Thiểu sản men răng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng của trẻ. Vậy tình trạng này là gì và nên điều trị cho con như thế nào? Ba mẹ hãy cùng Bibo Mart tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu thiểu sản men răng là gì?
Thiểu sản men răng là một loại khiếm khuyết khi không được hình thành đủ cấu trúc men răng. Từ đó khiến men răng mỏng, yếu, dễ vỡ và làm lộ lớp ngà răng bên dưới. Điều này làm giảm chức năng ăn nhai của răng, gây tê buốt khi ăn và dễ gây sâu răng. Bên cạnh đó, tình trạng này còn ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, khiến trẻ mất tự tin. Cụ thể là bề mặt răng sẽ xuất hiện các đốm trắng đục chuyển màu vàng hoặc răng bị lốm đốm đen.
Thiếu sản men răng có thể gây ảnh hưởng đến cả răng sữa và răng vĩnh viễn của trẻ em. Bởi tình trạng này thường xảy ra ở những răng đang trong quá trình phát triển (răng sữa). Nếu trẻ không được điều trị sớm, răng vĩnh viễn của trẻ sau khi mọc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
>> Mẹ tham khảo thêm: Chăm sóc răng miệng cho bé những năm đầu đời
Triệu chứng thiểu sản men răng ở trẻ
– Trẻ bắt đầu xuất hiện các rãnh hoặc vết lõm trên bề mặt men răng và đốm trắng trên răng.
– Bề mặt răng bị đổi màu, có thể có những vết ố màu vàng nâu hoặc đen. Những vết này nằm rải rác trên bề mặt răng.
– Phần chân răng bị mòn sát tới nướu có thể làm tụt nướu, khiến trẻ dễ bị sâu răng.
– Răng sữa của trẻ bị mủn và dần cụt về phía gần chân răng, dẫn đến dễ gãy răng.
– Lớp ngà răng bên dưới bị lộ ra khiến răng nhạy cảm hơn với nhiệt và axit từ đồ ăn, thức uống. Tình trạng ê buốt sẽ tăng dần theo mức độ của tình trạng thiểu sản men răng. Lúc này trẻ thường cảm thấy đau, ê buốt khi ăn uống đồ nóng, lạnh hoặc có tính axit.
Nếu con có các triệu chứng trên, ba mẹ nên đưa con đến nha khoa để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân trẻ bị thiểu sản men răng
Trẻ có thể bị thiểu sản men răng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có các nguyên nhân thường gặp nhất như:
Do di truyền
Gen di truyền trong gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ thường gặp. Nếu ba mẹ hoặc người trong gia đình bị thiểu sản men răng thì trẻ sẽ có tỉ lệ cao mắc phải tình trạng này.
Sức khỏe của mẹ khi mang thai
Nguyên nhân phổ biến nhất là do mẹ hút thuốc lá, sử dụng ma túy,… Bên cạnh đó là chế độ dinh dưỡng của mẹ thiếu chất, không được bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và flour.
Ngoài ra, trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân cũng có thể gặp phải tình trạng thiểu sản men răng.
Do dư thừa Fluor
Trên thực tế, Fluor có tác dụng bảo vệ răng khỏi vi khuẩn, phòng ngừa sâu răng và tái khoáng men răng. Tuy nhiên nếu dư thừa Fluor sẽ gây hủy hoại men răng và dẫn đến thiểu sản men răng.
Do chế độ dinh dưỡng hàng ngày
Chế độ ăn hàng ngày của trẻ không đa dạng, thiếu hụt các vitamin cần thiết như A, C, D,… Ngoài ra, trẻ tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường, tinh bột, axit,… trong thời gian dài gây ra mòn men răng. Đồng thời làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất men răng ở trẻ.
Thói quen vệ sinh răng miệng
Trẻ chưa có thói quen vệ sinh răng miệng đúng. Ví dụ như đánh răng sai cách làm mòn men răng, đánh răng dưới 2 lần/ ngày, không đánh răng trước khi đi ngủ…
Cách phòng ngừa và điều trị thiểu sản men răng
Mục tiêu phòng ngừa và điều trị hướng đến bảo toàn cấu trúc răng cho trẻ, duy trì chức năng ăn nhai và đảm bảo tính thẩm mỹ.
Cách điều trị
Tốt nhất, con nên được thăm khám và điều trị tại nha khoa để khắc phục tình trạng, giảm thiểu rủi ro. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm bổ sung Fluor toàn thân hoặc tại chỗ:
- Bổ sung Fluor toàn thân: trẻ sử dụng thuốc uống (dạng viên, dạng giọt,…) theo đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ.
- Bổ sung Fluor tại chỗ: sử dụng thuốc flour bôi lên bề mặt răng của trẻ. Kết hợp cùng kem đánh răng và nước súc miệng chứa flour tỉ lệ 0.05% để dùng hàng ngày. Ba mẹ và bé cũng nên thực hiện phương pháp này theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trám răng: đây là một phương pháp an toàn giúp bù đắp những vùng men răng bị thiếu. Phương pháp này có thể áp dụng đối với trẻ có tình trạng thiểu sản men răng mức độ nhẹ.
- Bọc răng sứ: phương pháp này được áp dụng trong trường hợp nặng. Nó mang lại hiệu quả lâu dài trong việc bảo vệ men răng khỏi tác động bên ngoài.
Lưu ý: Không thực hiện nhiều phương pháp bổ sung Fluor trong cùng một thời điểm vì có thể dẫn đến ngộ độc.
>> Tham khảo thêm: Bí kíp chống sâu răng cho bé cực dễ, an toàn và hiệu quả
Cách phòng ngừa
Các biện pháp sau sẽ rất hữu hiệu trong việc phòng tránh tình trạng thiểu sản men răng ở trẻ:
– Bổ sung các chất dinh dưỡng cho trẻ từ chế độ ăn uống lành mạnh. Tránh các thực phẩm quá nóng/ quá lạnh và có tính axit cao (nước ngọt, nước ép trái cây,..). Nếu uống thì nên sử dụng ống hút để tránh nước tiếp xúc trực tiếp với răng của trẻ.
– Mẹ bầu trong thai kỳ cần được bổ sung đầy đủ các vi chất như canxi, vitamin A,C, D,… Đặc biệt nên tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
– Hướng dẫn trẻ đánh răng 2 lần/ ngày (khi ngủ dậy buổi sáng và trước khi đi ngủ buổi tối). Không nên đánh răng quá mạnh, quá nhanh mà cần đánh răng đúng cách với bàn chải lông mềm.
– Cần thay bàn chải đánh răng cho trẻ thường xuyên (khoảng 3 tháng /lần).
– Ba mẹ nên cho con khám răng định kỳ 6 tháng/lần tại bệnh viện, nha khoa uy tín. Việc này giúp phát hiện sớm các bệnh lý về răng miệng ở trẻ (nếu có) và can thiệp kịp thời.
Mong rằng bài viết trên đã giúp ba mẹ có câu trả lời về tình trạng thiểu sản men răng ở trẻ. Đây là một bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên vẫn có thể cải thiện và phòng ngừa khi được chăm sóc đúng cách. Bibo Mart hy vọng bé yêu sẽ luôn có tình trạng sức khỏe răng miệng tốt nhất!