Ăn dặm là giai đoạn quan trọng để hình thành thói quen ăn uống của bé. Giữa nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau, nhiều bà mẹ vẫn quyết định chọn kiểu ăn dặm truyền thống cho con vì sự quen thuộc, tiện lợi của cách tập ăn này. Tuy nhiên mẹ đã biết cách áp dụng phương pháp ăn dặm này sao cho khoa học, hợp lý hay chưa? Nếu chưa, hãy đón đọc bài viết dưới đây của Bibo Mart ngay để biết thêm những thông tin hữu ích nhé!
1. Phương pháp ăn dặm truyền thống là gì?
Ăn dặm truyền thống là phương pháp ăn dặm lâu đời, được cha ông ta ưa chuộng sử dụng trong việc nuôi con nhỏ. Ở phương pháp ăn dặm truyền thống em bé bắt đầu tập ăn dặm các loại bột, cháo xay nhuyễn cùng với thức ăn khác như: rau củ, thịt, cá,…Và theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ba mẹ chỉ nên bắt đầu tập ăn dặm khi bé đủ 180 ngày (6 tháng tuổi). Tránh cho trẻ ăn quá sớm để không làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
>>> Xem thêm: Những lý do khiến mẹ không nên cho bé ăn dặm quá sớm
2. Đặc trưng của phương pháp ăn dặm truyền thống trước kia
- Nấu bột, cháo lