Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ (phần 1)

Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là tình trạng dị ứng thức ăn thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi trẻ bị tình trạng này, ba mẹ dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như viêm tiểu phế quản, tiêu chảy, nôn…, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe của trẻ. Ba mẹ hãy cùng bác sĩ Bibo Mart tìm hiểu ngay về vấn đề này nhé!

 

1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?

Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần đạm trong sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò. Tình trạng dị ứng thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi trẻ sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa. Dị ứng đạm sữa bò thường sẽ chấm dứt trước khi trẻ lên 3 tuổi.

 

Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ thường chấm dứt trước khi trẻ lên 3 tuổi

 

2. Nguyên nhân gây ra dị ứng đạm sữa bò ở trẻ

Do hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại cho cơ thể, nên tự động sản xuất ra các kháng thể để trung hòa các protein (chất gây dị ứng) có trong sữa bò. Có 2 loại protein chính trong sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng:

  • Casein: có trong phần rắn của sữa đông vón lại
  • Whey: có trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại

Ở những lần tiếp xúc với đạm sữa bò tiếp theo, kháng thể trong cơ thể trẻ nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác. Từ đó dẫn tới một loạt các biểu hiện ở trẻ như: chảy nước mũi, ngứa mắt, khô họng, nổi mề đay phát ban, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí sốc phản vệ…

 

3. Cách nhận biết trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

 

 

Để nhận biết chính xác dị ứng đạm sữa bò khá khó khăn vì các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ uống sữa (trong vòng 2 giờ) gọi là phản ứng dị ứng nhanh. Hoặc các triệu chứng xuất hiện muộn hơn (trên 48 giờ), được gọi là phản ứng dị ứng chậm.

 

Nhìn chung, trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể sẽ có một số biểu hiện trong những tuần đầu tiên ngay khi tiếp xúc với đạm sữa bò như:

  • Viêm da cơ địa
  • Sưng môi và mi mắt
  • Nổi mề đay, phát ban (không liên quan đến nhiễm trùng cấp, thuốc hay nguyên nhân khác).
  • Sổ mũi, khò khè, ho kéo dài (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng hoặc dị ứng thời tiết).
  • Trẻ thường hay buồn nôn, nôn.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón, chướng bụng. Có thể đi ngoài phân lỏng, có máu trong phân.
  • Mệt mỏi kéo dài, hay đau bụng.

Khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng sữa bò, ba mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để nhận được sự hỗ trợ kịp thời của bác sĩ.

 

4. Phòng tránh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ

 

 

Cách để phòng ngừa dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị dị ứng thức ăn. Nếu chẳng may gia đình không có lựa chọn hoặc không có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ, và trẻ cũng thuộc nhóm có cơ địa dị ứng thì cha mẹ nên sử dụng sữa công thức đạm thủy phân tích cực (như Aptamil Lactose Free, NAN AL110…) để hạn chế tối đa khả năng gây dị ứng cho trẻ.

 

Chúc các bé luôn khỏe mạnh và bình an!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare

Chỉ mục