Với nhiều bà mẹ, ăn dặm là một quá trình chuyển giao khó khăn và vô cùng hoang mang; khi mà mẹ phải đứng trước rất nhiều luồng thông tin để chọn ra phương pháp ăn dặm phù hợp nhất với bé nhà mình. Để giúp các bà mẹ có thể dễ dàng tập ăn cho con, chuyên gia Bibo Mart sẽ gợi ý 8 nguyên tắc ăn dặm cho bé cực khoa học. Mời mẹ đón đọc ngay!
1. Xác định thời điểm phù hợp cho bé ăn dặm
Sữa mẹ hoặc sữa công thức là những nguồn thực phẩm chính và quan trọng nhất; sẽ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Bộ Y tế Anh khuyến cáo các bà mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm khoảng từ 6 tháng tuổi. Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn đều có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa; đồng thời hình thành những thói quen ăn uống không tốt của trẻ về sau.
>>> Mẹ tham khảo: Tại sao không nên cho con ăn dặm trước 6 tháng tuổi?
2. Nhận biết các dấu hiệu bé muốn ăn dặm
Có nhiều dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng để ăn dặm; có thể kể đến như trẻ đòi ăn thêm ngay cả khi vừa bú sữa; bé có thể giữ tốt đầu và cổ khi đang ngồi; bé nhú răng, thường nhai đồ chơi hoặc thường cắn ti mẹ,… Điều này chứng tỏ cơ thể của con đang hoàn thiện một cách tự nhiên để tiếp nhận các loại thức ăn bổ sung.
3. Cho trẻ thử nhiều loại thức ăn khác nhau
Bộ Y tế Anh khuyến cáo nếu trẻ cho thấy dấu hiệu đã sẵn sàng ăn dặm, các bà mẹ cũng có thể cho trẻ thử một số thức ăn đơn giản. Hầu hết mẹ nên thử những loại bột ăn dặm hoặc rau củ quả nghiền có vị ngọt cho bé dễ làm quen trước. Khi bé đã làm quen với thìa và biết liếm, đỡ đồ ăn vào miệng; mẹ có thể chuyển qua các loại bột có vị mặn.
4. Không ép buộc con ăn nếu con không thích
Mẹ đừng vì nóng lòng mà vội vàng ép trẻ ăn khi mới bắt đầu cho bé ăn dặm. Nếu trẻ không hứng thú lắm với thức ăn, mẹ có thể dời việc cho trẻ tập ăn lại vài ngày và thử lại lần nữa. Việc ép con ăn thêm dù bé không hợp tác sẽ gây cho con những cảm xúc tiêu cực với chuyện ăn uống.
Trong suốt những lần tập ăn đó, hãy tìm hiểu nguyên nhân con từ chối ăn. Có thể là do bé không thích mùi vị của thực phẩm đó (mùi tanh/nồng/hôi, vị đắng/chát/cay). Hoặc do món ăn đó khiến bụng con bị ọc ạch, phát ban dị ứng,… mà cha mẹ không hề hay biết. Mẹ cần hết sức tinh ý để quan sát những biểu hiện bất thường này của bé.
5. Không kỳ vọng bé ăn dặm được nhiều
Ban đầu, mẹ không nên quá hy vọng trẻ ăn được nhiều cháo, bột, hoa quả hoặc rau nghiền nhuyễn. Vì dạ dày của con rất nhỏ, quy trình tiêu hóa chưa được trơn tru; bé cũng có thể dễ mắc bệnh, nhiễm khuẩn đường ruột hơn người lớn. Nhu cầu ăn của con không quá nhiều do còn uống thêm sữa.
Để không cảm thấy thất vọng khi bé bỏ mứa bữa ăn, mẹ có thể giảm lượng thức ăn dặm của con xuống một chút. Khi trẻ đã quen ăn thức ăn rắn, mẹ có thể tăng dần lượng đồ ăn.
6. Tránh những loại thực phẩm có thể gây hại cho con
Trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên ăn muối và đường. Các loại thức ăn khác cũng cần tránh bao gồm pa-tê, động vật giáp xác, đồ ăn hun khói, pho-mát và mật ong. Trẻ từ 6 tháng tuổi có thể ăn trứng, với điều kiện được nấu chín kỹ. Trẻ cũng không nên ăn các loại hạt quả và hạt ngũ cốc để tránh bị hóc, nghẹn hoặc khó tiêu hóa hết.
7. Bắt đầu bằng rau củ quả nghiền nhuyễn
Mẹ nên bắt đầu quá trình bằng việc cho trẻ ăn các loại củ để dễ tiêu hóa và không gây dị ứng ở trẻ. Cách chế biến tốt nhất để giữ chất dinh dưỡng trong thực phẩm là hấp chín sau đó tán nhuyễn; hoặc dùng máy xay và xay cùng chút sữa. Khoai tây ngọt, bí đỏ và cà-rốt trắng là lựa chọn phù hợp; vì chúng có vị ngọt tự nhiên tương tự như vị ngọt của sữa mẹ.
Một vài loại quả như chuối, bơ, đào và đu đủ không cần chế biến mà chỉ cần tán nhuyễn bằng dĩa. Các loại quả giòn như táo, lê cần được hấp chín để nghiền dễ hơn. Mẹ có thể kết hợp các loại rau củ quả nếu thích hợp để bé ăn hàng ngày, đảm bảo nguồn vitamin và khoáng chất cần thiết.
8. Tăng dần lượng và độ thô của thức ăn theo từng giai đoạn
Khi trẻ đã quen với các thức ăn đơn giản, người mẹ nên bổ sung thức ăn có nhiều loại mùi vị và dạng rắn lỏng khác nhau vào thực đơn của trẻ. Đây là nguyên tắc ăn dặm cho bé khá quan trọng; giúp bé dần làm quen với thực phẩm thô và học cách kết hợp răng, hàm nhai, lưỡi một cách trơn tru.
Khi trẻ được 6-9 tháng tuổi là lúc hệ tiêu hóa của trẻ phát triển toàn diện. Mẹ có thể bắt đầu tăng dần lượng và độ đa dạng của thức ăn cho trẻ. Đây là thời điểm thích hợp giúp trẻ học nhai nên mẹ có thể cho con làm quen với các loại thức ăn chứa nhiều protein như thịt và cá.
Trên đây là toàn bộ 8 nguyên tắc ăn dặm cho bé mà Bibo Mart đã sưu tầm, tổng hợp. Hy vọng khi áp dụng những nguyên tắc đơn giản này, mẹ và bé sẽ cùng trải qua thời kỳ ăn dặm một cách dễ dàng mà không hề có nước mắt!
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care