Bé từ 6 – 12 tháng: thời điểm vàng để ba mẹ kích thích các giác quan của trẻ

Thời điểm 6 tháng tuổi và 12 tháng tuổi là mốc phát triển quan trọng của bé. Sự phát triển vượt bậc về khả năng vận động, cảm xúc xã hội, ngôn ngữ giao tiếp, khả năng quan sát và tư duy. Thời điểm này bố mẹ đã có thể dạy cho bé hiểu ngôn ngữ, cảm xúc, âm thanh…Ở giai đoạn này trẻ học được qua sự giao tiếp với bố mẹ qua các trò chơi. Nếu được tham gia những trò chơi phù hợp, bé sẽ thông minh và nhanh nhạy hơn.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy: Vào lúc 6 tháng tuổi, não bộ của trẻ phát triển rất nhanh. Khi 12 tháng, não bé đã phát triển gấp ba lần so với khi mới sinh ra, hệ thống thần kinh chằng chịt, dày hơn với nhiều liên kết. Dạy bé qua trò chơi là cách tốt nhất để kích thích sự truyền tín hiệu giữa các nơron thần kinh hiệu quả và giúp tăng chỉ số thông minh (IQ) cho bé. Sau đây là những gợi ý về phương pháp dạy bé thông qua trò chơi phù hợp với lứa tuổi:
Trẻ 6 – 7 tháng tuổi
Thời điểm 6 tháng sau khi chào đời, não của bé đã phát triển tương đương 50% kích thước não bộ của người lớn; ngoài sữa mẹ, bé có thể ăn dặm để bổ sung dưỡng chất. Bé cũng thể hiện cảm xúc vui mừng khi nhìn thấy mẹ hay khóc mếu khi gặp người lạ… Hầu hết các bé ở tuổi này đều thích chơi “ú òa” với ông bà, bố mẹ. Đây là trò chơi mang lại cho bé rất nhiều niềm vui.
Bé cũng bắt đầu học cầm, nắm đồ vật nên cha mẹ có thể đặt đồ chơi trên sàn để bé nhặt, cầm lên; sau đó thay đổi bằng cách đặt ở một khoảng cách xa bé để bé bò đến lấy. Đây là trò chơi giúp bé rèn luyện sự khéo léo của đôi tay và tăng cường vận động thể chất. Để kích thích trí tò mò của bé, khuyến khích bé khám phá, bố mẹ có thể giấu đồ chơi mà bé yêu thích ở sau lưng, dưới gối, những chỗ “ẩn náu” quen thuộc với bé rồi cùng giúp bé đi tìm đồ chơi.
Trẻ 8 – 9 tháng tuổi
Đây là thời điểm thích hợp giúp bé làm quen với ngôn ngữ. Bố mẹ cần thường xuyên trò chuyện với bé theo nguyên tắc “ba phải”: phải ngắn gọn, phải dễ hiểu, phải đơn giản. Trò chuyện với bé về người thân trong gia đình, vật dụng trong nhà, hiện tượng thiên nhiên gần gũi.
Khi muốn dạy bé phát âm tên một đồ vật nào đó, bạn nên cho bé nhìn vào đồ vật đấy, nhắc đi nhắc lại tên và dành một khoảng nghỉ để bé có thể nhắc lại theo bạn.
Bố mẹ nên cho bé tự cầm thìa xúc ăn, tập những động tác đơn giản như hoan hô, vỗ tay. Những đồ chơi có tiếng kêu vui tai kích thích tốt thính giác của bé, giúp bé luyện tập khả năng phối hợp tay và mắt linh hoạt hơn.
Trẻ 10 tháng tuổi
Lúc này, kỹ năng điều khiển của đôi tay bé đã thành thục hơn rất nhiều Trẻ đã biết dùng ngón cái và ngón trỏ để nhón những vật nhỏ. Để những ngón tay của bé thêm linh hoạt, bạn hãy cho bé chơi trò nhặt đồ chơi bỏ vào hộp.
Thời kỳ này, bạn hãy dạy trẻ dùng tay kết hợp lời nói. Chẳng hạn, sau khi hỏi trẻ tai, mũi, mắt, mồm của trẻ đâu, bạn cầm tay trẻ chỉ vào những bộ phận đó trên cơ thể bé.
Để tăng năng lực cảm nhận của bé với các vật, bố mẹ hãy cho bé sờ vào những chất liệu khác nhau. Ví dụ; khi tay bé sờ vào má mẹ mềm, thì bạn nói “mềm mềm”, sờ vào gối êm thì nói “êm êm”.
Trẻ 11 tháng
Hai bàn tay trẻ đã hoạt động khá tự nhiên, bé có thể thực hiện liên tục các động tác phức tạp và xử lý tinh tế các thao tác đòi hỏi sự khéo léo. Vận động của đôi bàn tay rất tốt cho sự phát triển trí não trẻ nên bố mẹ có thể giúp bé điều khiển bàn tay bằng cách dạy bé tập lật các trang sách truyện, chơi xếp hình, xếp các khối gỗ, ôm và ném bóng, chỉ tay vào các đồ vật mà bố mẹ đọc tên
Bố mẹ có thể giúp bé học cách điều khiển hoạt động độc lập của từng ngón tay bằng cách dạy bé cho tay vào các lỗ nhỏ, có thể mua đất sét màu để bé chọc từng ngón tay vào đó.
Trẻ 12 tháng
Hãy tiếp tục cho bé chơi những trò chơi mang tính chất giáo dục như trước, nhận biết và gọi tên đồ vật có thể phát nâng mức độ khó lên để kích thích sự phát triển ở mọi giác quan. Nếu bé đã cầm được bút thì có thể cho bé tập vẽ. Vì lực đè bút lên giấy vẫn còn yếu, bạn nên cho bé cầm bút to, dễ ra mực như bút dạ viết bảng chẳng hạn.
Giai đoạn trẻ được 6 – 12 tháng tuổi là một trong những giai đoạn vàng của sự phát triển não bộ ở trẻ. Biểu hiện nhiều cảm xúc và cử chỉ đáng yêu là cách bé khám phá và thể hiện mình. Điều đó phụ thuộc không ít vào tình yêu mà mẹ dành cho bé, cách chăm sóc và nuôi dạy bé một cách khoa học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *