Vợ đang mang thai, đây là những điều anh chồng nào cũng cần phải biết

Khi vợ mang thai, người chồng cũng sẽ phải chuẩn bị cho một vai trò mới – làm bố. Các ông chồng thường thắc mắc nên chăm sóc vợ bầu như thế nào để vợ và con an toàn, khỏe mạnh trong suốt thai kỳ. Trong bài viết dưới đây, chuyên gia Bibo Care sẽ giải đáp một số thắc mắc. Mời các ông bố đón đọc!

1. Tại sao phải luôn bên cạnh vợ mình khi cô ấy có thai?

Do ảnh hưởng của hormone và những biến đổi trong cuộc sống khi bắt đầu mang thai, phụ nữ có thai thường nhạy cảm, dễ tủi thân và hay lo nghĩ. Nếu có người quan tâm, lo lắng, chăm sóc, họ sẽ có khuynh hướng sống tích cực hơn. Từ đó bé sinh ra cũng khoẻ hơn; tỷ lệ sinh non, trẻ nhẹ cân thấp hơn.

Người đàn ông sẽ là trụ cột vững chắc để vợ bầu dựa vào. Bạn có thể tìm đọc những tài liệu mang thai hay đăng ký những khoá học tiền sản để đồng hành cùng vợ trong suốt thai kỳ. Điều này sẽ tạo ra sự gắn kết bền chặt giữa vợ chồng và cả em bé trong bụng.

Chăm sóc vợ bầu như thế nào?
Phụ nữ mang thai nếu được quan tâm, săn sóc sẽ có suy nghĩ tích cực hơn

2. Thai kỳ của cô ấy kéo dài trong bao lâu?

Một thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 40 tuần – tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Thông thường, người ta chia thai kỳ thành 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn khoảng chừng 3 tháng, gọi là các tam cá nguyệt. Ở mỗi giai đoạn, việc chăm sóc vợ bầu lại gồm những “nhiệm vụ” khác nhau dành cho các ông bố.

3. Những gì cần lưu ý trong 3 tháng đầu?

Trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ, bà mẹ có thai thường mệt mỏi do những biến đổi khác thường của cơ thể. Họ sẽ thèm ngủ, muốn nghỉ ngơi nhiều hơn. Đồng thời, cơn ốm nghén cũng sẽ hành hạ mẹ bầu, khiến vợ bạn không thể ăn uống gì nhiều. Giai đoạn này, họ cũng dễ thay đổi cảm xúc, buồn vui bất chợt và lo lắng cho em bé trong bụng.

Trong 3 tháng đầu, bạn nên thể hiện sự quan tâm của mình nhiều hơn; tạo cho vợ nhiều niềm vui bất ngờ và dành nhiều lời khen đến cô ấy. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị cùng vợ đi khám thai sản trong những tháng đầu tiên. Bạn cũng nên san sẻ bớt việc nhà với vợ như giặt quần áo, lau dọn nhà cửa,… Bạn cũng nên bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia,… trong suốt thời gian vợ mang thai.

 

4. Những gì cần lưu ý trong 3 tháng giữa thai kỳ?

Đây là khoảng thời gian vợ bầu khoẻ nhất trong suốt thời gian mang thai (khoảng tuần 14-27). Cả sức khỏe lẫn cảm xúc của mẹ bầu đều dần ổn định hơn. Đặc biệt, cô ấy có thể cảm nhận được cử động của bé.

Bạn có thể nhờ cô ấy cho mình “hưởng ké” cảm xúc tuyệt vời khi con cử động, chòi đạp trong bụng. Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu những khoá học về sinh nở, về chăm sóc trẻ sơ sinh… cùng cô ấy. Các ông bố cũng nên học cách nấu những món ăn ngon để bồi bổ cho mẹ và bé, đảm bảo thực đơn ăn uống đủ các nhóm dưỡng chất. Đồng thời khuyến khích và cùng vợ tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng như yoga, đi bộ để tăng cường sức khỏe.

Chăm sóc vợ bầu trong 3 tháng giữa thai kỳ
Trơng 3 tháng giữa thai kỳ, cả hai vợ chồng nên đăng kí học khóa học làm cha mẹ

5. Những gì cần lưu ý trong 3 tháng cuối thai kỳ?

Tam cá nguyệt thứ 3 sẽ là lúc bụng mẹ bầu “to vượt mặt”. Vợ bầu sẽ rất mệt mỏi, rất khó chịu và nặng nề. Cô ấy đi đứng chậm chạp; khó ngủ, thường xuyên tỉnh dậy vào ban đêm. Đây cũng là lúc bận rộn chuẩn bị cho sự chào đời của bé nên có thể cô ấy rất lo lắng.

Giai đoạn này, bạn cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng cho vợ. Bạn nên hoàn thành việc nhà để cô ấy có thêm thời gian nghỉ ngơi trong ngày. Giai đoạn này, bố cũng có thể giúp mẹ bầu dần chuẩn bị những món đồ cho bé như cũi, quần áo sơ sinh, sữa bột, bình sữa, khăn xô,… để chuẩn bị cho ngày sinh.

