Hỏi:
Bé nhà em được 8 tháng, ăn dặm từ lúc hơn 5 tháng. Tháng trước bị tiêu chảy. Cháu đã khỏi nhưng vài hôm nay em thấy cháu đi phân chua, thỉnh thoảng bị són nữa. Ngày 4, 5 lần. Vậy cho hỏi con em bị làm sao, cách chữa thế nào ạ. Rất mong bác sĩ giải đáp (thaopkt…@gmail.com – Phạm Phương Thảo)
Đáp:
– Theo thư bạn mô tả thì bé bị tiêu chảy cấp. Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện của bệnh là: nôn, đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần/ngày, có thể kèm theo đau bụng, sốt, chán ăn, mệt mỏi, khát nước…
– Khi trẻ bị tiêu chảy cấp nhẹ hoặc mới bị, chưa có dấu hiệu mất nước, có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống dung dịch ORESOL để bù nước và điện giải (chú ý pha đúng theo hướng dẫn), nếu không có ORESOL có thể cho trẻ uống nước cháo muối.
– Cách cho uống:
+ Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi uống 50 – 100ml, sau mỗi lần đi ỉa. Cho trẻ uống ít một và cho uống từng thìa.
+ Trẻ lớn trên 2 tuổi cho uống 100 – 120ml sau mỗi lần đi ỉa. Cho trẻ uống từng ngụm bằng cốc cho tới khi trẻ hết khát.
+Nếu trẻ bị nôn, bạn hãy đợi 10 phút sau mới tiếp tục cho uống nhưng chậm hơn cho tới khi ngừng tiêu chảy.
– Trong khi điều trị tiêu chảy tại nhà, nếu sau 3 ngày không đỡ hoặc trẻ có 1 trong 6 triệu chứng là phân lỏng nhiều nước, nôn liên tục, khát, ăn uống kém, sốt, phân có máu cần đưa trẻ đến bệnh viện để xử lí kịp thời.
– Ngoài bù dịch để chống mất nước, thì chế độ ăn rất quan trọng để phòng tránh suy dinh dưỡng và để mau hồi phục. Mẹ cần cho trẻ ăn bột hoặc cháo nấu với thịt lợn, thịt gà , dầu thực vật. Nên nấu loãng hơn bình thường, cho trẻ ăn nhiều lần và từng ít một. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, xoài, vv… để cung cấp thêm Kali. Khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường và cho ăn thêm mỗi ngày 1 bữa kéo dài trong 2 tuần sau khi ngừng tiêu chảy. Tránh không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng, các loại ngũ cốc nguyên hạt (ngô, đỗ, vv…) khó tiêu hoá. Hạn chế ăn đồ ngọt, nhiều đường (bánh, kẹo) hay nước ngọt có ga. Khi trẻ bị tiêu chảy tránh không cho uống thuốc kháng sinh (chỉ dùng khi có hội chứng lỵ phân có máu mũi hoặc có dịch tả), thuốc cầm ỉa và thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
– Để phòng bệnh tiêu chảy bạn cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
+ Vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống nước đun sôi, sử dụng nguồn nước sạch)
+ Vệ sinh dụng cụ ăn uống của trẻ (bình sữa, núm vú, bát, đĩa, cốc, thìa ăn)
+ Vệ sinh môi trường: Diệt ruồi, nhặng, v.v…
+ Vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn, khi pha chế thức ăn cho trẻ, sau khi đi vệ sinh và sau khi thay tã lót cho trẻ, vv …
+ Xử lý đúng cách phân của trẻ tiêu chảy.
+ Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý.
+ Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là tiêm phòng sởi vì khi trẻ mắc bệnh sởi hoặc sau khi khỏi bệnh dễ mắc tiêu chảy và lỵ.