Chưa có năng lực biểu đạt ngôn ngữ, gào khóc chính là phương thức quan trọng để trẻ sơ sinh biểu lộ tình cảm, phản ứng với thế giới kích thích bên ngoài. Thông qua nét mặt, độ cao thấp, khỏe yếu của tiếng khóc, mức độ khua chân tay của trẻ, mẹ có thể phân biệt nhu cầu của con.
Hiểu con qua từng tiếng khóc là mong muốn của tất cả các bà mẹ. Theo chuyên gia Prospan, trẻ khóc có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thường được chia thành 3 loại: nhu cầu sinh lý, phản ứng tâm lý và trạng thái bệnh. Nếu bé khóc do nhu cầu sinh lý hoặc tâm lý, mẹ có thể không cần quá lo, bởi đây là tình trạng bình thường. Nếu nguyên nhân do bệnh lý, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện kiểm tra ngay.
1. Tiếng khóc sinh lý
Khóc do sinh lý thường do những nguyên nhân sau: tã bẩn hoặc ướt, bé đói bụng, buồn ngủ, cảm giác không thoải mái khi tiếp xúc với môi trường mới, không gian ồn ào, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh…
Những tiếng khóc vì nhu cầu sinh lý này rất dễ giải quyết. Chỉ cần mẹ chú ý tìm hiểu nguyên nhân thực tế và đáp ứng chính xác nhu cầu của bé, bé sẽ nhanh chóng nín khóc.
2. Tiếng khóc do tâm lý
Rất dễ để mẹ nhận ra tiếng khóc do tâm lý. Khi trẻ khóc, mẹ hãy để ý xem bé có đang nhìn mình chằm chằm, đưa tay đòi bế hay âu yếm? Đó là những dấu hiệu cho thấy bé cưng chỉ đang khóc vì muốn được mẹ để ý.
Với những trường hợp này, mẹ chỉ cần trêu đùa, “nịnh đầm” con một chút là sẽ hóa giải được ngay. Khi được mẹ ôm ấp, âu yếm, bé sẽ có cảm giác thõa mãn và vui vẻ. Chính vì vậy, các chuyên gia thường xuyên khuyến khích ba mẹ ôm ấp trẻ nhiều hơn, nhất là trong khoảng thời gian 2 năm đầu đời. Điều này sẽ giúp con cảm nhận được tình yêu của bố mẹ nhiều hơn.
3. Tiếng khóc bệnh lý
Đi kèm với tiếng khóc, mẹ có thể nhận thấy một số biểu hiện khác như: nắm tay chân, ủ rũ, bất an, ôm thế nào cũng không nín… Hơn nữa, tiếng khóc của trẻ lúc này thường sẽ sắc và chói tai hơn bình thường.
MÁCH MẸ CÁCH DỖ BÉ YÊU NÍN KHÓC
1. Tùy theo nguyên nhân
Với những trường hợp bé khóc do nhu cầu sinh lý, tâm lý, đầu tiên mẹ phải xác định được nguyên nhân, sau đó mới tìm cách thích hợp để dỗ bé. Nếu bé khóc vì nguyên nhân này nhưng mẹ lại giải quyết vấn đề khác, bé cưng sẽ không chịu nín khóc đâu mẹ nhé!
2. Di chuyển sự chú ý
Chuyển dịch sự chú ý của trẻ cũng là một trong những cách cắt cơn khóc của bé hiệu quả. Âm thanh phát ra từ những món đồ chơi có thể thu hút sự chú ý của trẻ, giúp trẻ bình tĩnh. Một chiếc gương soi cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự. Khi nhìn thấy mình trong gương, vì hiếu kỳ và cảm thấy hứng thú, bé cũng sẽ im lặng.
3. Massage cho bé
Nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh được massage có vẻ ít khóc và ngủ ngon hơn so với những bé khác. Hơn nữa, thường xuyên tiếp xúc da với da cũng giúp mẹ và bé gắn kết với nhau hơn. Vì vậy, mẹ đừng bỏ qua bí quyết này nhé!
Massage cho trẻ sơ sinh rất đơn giản. Mẹ chỉ cần cởi quần áo của trẻ, vuốt ve chậm rãi khắp tay, chân, lưng, ngực và bụng trẻ. Đây cũng là cách hiệu quả để làm dịu tinh thần, giúp bé thoải mái hơn.
4. Địu bé
Đây là phương pháp dỗ dành được nhiều mẹ Việt Nam và các nước Châu Á sử dụng. Ở trong lòng mẹ, được mẹ ôm ấp, sưởi ấm sẽ giúp bé cảm thấy an toàn cũng như vui vẻ hơn. Trong một vài trường hợp, những cử động của mẹ trong lúc địu bé cũng có thể giúp ru ngủ.
Theo SiroHoProspan.VietNam