Chia sẻ kinh nghiệm của mẹ từng áp dụng cả 3 kiểu ăn dặm hot nhất

Là một bà mẹ trẻ lần đầu nuôi con nhưng chị Mỹ Dung (Hà Nội) gây bất ngờ bởi những kiến thức ăn dặm vô cùng phong phú. Từ những tìm hiểu và trải nghiệm về cả 3 phương pháp tập ăn dặm cho bé phổ biến nhất hiện nay; những chia sẻ của chị Dung hứa hẹn sẽ rất hữu ích với các bà mẹ “tập đầu”. Mời mẹ đón đọc bài viết tổng hợp dưới đây của chuyên gia Bibo Care!

Tập cho bé ăn dặm
Chị Mỹ Dung và con gái Xì Trum
Xuất phát từ mong muốn ghi lại từng bữa ăn dặm của con như một kỷ niệm, những bài viết về ăn dặm và cách chế biến món ăn dặm hấp dẫn, giàu dinh dưỡng của chị Mỹ Dung (Hà Nội) bất ngờ được rất nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ quan tâm yêu mến. Không đi theo Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN); không cho con Ăn dặm truyền thống; cũng không lựa chọn ăn dặm kiểu Baby led weaning (BLW); chị Mỹ Dung cho con ăn dặm theo kiểu “của riêng mình”. Đó là một phương pháp được chọn lọc từ rất nhiều phương pháp; kết hợp với chính nhu cầu, sở thích của con mình và hoàn cảnh của bản thân.

Xì Trum có vẻ là một em bé có nếp ăn rất tốt. Chị đã lựa chọn phương pháp ăn dặm nào cho con mình?

Thực ra, nếu mà nói xuất phát điểm Xì Trum giống nhiều bé gái khác, ăn cũng rất ỏn ẻn. Ví dụ mỗi cữ chỉ bú được khoảng 100ml sữa khi bé 4 tháng. Nhưng có một điều là mình không ép bé ăn. Mình tạo niềm vui cho con; để con ngồi ăn chung cùng gia đình; tạo cho bé nếp ăn và cảm giác chủ động trong việc ăn ngay từ khi bắt đầu ăn dặm.
Hiện tại có một số phương pháp chủ yếu mà mình nghĩ các mẹ đều đang băn khoăn; đó là nên cho con áp dụng theo kiểu truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) hay ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Sau khi nghiên cứu tây ta đủ kiểu, mình quyết định áp dụng những ưu điểm phù hợp của từng phương pháp cho từng giai đoạn của con như sau:
  • Giai đoạn 5-7 tháng: kết hợp thực đơn của ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm truyền thống.
  • Giai đoạn 8-10 tháng: hướng con theo ăn dặm kiểu Nhật
  • Sau 10 tháng trở đi: để con tập ăn BLW

Chị nói mỗi phương pháp ăn dặm đều có ưu và nhược điểm riêng. Bản thân chị cũng đã từng trải qua cả 3 phương pháp. Nhận xét của chị về từng phương pháp là thế nào?

Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Do đó, các mẹ cần nghiên cứu kĩ và mục đích các mẹ thực sự muốn khi cho con ăn dặm là cân năng hay thói quen ăn uống. Nhận xét của mình khi từng áp dụng cả 3 cách tập ăn dặm cho bé này là như sau:

1. Phương pháp truyền thống:

• Thức ăn xay nhuyễn, nấu hoặc trộn chung với nhau.
• Thường cho bé ăn quá nhiều chất đạm, béo trong giai đoạn đầu tập ăn (như nước xương ninh, thịt cua, cá ngay từ khi bé tập ăn giai đoạn 5-6 tháng).
• Không phân biệt những loại thức ăn và độ thô chế biến thức ăn cho từng giai đoạn.
• Ăn với lượng thức ăn rất lớn trong 1 bữa.

Ưu điểm:

• Bé có thể ăn với khối lượng nhiều ngay từ những ngày đầu tập ăn; có thể tăng cân tốt khi mới tập ăn.
• Và đặc biệt gần như dễ được sự chấp nhận và ủng hộ của gia đình.

Nhược điểm:

• Quá chú trọng đến chất và lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bé.
• Bé không có thời gian làm quen với từng vị thức ăn cũng từ đó bố mẹ không phát hiện bé có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào.
• Không chủ động và tạo thú vui trong ăn uống, khi bị ép ăn nhiều bé sau đó 1 thời gian sợ ăn dẫn đến biếng ăn.
• Bé ăn với số lượng nhiều và quá nhiều chất đạm sẽ không hấp thụ hết và dễ bị đi ngoài hoặc táo bón.
• Bé không được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai và nuốt cho bé ở các giai đoạn khác nhau.
• Thói quen ăn uống không tốt: vừa ăn vừa rong, vừa ăn vừa chơi, xem tivi….

2. Ăn dặm kiểu Nhật Bản:

• Độ thô của thức ăn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.
• Khuyến khích không trộn chung nhiều loại thức ăn.
• Ăn với số lượng vừa phải; bé không thích ăn sẽ không ép mà ngừng cho bé ăn ngay.
• Khi ăn đặt bé ngồi ghế không rong rẩy nhưng mẹ vẫn phải bón cho bé ít nhất đến 12 tháng trở đi.

