Trẻ sơ sinh bị chàm sữa: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

trẻ sơ sinh bị chàm sữa

Tình trạng trẻ sơ sinh bị chàm sữa khá phổ biến. Đây là một bệnh ngoài da lành tính, tuy nhiên vẫn có thể gây ra những biến chứng nếu không được chữa trị đúng cách. Để hiểu thêm về tình trạng này cũng như cách điều trị, ba mẹ hãy cùng Bibo Mart tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

 

Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là gì?

Chàm sữa ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là lác sữa. Đây là một dạng của bệnh chàm thể tạng, thường gặp ở trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi.

 

Dấu hiệu bé sơ sinh bị chàm sữa

Dấu hiệu của bệnh chàm sữa là khi trẻ xuất hiện các nốt mẩn đỏ, li ti tiến triển thành mụn nước. Những nốt chàm sữa này thường ở vùng mặt, hai má trẻ, có thể tập trung thành mảng lớn. Khi sờ vào vùng da nổi nốt sẽ thấy khô ráp, căng và đóng vảy, có dịch tiết chảy ra. Các dấu hiệu chàm sữa ở trẻ không chỉ ở trên vùng mặt mà có thể lan rộng đến tay, chân hoặc toàn thân.

 

trẻ sơ sinh bị chàm sữa
Dấu hiệu chàm sữa ở trẻ

>> Xem thêm: Cẩm nang chăm sóc mẹ và bé sau sinh

Các cấp độ chàm sữa ở trẻ

Bệnh chàm sữa ở trẻ được chia thành 3 cấp độ:

– Cấp độ cấp tính: Trong giai đoạn này, trên da của bé xuất hiện những mụn nước có chứa dịch. Những nốt mụn này có màu đỏ hồng và gây ngứa cho bé.

– Cấp độ mãn tính: Vùng da của bé sẽ bị tổn thương thành từng mảng dày, khô ráp, có hiện tượng tróc vảy và gây đau. Sau khi bị viêm, sắc tố da của bé có thể sẽ bị thay đổi.

– Cấp độ bán cấp: Tổn thương vùng da ở giai đoạn này là trung gian, chuyển tiếp giữa hai cấp độ trên. Những vùng da bị tổn thương có xu hướng lan rộng và xuất hiện mủ trên da.

 

trẻ sơ sinh bị chàm sữa
Có 3 cấp độ chàm sữa ba mẹ cần lưu ý

Nguyên nhân bé bị chàm sữa

Nguyên nhân chàm sữa trẻ sơ sinh hiện chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh chàm sữa ở trẻ có thể kể đến như:

  • Di truyền: ba mẹ của bé mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, dị ứng thời tiết,…
  • Do bé tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Ví dụ như lông vật nuôi, bụi nhà, bụi vải, khói thuốc, chất giặt tẩy…
  • Do bé sống trong khí hậu lạnh, nóng, khô thất thường.
  • Bé bị mất cân bằng độ ẩm da. Có thể do con được tắm quá nhiều lần, không được cấp ẩm hoặc cấp ẩm không đúng cách
  • Bé bị nhiễm các loại vi khuẩn và virus gây bệnh trên da.
bé sơ sinh bị chàm sữa
Cần xác định nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị đúng

Chàm sữa trẻ sơ sinh có tự hết không?

Bệnh lý ngoài da này có thể tự khỏi khi trẻ được 2 – 4 tuổi. Tuy nhiên khi xuất hiện những dấu hiệu bệnh, ba mẹ hãy hạn chế để trẻ tiếp xúc với các nguồn gây bệnh. Đồng thời, ba mẹ hãy cho con sử dụng các loại kem bôi điều trị, dưỡng ẩm theo chỉ định của bác sĩ.

>> Xem thêm: Chăm sóc da trẻ sơ sinh như thế nào?

Cách chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh bị chàm sữa

Ba mẹ hãy lưu ý những điều sau để chăm sóc, điều trị cũng như để phòng tránh con bị chàm sữa:

  • Dùng sữa tắm gội dành riêng cho trẻ sơ sinh để tắm cho con hàng ngày.
  • Lau và vệ sinh cho con bằng các loại khăn có chất liệu mềm mại, thấm hút tốt. Ví dụ như vải xô, 100% cotton, sợi tre,…
  • Sử dụng các loại giấy ướt lành tính, không chứa cồn hay hương liệu để vệ sinh cho con.
  • Cho con mặc quần áo thoáng mát, có thể thấm hút tốt và có chất liệu mềm mại như cotton, lụa, sợi tre,…
  • Dưỡng ẩm cho con bằng những sản phẩm dưỡng da lành tính dành riêng cho trẻ sơ sinh. Điều này không chỉ giúp làn da của con được giữ ẩm mà còn hỗ trợ ngăn ngừa, làm nhẹ tình trạng bệnh khi con bị chàm sữa.
bé sơ sinh bị chàm sữa
Dưỡng ẩm cho bé bằng các loại kem dưỡng lành tính
  • Sử dụng kem và thuốc trị chàm sữa cho bé theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Ba mẹ không tự ý bôi kem, thuốc hay chà xát lên vùng da bị thương của con.
  • Cắt và vệ sinh móng tay cho trẻ gọn gàng. Việc này giúp hạn chế việc trẻ gãi lên vùng da bị tổn thương.
  • Thường xuyên lau dọn nhà cửa, nội thất sạch sẽ, thoáng mát.
  • Thay chăn gối cho con thường xuyên (khoảng 2 – 3 lần/tuần hoặc khi chăn gối có dấu hiệu bẩn)
  • Hạn chế nuôi thú cưng trong nhà, nếu trẻ tiếp xúc với thú cưng thì ba mẹ hãy lau người, thay quần áo cho con sau khi chơi.

Nếu con quấy khóc nhiều, sốt, bỏ bú,… ba mẹ hãy đưa con đi khám bác sĩ để được điều trị đúng cách.

Qua bài viết trên, Bibo Mart hy vọng ba mẹ có thể hiểu thêm về tình trạng trẻ sơ sinh bị chàm sữa cũng như cách chăm sóc khi con yêu bị bệnh. Chúc bé yêu sớm khỏi bệnh và luôn khỏe mạnh!