Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ có thai nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén là hiện tượng tăng áp lực máu lên các cơ quan trong cơ thể như thận, gan, tử cung…Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến nhau thai, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nếu chẳng may mẹ mắc bệnh lý này, ngoài việc theo sát phác đồ điều trị của bác sĩ, các mẹ cũng cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Trong bài viết dưới đây, BiBo Mart sẽ gợi ý cho ba mẹ chế độ dinh dưỡng cho bà bầu giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải bệnh lý này.

 

Nhiễm độc thai nghén
Nhiễm độc thai nghén có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé 

1. Nhiễm độc thai nghén là gì?

Nhiễm độc thai nghén là một bệnh lý đặc biệt xảy ra trong quá trình mang thai. Thông thường, bệnh sẽ xuất hiện vào quý I và quý III của thai kỳ với các biểu hiện khác nhau. Nhiễm độc thai nghén sẽ làm rối loạn co thắt các mạch máu của người mẹ, bao gồm hệ thống mạch máu ngoại biên và nội tạng như gan, thận, tử cung,…Từ đó gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cả thai và mẹ.

 

2. Dấu hiệu nhiễm độc thai nghén không nên bỏ qua

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của bệnh lý này ở 3 tháng đầu thai kỳ là nghén nặng, buồn nôn, ăn uống kém. Trong khi đó, dấu hiệu của bệnh ở 3 tháng cuối thai kỳ lại là phù nề cơ thể, huyết áp tăng,…

 

2.1. Triệu chứng nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu thai kỳ

Trường hợp nhiễm độc ở mức nhẹ, mẹ bầu sẽ có những biểu hiện như ốm nghén, mệt mỏi, cơ thể gầy, xanh xao,… Các biểu hiện này sẽ xuất hiện khi mang thai được 1 tháng và sẽ giảm dần rồi biến mất khi thai đến tháng thứ 3.

 

Biểu hiện của nhiễm độc thai nghén
Buồn nôn là dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén

Với trường hợp nặng, mẹ vẫn có triệu chứng nghén nhưng xảy ra sớm hơn và các triệu chứng trở nên nặng hơn. Các mẹ hầu như sẽ không ăn được gì hoặc khi ăn vào sẽ nôn ra hết. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thai kỳ và cả em bé.

 

2.2. Triệu chứng nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng cuối thai kỳ

Ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, các triệu chứng sẽ biểu hiện rõ ràng hơn:

  • Hai chân bị phù: Vào tháng cuối thai kỳ, chân của thai phụ phù rất to. Thai phụ có thể kiểm tra vị trí bị phù bằng cách ấn ngón tay vào mắt cá chân. Trong một số trường hợp nặng, thai phụ có thể bị phù ở cả mặt và hai tay.
  • Protein niệu: Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy chỉ số protein niệu cao hơn 0,3g/l thì rất có thể mẹ đã mắc chứng nhiễm độc thai nghén.
  • Huyết áp tăng cao: Khi mắc chứng nhiễm độc thai nghén, huyết áp của thai phụ sẽ tăng rất cao. Nếu huyết áp trên 140 thì thai phụ nên đến các cơ sở y tế uy tín để được theo dõi và điều trị.

3. Làm thế nào để điều trị nhiễm độc thai nghén?

 

Nhiễm độc thai nghén kéo dài gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé. Vậy nên, khi phát hiện mình nhiễm bệnh, mẹ bầu nên sắp xếp đến gặp bác sĩ để có cách điều trị kịp thời. Trong thời gian chưa đi thăm khám, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để giảm triệu chứng: 

 

3.1. Ở 3 tháng đầu thai kỳ

Trong trường hợp nghén nhẹ, mẹ bầu chỉ cần nằm nghỉ trong phòng yên tĩnh một thời gian là sẽ đỡ. Nếu mẹ bầu bị nghén nặng, hãy cố gắng ổn định tinh thần, giữ tâm lý thoải mái và tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn hợp lý.

 

Nhiễm độc thai nghén
Mẹ nên nghỉ ngơi khi có các dấu hiện nghén ở mức nhẹ

3.2. Ở 3 tháng cuối thai kỳ

Việc điều trị ở 3 tháng cuối sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ:

  • Huyết áp: Cố gắng duy trì huyết áp thai phụ ở mức ổn định nhất.
  • Protein niệu: Thai phụ nên sử dụng thuốc kháng sinh nhóm beta lactam để chống tình trạng viêm cầu thận.
  • Tình trạng phù nề: Thai phụ sẽ được điều trị theo từng nguyên nhân gây phù. Ví dụ mẹ bị ứ natri ở máu, hãy hạn chế việc nạp natri clorua vào cơ thể. Hoặc mẹ bị giảm protein máu thì cần nâng cao áp lực keo trong lòng mạch bằng cách truyền đạm vào cơ thể.

Bên cạnh đó, thai phụ cần được bổ sung thêm các dưỡng chất như acid folic, magie B6,…. Nếu nhiễm độc thai nghén trong khi chuyển dạ, các bác sĩ cần đánh giá tình trạng nhiễm bệnh để thực hiện các biện pháp nội khoa và sản khoa thích hợp.

4. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm độc thai nghén

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, thai phụ cần lưu ý những điểm sau:

  • Cần điều trị ngay các bệnh lý liên quan như cao huyết áp, tiểu đường,… trước khi mang thai để ngăn ngừa các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
  • Thực hiện khám tiền sản trước khi mang thai.
  • Trong quá trình mang thai cần thực hiện khám định kỳ để phát hiện sớm các bất thường của thai nhi. 
  • Ăn uống đủ các nhóm chất như vitamin, acid folic, viên sắt,… tuỳ theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

5. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ khi nhiễm độc thai nghén

 

Chế độ dinh dưỡng khi nhiễm độc thai nghén
Chế độ dinh dưỡng dành cho mẹ bầu bị nôn nặng

Vậy nếu bị nghén nặng, mẹ nên ăn như thế nào? Mẹ có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng dưới đây của BiBo Mart nhé: 

  • Mẹ hãy ăn đủ từ 2200-2500 calo mỗi ngày.
  • Ưu tiên các protein thực vật như các loại đậu đỗ (đậu nành, đậu xanh…)
  • Mẹ nên ăn ít mỡ và ưu tiên dùng dầu từ cá, đậu tương. Ngoài ra không nên ăn thức ăn nhiều cholesterol như óc, lòng, tim gan, phủ tạng,..
  • Bổ sung các vitamin như C, E, A có nhiều trong rau (súp lơ, ớt chuông…), quả chín (cam, ổi…), giá đỗ, đậu đỗ. 
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh bị nôn.
  • Uống đủ 2l nước mỗi ngày
  • Bổ sung thêm acid folic, magie, B6…, đảm bảo đủ dưỡng chất cho thai nhi phát triển bình thường, toàn diện.

Trên đây là chế độ dinh dưỡng dành cho mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén. BiBo Mart hy vọng với những thông tin trên, mẹ bầu có thể duy trì được chế độ ăn tốt nhất, giảm thiểu được tối đa các triệu chứng nếu không may mắc phải bệnh lý này. Chúc mẹ có một hành trình mang thai khỏe mạnh!