Để sau này con thông minh và phát triển toàn diện, ba mẹ nên hỗ trợ kích thích trí não trẻ phát triển ngay từ thưở bé. Không cần thiết bị hay dụng cụ đặc biệt nào, chỉ cần để ý những điều đơn giản sau đây!
Vì sao cha mẹ nên cố gắng kích thích não trẻ từ khi còn bé ?
Cha mẹ cần cố gắng để thúc đẩy sự phát triển trí não của trẻ thông qua rèn luyện kỹ năng cầm nắm vì những lý do sau đây:
- Cha mẹ cho trẻ tham gia vào các trò chơi phù hợp sẽ kích thích sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Cha mẹ có thể sử dụng những hoạt động này như một công cụ đơn giản để ghi nhận sự tiến bộ của trẻ.
- Cho phép cha mẹ có được hiểu biết cơ bản về quá trình phát triển để tương tác và chơi một cách đơn giản và phù hợp đối với trẻ sơ sinh.
- Vì đây là cách làm đơn giản, không tốn nhiều chi phí nhưng đem lại hiệu quả thúc đẩy sự phát triển về thể chất và nhận thức của trẻ.
Điều quan trọng cha mẹ cần hiểu chính là quan sát những cột mốc phát triển kỹ năng cầm nắm để có thể kích thích sự phát triển trí não của trẻ.
Kích thích não bộ ở trẻ theo từng tháng tuổi như thế nào ?
1 tháng tuổi
Khi mẹ dành thời gian bên bé, hãy tiếp xúc thật gần con. Trẻ sơ sinh nhìn mọi thứ tốt nhất trong khoảng 24 – 45cm. Đặc biệt những tháng đầu bé thích nhìn vào khuôn mặt. Vì thế, khi ru con ngủ, mẹ có thể áp sát mặt với con để bé nhìn thấy mẹ và dễ ngủ hơn.
2 tháng tuổi
Hãy giúp con phát triển cử động tay chân và tầm nhìn bằng cách vỗ tay và hát cho con nghe. Đầu tiên bé sẽ cố bắt chước cử động và giọng nói của mẹ và sau đó là biểu cảm để học theo.
3 tháng tuổi
Con bắt đầu chơi với những ngón tay. Mẹ hãy khuyến khích bé bằng cách giơ đồ chơi nhiều màu sắc trước mặt con. Bé sẽ học cả cách nâng đầu để hưởng ứng. Mẹ cũng có thể đưa cho con gương nhỏ và đủ an toàn, bé sẽ cố ngẩng đầu lên để nhìn được khuôn mặt trong gương.
4 tháng tuổi
Kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp xã hội ở bé phát triển nhất vào giai đoạn này. Bé thể hiện cảm xúc bằng những tiếng bi bô khi nhận được đồ chơi bé thích, và cáu gắt khi bị lấy đi chúng. Và đoán xem? Bé bắt đầu có máu buồn rồi đấy. Khi bị cù con sẽ có phản ứng lại, bắt đầu từ tháng thứ tư.
5 tháng tuổi
Thính giác và thị giác ở trẻ phát triển như ở người lớn. Khi con bập bẹ học nói, mẹ hãy nhắc lại theo con đê khuyến khích bé. Hãy đọc sách cho con nghe và chỉ vào đồ vật mỗi lần bạn gọi tên nó cho con hiểu.
6 tháng tuổi
Chẳng bao lâu bé sẽ học cách ngồi dậy và di chuyển xung quanh. Mẹ hãy để bé di chuyển những khoảng ngắn sau đó khuyến khích con bằng cách để đồ chơi xa tầm với của bé một chút để con lấy. Ở tuổi này, trẻ vẫn hay bỏ mọi thứ vào miệng, mẹ hãy đảm bảo rằng đồ chơi ít nhất phải to hơn lõi cuộn giấy vệ sinh và chắc chắn rằng ngôi nhà được bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ.
7 tháng tuổi
Kĩ năng cử động của bé phát triển hơn ở giai đoạn này. Giúp con học điều đó nhanh hơn bằng cách đặt đồ chơi nhỏ và an toàn để con nhặt lên. Thìa nhựa hay cốc nhỏ là những gợi ý không tồi cho mẹ.
8 tháng tuổi
Đây là thời điểm tốt nhất để bé học cách sử dụng từ ngữ. Đặt câu hỏi cho bé, kiểu như “ mũi của con đâu nhỉ? “ và chỉ vào mũi mình. Khi bạn lặp lại trò chơi này, chỉ thêm các bộ phận cơ thể khác và dạy con học thêm từ.
9 tháng tuổi
Độ tuổi này những đồ chơi góc cạnh hình thù dễ thu hút sự chú ý với bé. Nhìn cách con thích thú chơi với những quyển sách, hộp hay cửa tủ là có thể nhận ra điều đó. Khi con đóng – mở hộp hay cánh cửa cũng là lúc cử động mắt kết hợp tay chân của bé được phát triển.
10 tháng tuổi
Con thích tìm kiếm. Trò chơi trốn tìm với bé ở tuổi này có thể giúp phát triển kĩ năng vận động và cho bé hiểu được rằng “ mọi thứ không hẳn là mất đi kể cả khi con không nhìn thấy nó”. Mẹ hãy giấu một vật màu sắc dưới cái khăn hoặc trong lớp cát để ở hộp. Sau đó đặt tay bé lên khăn hoặc hộp đó để con tìm ra được vật đã giấu đi. Dần dần con sẽ có thể tự tìm mà không cần sự giúp đỡ của mẹ nữa.
11 tháng tuổi
Tiếp tục phát triển kĩ năng ngôn ngữ cho bé qua các trò chơi và bài hát. Kĩ năng này phát triển qua sự tương tác với mọi người chứ không phải qua băng đĩa hay ti vi, bởi thế hãy nói chuyện với con nhiều nhất có thể.Hãy nói cho con biết việc bạn đang làm, đặt câu hỏi và trong lúc đó đừng quên sử dụng các tông giọng khác nhau và cử chỉ để biểu đạt. Con sẽ quan sát và học hỏi.
1 năm tuổi trở lên
Một số trẻ nói sớm, một vài bé khác lại có thể bò được sớm. Mỗi bé có tốc độ phát triển riêng, đó không phải là dấu hiệu của bệnh lý. Mẹ hãy thư giãn và tận hưởng thời gian bên bé nhé!