Tiêm phòng trước khi mang thai là việc làm cần thiết vì trong thai kỳ, sức đề kháng của mẹ bầu giảm làm tăng nguy cơ mắc bệnh, gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi. Với những phụ nữ mang thai lần đầu chưa có kinh nghiệm, vấn đề này có thể làm bạn bối rối. Bạn không biết cần tiêm những vaccine gì, tiêm vào khi nào? Đừng lo lắng, hãy cùng chuyên gia Bibo Mart tìm hiểu ngay nhé!
1. Phụ nữ nên tiêm phòng những vaccine nào trước khi mang thai
Có 5 loại vaccine được khuyến cáo phụ nữ nên tiêm trước khi mang thai, bao gồm:
1.1. Vaccin phòng sởi – quai bị – rubella
Trước khi có kế hoạch mang thai từ 3 tháng trở lên, phụ nữ nên tiêm vaccine sởi – quai bị – rubella để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh trong thời gian thai kỳ. Đây là những căn bệnh ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của thai nhi, có thể gây chết lưu hoặc sinh non. Em bé sinh ra có nguy cơ dị tật rất cao.
Mũi vaccine thứ nhất tiêm vào thời điểm bác sĩ chỉ định. Mũi thứ 2 tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng và trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
1. 2. Vaccine cúm
Cúm là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Nếu chẳng may mẹ bầu bị cúm trong ba tháng đầu, trẻ có nguy cơ cao bị một số dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, sinh non… Tỷ lệ mẹ bầu mắc cúm sẽ giảm đi đáng kể (khoảng 70%) khi được tiêm phòng trước. Thời gian hiệu lực của vaccine thường trong vòng 1 năm sau tiêm. Tốt nhất phụ nữ nên tiêm trước khi có thai 1 tháng.
1.3. Vaccine bạch hầu – ho gà – uốn ván
Đây là loại vaccine phối hợp, với 1 lần tiêm duy nhất.
- Bạch hầu và ho gà là những bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên khả năng mắc phải trong quá trình mang bầu là khá cao.
- Uốn ván có thể gặp nếu bạn chủ quan trước những vết thương, vì loại vi khuẩn này tồn tại rất bền vững trong môi trường tự nhiên như đất, nước…
Bạn có thể tiêm vaccine bạch hầu – ho gà – uốn ván trước hoặc trong thời gian mang thai. Tối ưu nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ.
1. 4. Vaccine thủy đậu
Nếu bạn chưa từng bị bệnh thủy đậu thì nên tiêm vaccine thủy đậu 3 tháng trước khi mang thai để chủ động bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Nếu đang mang thai thì thai phụ tuyệt đối không được tiêm vaccine này. Vaccine có hiệu quả phòng bệnh trung bình khoảng 15 năm.
1. 5. Vaccine viêm gan B
Tiêm phòng vaccine viêm gan B trước khi mang thai rất cần thiết, bởi đây là căn bệnh truyền nhiễm. Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con. Nếu thai nhi không may mắc phải sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cũng như tương lai của trẻ.
Liều tiêm phòng viêm gan B gồm 3 mũi tiêm, do đó bạn cần sắp xếp lịch tiêm phù hợp trước khi mang thai:
- Mũi 1 trước khi có thai 7 tháng
- Mũi 2 cách mũi 1 một tháng
- Mũi 3 cách mũi 1 sáu tháng
Nếu từng tiêm phòng vaccine viêm gan B, bạn nên xét nghiệm kiểm tra kháng thể xem có cần thiết phải tiêm nhắc lại hay không.
2. Không tiêm phòng trước khi mang thai có sao không?
Tiêm phòng là việc không bắt buộc nhưng nên làm trước khi mang thai
Tiêm phòng trước khi mang bầu là việc làm không bắt buộc. Tuy nhiên nếu không được tiêm phòng, chẳng may thai phụ mắc các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm kể trên thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của thai nhi. Bên cạnh đó, bé cũng không được nhận các kháng thể đặc hiệu truyền từ cơ thể mẹ sang để giảm nguy cơ mắc các bệnh này trong khoảng thời gian chưa đến độ tuổi tiêm vaccine.
3. Lỡ tiêm phòng thì biết mình mang thai, mẹ nên làm gì?
Đối với vaccine ngừa cúm và viêm gan B, bạn vẫn có thể tiêm bù trong thai kỳ nếu chưa kip hoàn thành việc tiêm chủng trước khi có thai. Nhưng với vaccine phòng thủy đậu, sởi – quai bị – rubella, bạn tuyệt đối không được tiêm nếu phát hiện đã có thai. Trong trường hợp đã lỡ tiêm các loại vaccine đó rồi phát hiện có thai (thời gian tiêm so với lúc bắt đầu mang thai dưới 1 tháng), bạn cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn, theo dõi và chăm sóc thai kỳ một cách tốt nhất.
4. Những điều bạn cần lưu ý khi tiêm phòng trước khi mang thai
- Bạn nên tiêm ở các bệnh viện, trung tâm uy tín được cấp phép gần nơi sinh sống.
- Trước khi tiêm phòng, bạn cần kiểm tra xem có đang mang thai không và miễn dịch đã có.
- Tuân thủ lịch tiêm định kì và các hướng dẫn của bác sĩ.
- Trước khi mang thai, việc tiêm phòng vaccine tương đối an toàn. Bạn có thể bị một vài triệu chứng với mức độ nhẹ như mệt mỏi, đau nơi tiêm… và các triệu chứng này sẽ biến mất một vài ngày mà không cần phải điều trị hay sử dụng thuốc. Trong một số trường hợp sau tiêm, nếu bạn có một số dấu hiệu bất thường như ngủ li bì, mệt mỏi nhiều, sốt cao không giảm… thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Hy vọng bài viết giải đáp về vấn đề tiêm phòng trước khi mang thai của chuyên gia Bibo Mart sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để chuẩn bị sẵn sàng cho một hành trình 40 tuần kỳ diệu của mình và bé. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và sẽ có một thai kỳ thật hạnh phúc, an toàn!
Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare
Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare