giờ mỗi ngày; 1-2 tuổi ngủ 14-16 giờ, 2-3 tuổi ngủ 12-14 giờ, 3-6 tuổi ngủ 11-12 giờ… Nếu chu kỳ thức – ngủ ở não bị rối loạn do những nguyên nhân khác nhau sẽ gây ra rối loạn giấc ngủ ở trẻ.

 

rối loạn giấc ngủ ở trẻ
Tùy theo lứa tuổi và đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, mỗi trẻ sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc tình trạng này. Có thể do rối loạn tiêu hóa, viêm mũi họng, thay đổi môi trường sống… Nhiều trẻ được bố mẹ đưa đến vì hay quấy khóc đêm, bác sĩ khám thấy bé bị ngạt mũi, khô mũi do nằm điều hòa. Khi được hướng dẫn làm thông thoáng mũi là bé ngủ ngoan lại. Một số bé lại hay quấy đêm vì thiếu một số vi chất dinh dưỡng; hay do có vấn đề về tâm lý như lo âu, hoảng sợ…

 

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp rối loạn giấc ngủ là không tìm được nguyên nhân, hay gặp nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi. Khi đó có thể cho trẻ làm một số xét nghiệm xác định một số yếu tố vi lượng như canxi, magie, kẽm… Nếu vẫn chưa xác định được, có thể cho trẻ làm điện não đồ, siêu âm thóp…

Khi tất cả kết quả bình thường, chuyên gia có thể kê thuốc để điều chỉnh lại giấc ngủ của trẻ. Còn nếu điện não đồ bất thường thì có thể phải điều trị lâu dài bằng thuốc điều trị động kinh.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn giấc ngủ ở trẻ

Theo bác sĩ Ngọc Minh, trẻ em có thể bị rối loạn giấc ngủ theo nhiều kiểu khác nhau. Chẳng hạn như có cơn ngừng thở ngắn kèm ngáy khi ngủ, máy giật cơ khi ngủ; các cử động chân tay có tính chu kỳ, cơn miên hành (mộng du); mất ngủ, cơn hoảng sợ ban đêm. Trong đó cơn miên hành hay cơn hoảng sợ ban đêm gặp khá phổ biến.

 

Bé gái nhà chị Thuần (Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) rơi vào trường hợp này. Chị cho biết, dù con đã 4 tuổi nhưng chưa đêm nào chị được ngủ ngon. Bé hay thức dậy, chân tay khua khoắng loạn xạ, khóc nức nở; có lúc còn ngồi bật dậy, đi loanh quanh trong nhà; vào toilet, ra sân… “Lần đầu thấy con như thế mình hoảng quá, vừa dậy theo ôm không cho con đi, vừa khóc. Sau thì chỉ lặng lẽ đi theo con, bế con vỗ về cho bé ngủ lại”, chị Thuần kể.

 

Bác sĩ Ngọc Minh cho biết, điều trị miên hành mất khá lâu, có thể vài năm. Nhưng nếu điều trị đúng cách, kịp thời trẻ vẫn có thể sinh hoạt và có cuộc sống, học tập bình thường.

 

Theo bác sĩ, để phòng bé bị rối loạn giấc ngủ, nên tránh cho trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày; tập cho con thói quen đi ngủ đúng giờ. Đồng thời tạo không gian phòng ngủ thoáng mát, yêu tĩnh. Trước giờ ngủ, không nên để trẻ ở trạng thái kích thích quá mức hoặc ức chế thần kinh.

 

Theo Vnexpress.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục