Chế độ ăn cho trẻ bị suy dinh dưỡng như thế nào?

Ở phần 1, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về nguyên nhân và biểu hiện suy dinh dưỡng ở trẻ. Ngay bây giờ ba mẹ hãy cùng bác sĩ Bibo Mart tìm hiểu về chế độ ăn tại nhà cho trẻ bị suy dinh dưỡng và cách phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ qua bài viết dưới đây nhé!

 

1. Chế độ ăn tại nhà cho trẻ bị suy dinh dưỡng

 

Với trẻ bị suy dinh dưỡng, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày

 

Với trẻ bị suy dinh dưỡng, mẹ nên cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ. Đồng thời cung cấp năng lượng cho bé cao hơn so với trẻ bình thường.

 

Chế độ ăn của trẻ nên được cân đối giữa các nhóm chất:

 

– Tăng lượng protein để nhanh chóng phục hồi tình trạng dinh dưỡng của trẻ:

  • Ba mẹ tăng dần lượng protein trong khẩu phần ăn của trẻ từ 2g/kg cân nặng/24h lên 5-7 g/kg cân nặng/24h.
  • Ba mẹ nên cho trẻ dùng các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như: trứng, thịt, cá, … Hoặc có thể dùng các protein có nguồn gốc thực vật như đậu, đỗ, lạc, vừng…

 

– Tăng lượng chất béo: Chất béo cung cấp năng lượng cho trẻ gấp đôi chất bột và chất đạm. Vì vậy, trong bữa ăn hàng ngày của trẻ bị suy dinh dưỡng, mẹ nên tăng lượng dầu mỡ.

 

– Ngoài ra, bé cần được bổ sung thêm một số vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng) để ăn ngon miệng và tăng cân.

 

– Bên cạnh đó, ba mẹ nên bổ sung cho trẻ một số vi khuẩn sống có lợi cho đường ruột. Các lợi khuẩn sẽ ức chế hoạt động của các vi khuẩn có hại, lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Qua đó cải thiện khả năng tiêu hóa của trẻ, giúp bé ăn ngon và hấp thu dưỡng chất tốt hơn.

 

2. Cách phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em

 

 

– Cho trẻ bú ngay sau sinh và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời:

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết, sữa mẹ còn giúp bé tăng đề kháng, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng.

 

– Chăm sóc dinh dưỡng cho bé bằng bữa ăn hợp lý:

Khi bé tròn 6 tháng tuổi, ba mẹ nên bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm. Hãy cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đồng thời, nên duy trì cho trẻ bú sữa mẹ cho đến khi bé được khoảng 2 tuổi.

 

– Đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm:

Đây là việc quan trọng giúp bé phòng tránh các bệnh nhiễm trùng đường ruột, giun sán… Ba mẹ nên chọn lựa thực phẩm tươi. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp và nấu thức ăn chín kỹ. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cho bé và người chăm sóc.

 

– Kiểm tra và theo dõi biểu đồ tăng trưởng của bé hàng tháng:

Theo dõi biểu đồ tăng trưởng của bé thường xuyên sẽ giúp mẹ phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng hoặc các nguy cơ của trẻ nếu có. Từ đó có thể can thiệp sớm để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ.

 

 

– Khuyến khích trẻ tập thể dục:

Tập thể dục thường xuyên giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất và bài tiết chất độc không mong muốn ra khỏi cơ thể của trẻ.

 

– Phòng ngừa và điều trị triệt để các bệnh lý

Ba mẹ cần phòng ngừa và điều trị triệt để cho trẻ các bệnh lý như nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy… Không lạm dụng kháng sinh và xổ giun định kỳ cho trẻ từ 1 tuổi trở lên mỗi 6 tháng/lần.

 

Chúc các bé luôn khỏe mạnh và an toàn!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare

Chỉ mục