Đối với em bé, sữa mẹ luôn là nguồn cung cấp tuyệt vời nhất sau khi sinh. Nguồn dưỡng chất này được hình thành ngay từ thời gian đầu mẹ mang thai và phát triển dần khi bé yêu ra đời. Thế nhưng sữa mẹ được sản xuất như thế nào? Mẹ có từng thắc mắc cơ chế sản xuất sữa của cơ thể mình hay chưa? Cùng chuyên gia Bibo Care tìm hiểu trong bài viết sau!
1. Thời gian sản xuất sữa mẹ
Khi mang thai, ngực của người mẹ đã sẵn sàng ngay để sản xuất sữa. Sữa non được cơ thể mẹ sản xuất từ tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ tới sau khi trẻ ra đời khoảng 2 – 4 ngày. Sữa này có màu vàng nhạt, đặc dính, rất giàu dưỡng chất và kháng thể cho cơ thể bé. Trẻ cần được bú sữa non trong những ngày đầu đời, đặc biệt trong 01 giờ đầu sau sinh. Như vậy, sữa mẹ đã có sẵn trong bầu ngực ngay sau khi trẻ sinh ra.
Sau khi bé ra đời, nhau thai đã bong, cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất nhiều sữa hơn. Sau khoảng 5 – 14 ngày từ khi bé ra đời, cơ thể mẹ sản xuất sữa chuyển tiếp. Từ ngày thứ 14 trở đi, lượng sữa cơ thể mẹ tiết ra sẽ tiếp tục tăng. Sữa đổi màu trắng và loãng hơn, gọi là sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm 2 bầu vú bà mẹ đầy, căng cứng. Người ta gọi là hiện tượng “xuống sữa”.
Sữa đầu bữa:
Đây là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu hơi xanh, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác.
Sữa cuối bữa:
Là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn. Vì vậy điều quan trọng là cần để trẻ bú đến hết sữa cuối, không để trẻ nhả vú sớm hay chuyển bên sớm quá.
2. Sữa mẹ được sản xuất như thế nào?
Quá trình sản xuất sữa mẹ chịu sự tác động của 4 hormone chính là estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin. Sữa mẹ được hình thành khi cơ thể mẹ tự điều chỉnh hàm lượng các hormone này để sinh sữa. Cụ thể là:
Estrogen và Progesterone giúp bầu vú phát triển
Hai loại hormone này được giải phóng bởi nhau thai trong quá trình mang thai. Estrogen có chức năng làm tăng kích thước sẵn sàng cho việc sản xuất sữa và số lượng ống dẫn sữa. Còn progesterone giúp phát triển nang và thùy tuyến sữa. Estrogen và progesterone hàm lượng cao sẽ ức chế sản xuất sữa khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ.
Khi em bé chào đời, nhau thai đã bong. Hàm lượng các hormone này tự động giảm xuống, báo cho cơ thể biết đã đến thời điểm tạo sữa. Cũng vì vậy, người mẹ cho con bú không nên dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen để tránh làm giảm lượng sữa mẹ.
Prolactin giúp sản xuất sữa
Khi trẻ mút vú sẽ kích thích bài tiết Porlactin. Prolactin đi vào máu, đến vú và làm cho vú sản xuất sữa. Phần lớn Prolactin ở trong máu khoảng 30 phút sau bữa bú và giúp tạo sữa cho bữa bú tiếp theo. Điều này cho thấy rằng nếu trẻ bú nhiều, vú mẹ càng tạo nhiều sữa. Prolactin được sản xuất nhiều vào ban đêm.
Oxytocin giải phóng sữa khỏi bầu ngực
Hormone oxytocin được giải phóng khi em bé bắt đầu kéo núm vú và mút. Oxytocin làm co bóp các cơ quanh nang, đẩy sữa khỏi nang đi vào các ống sữa, di chuyển tới núm vú và chảy vào miệng bé. Quá trình này được gọi là phản xạ phun sữa. Nếu phản xạ Oxytocin không làm việc tốt thì trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nhận sữa, mặc dù vú vẫn sản xuất sữa nhưng lại không tống sữa ra.
Ngoài tác dụng giải phóng sữa khỏi bầu ngực, Oxytocin còn giúp làm co cơ tử cung trong và sau khi sinh. Từ đó giúp tử cong thu nhỏ về kích thước ban đầu và hạn chế xuất huyết sau sinh. Prolactin và Oxytocin còn góp phần khiến người mẹ luôn khao khát được ở bên chăm sóc con.
Chất ức chế tiết sữa
Trong sữa mẹ có một yếu tố phụ được gọi là chất ức chế tạo sữa. Khi một lượng lớn sữa đọng lại trong vú, chất ức chế sẽ tiết ra làm cho vú ngừng tạo sữa. Vì vậy muốn vú tạo nhiều sữa thì phải tạo cho vú luôn rỗng bằng cách cho trẻ bú thường xuyên hoặc vắt sữa ra sạch.
3. Làm thế nào để mẹ có sữa cho bé bú?
Khi bé bú mẹ, kích thích từ hành động mút của bé giúp mẹ giải phóng nhiều hormone prolactin. Từ đó giúp cơ thể mẹ sản xuất nhiều sữa hơn. Cơ chế này giúp người mẹ luôn đủ sữa cho con vào cữ bú tiếp theo. Vì thế, nếu càng cho con bú đúng cách thường xuyên thì người mẹ sẽ càng có nhiều prolactin trong máu và càng sản xuất nhiều sữa hơn.
Theo các bác sĩ, phụ nữ nên cho con bú hoặc hút sữa trong vòng 1 giờ sau khi sinh. Cho bé bú cách mỗi 2,5 – 3 giờ một lần. Đồng thời, các bà mẹ cần có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn và ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ thì sẽ mang lại lượng sữa dồi dào cho bé.
Hy vọng bài viết trên đã giúp mẹ hiểu được cách cơ thể mình “vận hành” để sản sinh ra sữa. Mong rằng từ những chia sẻ trên, mẹ có thể tự tin trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ!
Nguồn: Bệnh viện Vinmec