Bệnh tay chân miệng ở trẻ: Dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng ở trẻ đang bùng phát mạnh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Trong đó, nhiều ổ dịch được ghi nhận tại các trường mầm non khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Cùng Bibo Mart tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh tay chân miệng trong bài viết dưới đây ba mẹ nhé!

 

Bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng ở trẻ đang bùng phát mạnh

1. Bệnh tay chân miệng ở trẻ là bệnh thế nào?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do virus đường ruột gây ra. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng đặc biệt tăng mạnh ở 2 giai đoạn: từ tháng 3 đến tháng 5, và từ tháng 9 đến tháng 12. Ở những thời điểm này, bệnh thường bùng phát thành dịch.

Đối tượng dễ mắc tay chân miệng nhất là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, vì sức đề kháng của trẻ còn yếu. Đường lây nhiễm chính của bệnh là qua hệ tiêu hóa, có thể là qua tuyến nước bọt, hoặc qua phân thải. Cũng chính vì vậy mà trường mầm non, nhà trẻ chính là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và hay phát triển thành ổ dịch.

>>> Xem thêm: Cách chữa bệnh tay chân miệng cho trẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế

 

2. Bệnh tay chân miệng ở trẻ do nguyên nhân nào gây ra?

Như vừa nêu ở trên, nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng chính là virus thuộc họ virus đường ruột, điển hình nhất phải kể đến Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Trong đó, virus Coxsackie A16 ít gây ra các biến chứng về thần kinh và người bệnh có thể tự khỏi trong vài ngày. Còn EV71 có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như viêm phổi, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, và có thể gây ra tử vong.

Các virus kể trên có sức sống rất mãnh liệt. Chúng có thể sống được trong khoảng nhiệt vô cùng rộng: từ rất lạnh đến rất nóng. Chúng chỉ có thể bị tiêu diệt ở mức nhiệt 560 độ C trở lên, và phải sau 30 phút. Còn với nhiệt độ lạnh như âm 40 độ C, chúng có thể sống được tới 3 tuần ở bên ngoài môi trường. Những nơi tập trung của virus thường là những môi trường sinh hoạt chung như: mặt bàn, mặt ghế, đồ chơi, đồ dùng ăn uống, …

Ngoài Coxsackie A16 và EV71, một số chủng virus nhóm A khác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh như: Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5)

 

3. Nhận biết dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ qua từng cấp độ

Bệnh tay chân miệng được chia làm 4 cấp độ, tương ứng với 4 giai đoạn phát triển của bệnh. Mỗi cấp độ có những triệu chứng khác nhau. Nắm rõ các triệu chứng của từng cấp độ sẽ giúp điều trị bệnh được đúng hướng và hiệu quả hơn.

3.1. Tay chân miệng cấp độ 1

Tay chân miệng cấp 1 là cấp độ bệnh nhẹ nhất với các triệu chứng như: mệt mỏi. sốt nhẹ, xuất hiện bọng nước trên da.
Ở cấp độ này, các nốt bọng nước thường xuất hiện đơn lẻ, lộn xộn, dễ nhầm với bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, nhìn chung chúng hay xuất hiện nhiều ở quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân; hoặc ở mông, đầu gối. Các bọng nước này có thể tự vỡ hoặc bị vỡ do trẻ cào, gây tổn thương da.

triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ
Nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, quanh miệng là triệu chứng đặc trưng của bệnh tay chân miệng

Bên cạnh các triệu chứng điển hình kể trên, trẻ bị tay chân miệng cấp độ 1 còn có thể có những triệu chứng như: đau đầu, đau nhức cơ, cứng cổ; ngủ không sâu giấc, hay giật mình khi ngủ, hoặc hay ngủ gật; đau họng, hay chảy nước miếng, cảm thấy khó nuốt, …

>>> Xem thêm: Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ

 

3.2. Tay chân miệng cấp độ 2

Với tay chân miệng cấp độ 2, bệnh lại được chia làm 2 mức độ là 2a và 2b. Mỗi mức độ lại có những dấu hiệu đặc trưng riêng.

Độ 2a

Nếu trẻ bị tay chân miệng cấp độ 1 nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn 2a với các triệu chứng dưới đây:

– Sốt cao kéo dài trên 38.5 độ từ 2 ngày trở lên

– Mệt mỏi, nôn ói

– Thường xuyên khóc quấy mà không rõ nguyên nhân

– Mất ngủ

– Trong 30 phút, giật mình dưới 2 lần.

 

Độ 2b

Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu sau đây thì có nghĩa là trẻ đã bước sang cấp độ 2b:

– Sốt cao không giảm dù đã đã uống thuốc hạ sốt.

