Bất cứ người mẹ nào cũng mong muốn con phát triển một cách bình thường và khỏe mạnh. Vậy trẻ như thế nào thì được coi là phát triển đúng chuẩn? Đây có lẽ là thắc mắc của đa số những người mới làm cha mẹ. Và dưới đây là những dấu hiệu chứng tỏ bé phát triển khỏe mạnh, ba mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Cân nặng
Trẻ sơ sinh sẽ sụt đi 7-10% cân nặng lúc bé mới sinh ra trong khoảng 3-5 ngày đầu tiên. Bé sẽ lấy lại được cân nặng này khi được 2 tuần tuổi và tăng thêm 600-900 gam trong tháng đầu tiên.
Chiều cao
Bé sơ sinh sẽ trải qua giai đoạn tăng vọt chiều cao khi được khoảng 2 tuần tuổi. Tháng đầu tiên bé sẽ tăng được tầm 2,5 cm.
Kích thước và hình dạng vòng đầu
Chu vi vòng đầu của bé sẽ tăng khoảng 1,3 cm trong tháng đầu tiên. Trên đầu bé sẽ có 2 khu vực sờ thấy rất mềm, gọi là “thóp”. Phần thóp phía sau đầu sẽ đóng lại khi bé 2-3 tháng tuổi. Phần thóp đằng trước sẽ đóng lại khi bé được 1 tuổi. Lưu ý chỉ được chạm rất nhẹ nhàng và cẩn thận vào vùng thóp của bé.
Ăn và thay tã
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh, cung cấp tất cả các dưỡng chất mà bé sơ sinh cần để phát triển khỏe mạnh. Lượt sữa đầu tiên mà ngực mẹ tiết ra được gọi là sữa non. Sữa non chứa những chất kháng thể cực tốt giúp bảo vệ hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ. Ngoài ra nó còn chứa nhiều chất béo hơn những lượt sữa mẹ sau đó. Nếu mẹ không thể cho con bú, hãy cho bé dùng sữa công thức có bổ sung sắt. Trẻ cần được cho ăn 8-12 lần một ngày. Trẻ nhai sau 1-2 lần mút là dấu hiệu bé ăn uống bình thường và đủ sữa.
Trẻ được coi là bú đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức khi trẻ làm ướt 6-8 chiếc tã một ngày. Trẻ làm ướt số tã ít hơn có thể bị cung cấp thiếu chất lỏng. Nước tiểu của bé có màu nhạt chứng tỏ bé được cung cấp đủ sữa. Nước tiểu bé có màu đậm hơn có thể là dấu hiệu của việc bú không đủ sữa.
Sữa mẹ có đặc tính nhuận tràng tự nhiên nên các bé được bú sữa mẹ khỏe mạnh có thể đại tiện sau mỗi lần được ăn. Đây là dấu hiệu cho thấy bé được bú đủ sữa. Tần suất đi tiêu của bé có xu hướng giảm khi bé qua giai đoạn sơ sinh.
Ngủ
Trẻ sơ sinh sẽ ngủ khoảng 16 tiếng một ngày và việc ngủ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu được gọi là ngủ chủ động. Mẹ có thể sẽ thấy bé co người, vặn mình hoặc cười khi ở trong giai đoạn ngủ chủ động. Giai đoạn 2 được gọi là ngủ yên tĩnh. Lúc này, cơ thể bé sẽ thư giãn hoàn toàn và bé phát triển tốt nhất.
Khóc
Bé sơ sinh sẽ khóc để báo cho bố mẹ biết khi nào bé đói, tã bẩn, hoặc cần sự quan tâm của bố mẹ. Bạn sẽ sớm nhận ra sự khác biệt trong những lần khóc của trẻ. Hãy hình thành cho bé lịch ăn ngủ đều đặn. Một thời gian biểu đều đặn sẽ giúp em bé mới sinh cảm thấy an toàn và tin tưởng vào người nuôi nấng, chăm sóc bé.
Các bé sơ sinh thường khóc theo một số lần nhất định trong một ngày. Khi việc khóc không có dấu hiệu chấm dứt và bé ở trong trạng thái khó chịu, có thể bé đang gặp hội chứng colic. Đây là thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng khóc dai dẳng không nín ở một đứa trẻ khỏe mạnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Colic thường bắt đầu khi trẻ sơ sinh được 2 tuần tuổi và có thể kéo dài đến tháng thứ 6. Việc dỗ bé nín không phải là điều dễ dàng nhưng dù thế nào cũng cần tránh việc rung lắc mạnh trẻ sơ sinh. Điều này có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng não bộ nghiêm trọng.
Theo Eva.vn