Ưu điểm:

• Bé có thời gian làm quen với từng vị thức ăn; từ đó bố mẹ không phát hiện bé có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào.
• Bé được tập ăn thô; sớm tạo phản xạ nhai và nuốt ở các giai đoạn khác nhau.
• Khẩu phần và loại thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của bé.
• Mẹ có thể chế biến thức ăn và trữ đông mà vẫn đảm bảo được mùi vị và chất lượng thức ăn; giúp mẹ nhàn hơn và chủ động hơn trong ăn uống
• Các món ăn của con đa dạng, đầy đủ nhóm chất, được thay đổi thường xuyên ở các giai đoạn khác nhau.

Nhược điểm:

• Thức ăn trữ đông, không thể thơm ngon như thức ăn chế biến ngay được.
• Con ăn số lượng không nhiều như ăn truyền thống; cũng có thể khó tăng cân nhanh như phương pháp truyền thống ở giai đoạn đầu.
• Không phải gia đình nào cũng ủng hộ các mẹ chăm con theo phương pháp này.

3. Ăn dặm tự chỉ huy (BLW- Baby led weaning)

– Tạo cho bé sự tự tập và tự quyết trong việc ăn uống. Bé thích ăn gì, thích ăn bao nhiêu là do con tự quyết định.
– Thức ăn được cắt, thái vừa miếng cho trẻ có thể tự cầm hoặc tự đút vào miệng với số lượng tùy bé, đưa 1 vài thứ cho bé chọn thích ăn cái gì thì ăn.
– Độ mềm cũng không qui định quá như ADKN
– Bé tự ngồi ăn, tự điều chỉnh, cầm đưa đồ ăn vào miệng nên tính tự lập trong ăn uống rất cao.

Ưu điểm:

• Bé có phản xạ nhai và nuốt cực tốt.
• Bé thích thú với việc ăn uống
• Mẹ nhàn không cần chế biến quá cầu kì vì thực đơn của con cũng gần giống như của gia đình.
• Tạo tiền đề tốt cho bé tự lập trong ăn uống giai đoạn sau này.

Nhược điểm:

• Không quá chú trọng đến chất và lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bé.
• Trong quá trình ăn dặm mẹ phải cực kì vững tin để có thể áp dụng theo phương pháp này vì: bé dễ bị hóc nên những lúc ấy phải thật bình tĩnh xử lý. Nhiều khi bé vào giai đoạn biếng ăn sinh lý mẹ cũng ko được sốt ruột.
Nói chung nếu ngay từ giai đoạn 5-6 tháng mà theo phương pháp này thì mình đảm bảo ở Việt Nam chắc tỉ lệ các mẹ thành công là rất rất thấp vì chúng ta chịu áp lực tâm lý rất nhiều từ gia đình và chính các mẹ nữa.

Cẩm nang giúp mẹ tập ăn dặm cho bé 5-6 tháng

Giai đoạn 5-6 tháng là giai đoạn cực kì quan trọng vì giai đoạn này là tiền đề để bé làm quen thức ăn và ngay cả chính người mẹ cũng lúng túng không biết nên bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Kinh nghiệm của mình như sau:

Về thực đơn:

Vì giai đoạn này là giai đoạn bé làm quen thức ăn, nên mình cho bé ăn từng thực phẩm một để bé cảm nhận được mùi vị từng món. Mẹ chú ý quan sát phản ứng trong và sau khi ăn; cũng như tình trạng đi vệ sinh của bé để nắm rõ tình trạng dị ứng của con.
Với bé bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng thì thực đơn theo tuần sẽ như sau nhé:
  • Tuần 1: Cháo loãng nghiền 1:10 trộn sữa
  • Tuần 2: Cháo loãng nghiền 1:10 trộn rau củ
  • Tuần 3: Cháo loãng nghiền 1:10 trộn rau củ và đậu phụ non
  • Tuần 4: Cháo loãng nghiền 1:10 trộn đậu phụ/thịt cá trắng nghiền và rau củ

Giai đoạn mới tập ăn dạ dày bé còn non. Ăn quá nhiều chất đạm béo như động vật như nước xương ninh, thịt, cua,… khiến bé chưa hấp thu được hết; dễ dẫn đến hiện tượng đào thải ra ngoài. Biểu hiện là bé dễ nôn, thường đi ngoài phân sống. Mình khuyến khích các mẹ cho con ăn đạm thực vật là đậu phụ non trước, vừa đảm bảo chất đạm vừa an toàn.

Về cách chế biến:

Giai đoạn đầu, mẹ nên cho bé ăn bột loãng. Mẹ có thể nghiền nhuyễn thức ăn bằng tay rồi lọc qua rây. Hoặc có thể dùng máy xay để xay nát thức ăn và lược lại cho bớt lợn cợn.
Giai đoạn này bé chưa thể tự nhai nát thức ăn được. Thế nên các mẹ vẫn phải nghiền hoặc xay nhuyễn cho con dễ nuốt. Lưu ý rằng bé vừa chuyển từ ti mẹ là chất lỏng hoàn toàn; nên giờ là giai đoạn bé tập làm quen với thức ăn sánh đặc. Do đó, mẹ đừng ép con ăn khi mới bắt đầu tập ăn dặm cho bé nhé! Hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng với bé thì giai đoạn này mẹ sẽ rất nhàn.
Cảm ơn chị dung về những chia sẻ hết sức hữu ích trên đây. Bibo Mart hy vọng các mẹ đã có góc nhìn cởi mở hơn về các phương pháp ăn dặm cho con. Mẹ có thể tham khảo thêm các sản phẩm ăn dặm cho bé tại đây!
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chỉ mục