Trẻ mấy tháng tập nói? Cách để dạy bé tập nói từ sớm cha mẹ nên biết

Khi nuôi con nhỏ, cha mẹ nào cũng mong ngóng đến ngày con bập bẹ biết gọi tiếng “bố”, tiếng “mẹ” lần đầu tiên. Để trẻ có tư duy ngôn ngữ từ sớm, nhanh biết nói và nói sõi, cần đến sự dạy dỗ, hỗ trợ phần lớn từ cha mẹ. Cùng chuyên gia Bibo Care tìm hiểu các cách dạy bé tập nói ngay trong năm đầu đời trong bài viết sau nhé!

 

1. Trẻ mấy tháng tập nói?

Khi mới sinh ra, trẻ sơ sinh chưa thể nói mặc dù đã làm quen với âm thanh. Phải đến tháng thứ 3 trở đi, bé mới bắt đầu tập nói với những tiếng ê a vô nghĩa. Có thể phân chia các quá trình tập nói của bé 1 tuổi thông qua các thời kỳ sau:
  • Từ 0-3 tháng tuổi: Bé có nhận thức về những âm thanh xung quanh như tiếng hát ru, tiếng trò chuyện của bố mẹ. Tuy nhiên ngôn ngữ giao tiếp chính của bé là tiếng khóc. Bố mẹ phải học cách “đọc” và phân biệt tiếng khóc để biết bé đang khó chịu vì điều gì.
  • Từ 3-6 tháng tuổi: Thời điểm này, bé đã bắt đầu biết hóng chuyện. Bé có thể chăm chú khi có người nói chuyện mặt đối mặt cùng con; sau đó phát ra những âm thanh “a”, “ô” để đáp lời. 
  • Từ 6-9 tháng tuổi: Giai đoạn này, bé bắt đầu phát âm được các từ đơn ngắn như “ba”, “ma”,… Hầu hết đây là các từ ngẫu nhiên, bé lặp lại theo mọi người xung quanh.
  • Từ 9-12 tháng tuổi: Lúc này, bé sẽ nói được nhiều từ đơn hơn. Đồng thời khả năng nhận thức về người và sự vật xung quanh cũng tăng lên. Bé có thể phản ứng khi nghe tên mình, tên bố mẹ, ông bà; hay gọi tên các con vật, đồ vật quen thuộc như “xe”, “cún”, “mèo”,…
Mẹ có thể căn cứ vào các mốc thời gian trên để biết về quá trình tập nói bình thường của một em bé. Cũng cần lưu ý: Tùy thuộc vào rất nhiều nguyên nhân mà trẻ có thể biết nói sớm hoặc muộn; bao gồm sự phát triển của trí não, môi trường xung quanh và thậm chí cả các căn bệnh cản trở quá trình giao tiếp của con. Nếu bé nhà bạn không nói được trong suốt 6 tháng đầu đời, bạn nên đưa con đi khám tại các cơ sở nhi khoa.

2. Cách dạy bé tập nói theo trong năm đầu đời theo từng thời kỳ

2.1. Từ 0-3 tháng tuổi

Cách để dạy bé tập nói từ sớm
3 tháng đầu, bé đã dần quen với âm thanh nhưng nói còn bập bẹ
Trong 3 tháng đầu, bé đã có những nhận thức đầu tiên về âm thanh; tuy nhiên chưa thể đáp lời. Mẹ có thể áp dụng một số cách sau:
  • Hát ru cho bé nghe. Thậm chí, bố mẹ nên hát cho bé nghe ngay khi bé còn ở trong bụng mẹ, các em bé có thể nghe được âm thanh rất tốt.
  • Trò chuyện với bé; trò chuyện với những người khác khi có bé ở gần. Bé chưa thể hiểu ý nghĩa của các từ; nhưng sẽ rất thích giọng điệu và tiếng cười cũng như nhìn nét mặt, biểu cảm của mọi người. Những yếu tố này sẽ giúp bé sớm biết nói hơn rất nhiều.
  • Để bé có khoảng thời gian riêng. Bé cần có lúc được bập bẹ và chơi trong yên tĩnh mà không có TV hoặc các tiếng ồn khác làm phiền. Trong 3 tháng đầu, bé cũng ngủ khá nhiều; người lớn không nên trò chuyện, tránh đánh thức con bất ngờ.

 

2.2. Từ 3-6 tháng tuổi

Giai đoạn này, con đã bắt đầu biết “hóng”. Bé sẽ quan sát nhiều hơn và có thể đáp lời bằng những tiếng ê a không có nghĩa. Mẹ có thể áp dụng những cách sau:
  • Hãy luôn trò chuyện và cười cùng con. Nên bế bé lại gần đối diện mặt bạn mỗi khi muốn nói chuyện. Bé có thể quan sát rõ khuôn miệng của bạn và cất lời khi thấy thoải mái. Khi bé bập bẹ cất tiếng, hãy đáp lại bằng cách bắt chước ê a giống bé.
  • Lặp lại những từ bé đã nói. Khi bé có thể bắt chước được một từ nào đó từ bố mẹ, hãy lặp lại từ đó nhiều lần để bé nói nhuần nhuyễn hơn.

2.3. Từ 6-9 tháng tuổi

Đây là giai đoạn quan trọng để bé quan sát và bắt chước. Mẹ có thể áp dụng một số cách sau đây:
  • Chơi những trò chơi tương tác: Mẹ có thể chơi ú òa, chơi chỉ tay – nói tên đồ vật,… Cách dạy bé tập nói này sẽ giúp bé được thực hành chuyển động tay theo ngữ điệu.
  • Lặp lại tên của bé và bố mẹ: Cho bé soi gương, sau đó hỏi bé “Ai đấy?”. Nếu bé không trả lời được, bố mẹ hãy nói tên của bé. Dần dần, bé sẽ nhận thức được tên của mình và đó là hình ảnh phản chiếu của mình trong gương.
  • Thường xuyên đưa ra những câu hỏi đơn để bé trả lời: Những câu hỏi nên ngắn gọn và hỏi về những người, đồ vật, con vật quen thuộc với bé. Ví dụ như “Con chó đâu rồi?”; Nếu bé không trả lời được, hãy chỉ vị trí của con chó cho bé biết và nói “Đây”.

2.4. Từ 9-12 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu hiểu những từ ngữ đơn giản. Nếu có ai đó hỏi “Mẹ đâu rồi?”, trẻ sẽ tìm kiếm mẹ. Trẻ bắt đầu biết chỉ trỏ, tạo ra âm thanh và sử dụng cơ thể để diễn đạt điều mà trẻ muốn.
  • Hãy dạy con nhiều hơn về cách diễn đạt ngôn ngữ cơ thể. Chẳng hạn như khi tạm biệt thì đưa tay vẫy vẫy, khi muốn chơi thì đưa cho mẹ xem một món đồ chơi nào đó,…
  • Cho bé xem sách tranh. Bé được 12 tháng tuổi là bắt đầu có thể cho xem tranh. Bố mẹ chỉ vào tranh, gọi tên sự vật và để bé bắt chước nói theo.
  • Làm giàu vốn từ cho bé. Chẳng hạn như bé nói được từ “bóng”; bố mẹ có thể đáp lời lại là “Đúng rồi. Quả bóng. Quả bóng màu đỏ.”
Theo La La (zerotothree) (Khám phá)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *