Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch. Cao điểm của bệnh là từ tháng 3-5 và tháng 8-9 hàng năm. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời. Do đó, chuyên gia Bibo Mart sẽ chia sẻ với cha mẹ các dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
1. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh lây lan do một số chủng virus gây ra. Thường gặp nhất là chủng virus coxsackie A16 hoặc virus Entero 71. Ngoài ra, còn một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B( B1-B3 và B5). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.
2. Triệu chứng tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng giai đoạn, cụ thể như:
– Giai đoạn ủ bệnh 3 – 6 ngày.
– Giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy gồm:
- Trẻ bị sốt, mệt mỏi. Sốt nhẹ (37,5-38 độ C) hoặc bị sốt cao (38-39 độ C).
- Đau họng.
- Tổn thương, đau rát ở răng và miệng.
- Chảy nước bọt nhiều.
- Biếng ăn.
- Tiêu chảy vài lần trong ngày.
– Giai đoạn toàn phát (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh), trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như:
- Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.
- Loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.
- Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da.
- Dấu hiệu toàn thân: rối loạn tri giác, mê sảng, co giật (gặp khi trẻ sốt cao ≥39 độ C).
3. Đường lây truyền bệnh tay chân miệng
Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.
4. Cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.
5. Phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh nhất vào giai đoạn chuyển mùa, nhất là vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ… Vì vậy, bố mẹ cần nắm được những cách phòng ngừa bệnh kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh, gây tổn thương cho bé.
Đối với các cơ sở dạy học, trường mầm non:
- Cần vệ sinh lau phòng học cho trẻ. Thường xuyên rửa đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Tăng cường giáo dục cho trẻ và phụ huynh về bệnh tay chân miệng.
- Khi trẻ bắt đầu có những biểu hiện của bệnh, trẻ cần nghỉ ngơi ở nhà, tránh đến trường lây lan cho nhiều trẻ khác và cần đưa ngay trẻ đến khám bác sĩ.
Phòng tránh tay chân miệng tại gia đình:
- Dinh dưỡng đa dạng và đầy đủ để nâng cao thể trạng.
- Thường xuyên làm sạch nhà cửa và các đồ vật trong nhà bằng các dung dịch tẩy rửa thông thường.
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ: tạo thói quen rửa tay với xà phòng thường xuyên trước khi ăn cơm, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đùa với những trẻ khác.
- Hướng dẫn trẻ dùng khuỷu tay che miệng, mũi khi trẻ ho hoặc hắt hơi.
- Tránh xa những trẻ đang có biểu hiện ốm và trẻ đang nghi ngờ mắc tay chân miệng.
Ngoài ra, ba mẹ cần theo dõi tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo, cần đưa trẻ nhập viện để nhận sự trợ giúp và tuân thủ y lệnh của bác sĩ.
Chúc các bé hay ăn, chóng lớn và mạnh khỏe.
Chuyên gia chăm sóc sức khỏe Mẹ và Bé – Đặng Thúy Hằng
Phòng Đào tạo và Tư vấn Bibo Care