>>> Tham khảo: Danh sách đồ sơ sinh cho bé đầy đủ nhất

 

6. Tôi hút thuốc được không?

Khi bạn hút thuốc, khói thuốc lan rộng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến vợ bầu; gây ra nhiều tai hại về sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Nguy cơ bé nhẹ cân, nhiễm trùng hô hấp, tổn thương phổi, thậm chí đột tử do mẹ hít phải khói thuốc. Vì vậy, khi vợ mang thai, bạn nên học cách bỏ thuốc; hoặc chỉ hút ở những không gian thoáng đã được ngăn cách với nơi ở của mẹ bầu.

7. Khi vợ mang thai, hai vợ chồng có thể “gần gũi” được không?

Nhìn chung là có thể, tuy nhiên cần tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ theo dõi. Một số trường hợp cơ địa của vợ bầu yếu, việc quan hệ có thể dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng thai như ra huyết âm đạo, sinh non, sảy thai,… Nhiều mẹ bầu cũng có tâm lý e ngại, không thích quan hệ vì cơ thể nặng nề. Bạn cần hỏi và tôn trọng ý kiến của vợ bầu. Nếu có thể quan hệ, bạn cần hết sức từ tốn, nhẹ nhàng và chọn lựa tư thế thích hợp.

8. Tôi làm gì để chuẩn bị cho việc sinh nở của cô ấy?

  • Tìm hiểu các bệnh viện và thủ tục nhập viện. Bạn nên tìm hiểu trước về phòng sinh của vợ; bạn có thể ở đâu khi chăm sóc cô ấy, ăn uống thế nào; liệu bạn có thể chụp ảnh/quay phim khi cô ấy chuyển dạ hay mổ lấy thai; các dịch vụ chăm sóc, tiêm ngừa cho bé sơ sinh,…
  • Chuẩn bị đồ dùng đi sinh cùng với vợ. Điều này sẽ giúp bạn đỡ lóng ngóng khi vợ mới sinh và con mới chào đời. Có thể học cách gấp quần áo; cách phân loại khăn; cách lắp gường cũi cho bé,…
  • Tự chăm sóc bản thân. Quá trình đưa vợ bầu đi sinh cũng như chăm sóc vợ sau sinh đòi hỏi bạn phải có sức khỏe bền bỉ. Bạn nên chăm lo cho mình thật tốt; tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm; học cách rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc bé,…
Chăm sóc vợ bầu sau sinh
Bố cũng cần chuẩn bị kiến thức sẵn sàng khi vợ sắp sinh con

9. Khi vợ chuyển dạ – sinh thì tôi có thể làm gì?

  • Khi mới bắt đầu chuyển dạ: Hãy đưa cô ấy đi bộ quãng ngắn (nếu bác sĩ cho phép); nói chuyện, giúp cô ấy thư giãn.
  • Khi cô ấy đau nhiều: Bạn nên động viên, khuyến khích cô ấy. Giữa những cơn gò, nếu bạn được phép bên cạnh có thể xoa bóp nhẹ nhàng giúp vợ dễ chịu hơn.
  • Nếu cô ấy mổ lấy thai và bạn không thể có mặt trong cuộc mổ, cũng hãy trấn an mình rằng cô ấy được rất nhiều nhân viên y tế chăm sóc, lo lắng. Thông thường, sau mổ cô ấy cần thời gian hồi phục trong phòng hồi sức vài giờ. Còn bạn sẽ được gặp bé, trừ một số trường hợp bé cần săn sóc đặc biệt sau sinh.

10. Sau sinh thường/ sinh mổ bao lâu thì tôi có thể đưa vợ con về nhà?

Thời điểm có thể đưa vợ con bạn về nhà phụ thuộc vào khả năng hồi phục của vợ và tình trạng sức khỏe của bé. Nếu việc sinh nở thuận lợi, bạn có thể đưa vợ con về nhà sau 1-2 ngày nếu mẹ sinh thường; hoặc 4-5 ngày nếu mẹ sinh mổ.

11. Làm sao biết vợ tôi có bị trầm cảm sau sinh hay không?

Trầm cảm thường xuất hiện khoảng 1 tuần sau sinh. Để ý xem vợ bạn có những dấu hiệu trầm cảm sau đây hay không: buồn bã, lo lắng kéo dài; cảm thấy bản thân vô dụng; không tha thiết chăm sóc bé và bản thân cô ấy; ăn uống thay đổi; sợ phải một mình khi chăm sóc bé,… Nếu căng thẳng, lo âu kéo dài hơn 1 tuần, bạn nên cùng cô ấy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị.
trầm cảm sau sinh
Trầm cảm thường xuất hiện khoảng 1 tuần sau sinh

12. Khi vợ cho bé bú, tôi có thể giúp đỡ gì không?

Khi vợ cho con bú, bạn vẫn có thể hỗ trợ rất nhiều việc. Ví dụ như:
  • Bế bé sau khi bé bú xong
  • Vỗ nhẹ lưng hay ru bé sau khi em bé bú xong
  • Cho bé bú nếu mẹ vắt sữa ra bình
Việc chăm sóc vợ bầu tưởng là thử thách khó nhằn, nhưng cũng là cơ hội để các ông chồng thể hiện sự quan tâm đến vợ và con. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn trở thành một chỗ dựa vững chắc cho vợ bầu trong suốt thai kỳ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục