Ho là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bé bị ho khiến mẹ không ngừng lo lắng và bối rối vì không biết cách để trị dứt điểm cơn ho cho con. Tuy nhiên, một số lưu ý dưới đây sẽ giúp mẹ “dễ thở” hơn khi điều trị ho cho trẻ. Hãy cùng Bibo Mart tìm hiểu xem đó là những lưu ý gì nhé!
1. Thận trọng khi dùng thuốc cắt cơn ho
– Bản chất ho là phản xạ để tống ra ngoài các chất tiết, dị vật, vi sinh vật. Do đó, ho cũng có thể coi như một cơ chế có lợi bảo vệ bộ máy hô hấp. Việc điều trị ho cần thận trọng để khỏi bệnh mà không làm mất phản xạ họ tự nhiên của cơ thế.
Bố mẹ không nên vội vã sử dụng các thuốc tân dược ức chế trung tâm ho thần kinh trung ương cho trẻ. Vì đối với trẻ dưới 2 tuổi, trung tâm hô hấp ở não bộ rất nhạy cảm. Nếu sử dụng thuốc ức chế ho mạnh có thể gây ức chế trung tâm này, khiến bé ngưng thở. Để an toàn, cha mẹ nên xem kỹ hướng dẫn sử dụng và thận trọng với 1 số thành phần sau:
– Dextromethorphan: Tác dụng trung tâm phản ứng ho ở não, làm mất phản xạ ho. Chất này gây phản ứng phụ là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, tăng nhịp tim, gây khó thở, da đỏ bừng. Tại Việt Nam vẫn có nhiều loại siro ho sử dụng thành phần này để cắt cơn ho nhanh. Tuy nhiên, nó sẽ nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Do đó, các mẹ nên lưu ý không cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng.
– Chlorpheniramine: Có tác dụng trị các phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, thành phần này gây buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt. Đồng thời khiến tinh thần trẻ hoảng hốt, mất ngủ. Trẻ cũng sẽ bị khô miệng, rối loạn thị giác và khó tiểu.
– Guaifenesin: Có tác dụng làm giảm ho bằng cách làm loãng các chất nhờn, đờm, làm giảm tình trạng ứ đọng đờm gây cản trở đường hô hấp. Các tác dụng không mong muốn của Guaifenesin có thể gặp là buồn nôn. Có rất nhiều thuốc dạng siro trị cảm ho cho trẻ có chứa guaifenesin. Cho nên dùng nhiều loại thuốc trị cảm ho cùng lúc sẽ dẫn đến quá liều.
2. Thận trọng về thời gian dùng thuốc
Thông thường, thuốc cần sử dụng theo lộ trình 1-2 tuần để điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, sau 2-3 ngày, các triệu chứng thuyên giảm, không ít phụ huynh lại xao lãng. Hoặc thậm chí cho con ngừng thuốc.
Ngưng thuốc giữa chừng khó điều trị dứt điểm cơn ho. Đặc biệt là những toa thuốc có kháng sinh. Nếu điều trị không đúng phác đồ dễ gây ra tình trạng kháng thuốc. Những lần bệnh sau, loại kháng sinh này thường không còn tác dụng do vi khuẩn kháng thuốc. Vì vậy, mẹ lưu ý sử dụng đúng lộ trình theo hướng dẫn.
3. Thận trọng khi chăm sóc bé bị ho
Khi bé bị ho, nhiều mẹ nghĩ do trẻ lạnh nên mặc cho con 3-4 lớp áo và giữ bé trong phòng kín. Mẹ cần tuyệt đối tránh việc này, đặc biệt nếu con ho kèm sốt. Mẹ nên giúp bé mặc đồ thoáng mát để nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh. Đồng thời mở cửa sổ thông thoáng để trao đổi không khí. Không ít trẻ ho sau 1-2 ngày mới bị sốt. Tuy nhiên, nếu ủ ấm bé quá kĩ, mẹ có thể sẽ không phát hiện thấy triệu chứng sốt hay dấu hiệu khó thở.
Xem thêm: 5 hiểu lầm tai hại của mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh
4. Lưu ý về sử dụng thực phẩm cho bé
Theo dân gian, bé bị ho cần phải kiêng nhiều thực phẩm như tôm, cua, thịt gà, rau cải… Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, chưa có chứng cứ khoa học chứng minh các thực phẩm này khiến trẻ ho nặng hơn. Trẻ ho thường biếng ăn nên việc kiêng các thực phẩm giàu dinh dưỡng trong thời gian này càng sai lầm. Cơ thể thiếu chất có thể khiến bé mất sức đề kháng và ốm nặng hơn.
Lúc này mẹ cần cho bé ăn đủ chất, ăn đồ loãng, nhiều nước để bổ sung chất điện giải.
Trên đây là 4 lưu ý mẹ nên thận trong khi chăm sóc bé bị ho. Hi vọng với những chia sẻ trên, mẹ sẽ có thêm kiến thức để phòng ngừa và chữa trị bệnh ho ở trẻ.
Theo SiroHoProspan.VietNam