Trẻ sốt cao
Khi bị tay chân miệng độ 2b, trẻ thường sốt cao không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt

– Trong 30 phút, trẻ giật mình dưới 2 lần

– Mệt mỏi, ngủ gà ngủ vịt

– Mạch đập nhanh, đo thấy trên 150 lần/phút

– Run người, run chi, đi loạng choạng, ngồi không vững; thậm chí bị liệt chi

– Mắt bị lác, nhãn cầu rung giật

– Liệt thần kinh sọ: giọng nói thay đổi; khó nuốt, nuốt sặc

Khi bệnh tay chân miệng ở trẻ đã bước sang cấp độ 2, trẻ nên được đưa đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.

 

3.3. Tay chân miệng cấp độ 3

Cấp độ 3 của bệnh tay chân miệng ở trẻ là mức độ khá nghiêm trọng. Trẻ cần được điều trị tại bệnh viện để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở cấp độ 3 như sau:

– Mạch đập nhanh, đo thấy trên 170 lần/phút

– Nhịp tim và huyết áp của trẻ đều tăng

– Trẻ ra nhiều mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú

– Thở nhanh, có cơn ngừng thở nhẹ; thở khò khè, rít thanh quản, có dấu hiệu rút lõm lồng ngực khi thở

– Rối loạn tri giác; khó cử động tay chân, mất thăng bằng và thường xuyên bị ngã, …

 

3.4. Tay chân miệng cấp độ 4

Cấp độ 4 là cấp độ nặng nhất của bệnh tay chân miệng ở trẻ. Cấp độ này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là gây tử vong, với các biểu hiện sau:

– Sốc, nhịp tim giảm

– Phù phổi cấp, ngưng thở, hoặc thở yếu, thở dốc

– Cơ thể trẻ tím tái

 

4. Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ thế nào?

Hiện nay bệnh tay chân miệng ở trẻ chưa có thuốc đặc trị. Cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp chăm sóc trẻ. Dưới đây là một số lưu ý mà ba mẹ cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng:

– Nếu bé bị sốt cao trên 38.5 độ C, ba mẹ có thể hạ sốt cho bé bằng thuốc Paracetamon. Tuyệt đối không dùng thuốc có chứa thành phần Aspirin để hạ sốt, giảm đau cho trẻ. Tốt nhất nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

– Không tự ý kết hợp các loại thuốc với nhau khi không có sự đồng ý của bác sĩ.

– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, đủ chất cho trẻ. Việc xuất hiện các nốt mụn nước ở vùng miệng sẽ khiến trẻ cảm thấy đau khi nuốt. Vì vậy, ba mẹ nên chế biến thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu cho trẻ như cháo loãng, canh, … Ba mẹ cũng có thể chia nhỏ bữa ăn để con dễ ăn hơn.

bệnh tay chân miệng ở trẻ
Mẹ nên cho bé ăn đồ loãng, mềm, dễ tiêu

– Cho bé uống nhiều nước hơn để bù lại lượng nước bị mất đi do sốt, nôn ói; tránh trường hợp trẻ bị mất nước hay hạ đường huyết. Nếu trẻ vẫn còn bú mẹ thì tăng cường cho bé bú nhiều lần hơn trong ngày.

– Giữ vệ sinh vùng da bị tổn thương của trẻ thật sạch sẽ. Thường xuyên vệ sinh vùng da bị tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý.

– Luôn nhớ tách riêng các đồ dùng cá nhân (quần áo, ly, cốc…) của trẻ với những thành viên khác trong nhà. Vệ sinh, sát khuẩn các món đồ này kỹ lưỡng.

– Sau khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng.

– Theo dõi sát sao các biểu hiện của bé. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường hoặc dấu hiệu bệnh trở nặng, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

 

5. Phần kết

Trên đây là những thông tin về bệnh tay chân miệng ở trẻ mà cha mẹ nên ghi nhớ để nhận biết dấu hiệu bệnh và điều trị hiệu quả cho con. Ba mẹ có thể ghé các cửa hàng thuộc hệ thống Bibo Mart  để mua sắm các dụng cụ vệ sinh cho con (nước muối sinh lý, nước rửa tay, …); hoặc các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho bé để cung cấp thêm dinh dưỡng cho con, giúp con nhanh khỏi bệnh. Ba mẹ cũng có thể tải App Bibo Mart để mua sắm nhanh chóng và tiện lợi hơn, đồng thời hưởng nhiều ưu đãi đặc quyền Tại Đây.

Link cho hệ điều hành Android

Link cho hệ điều hành IOS

Chỉ mục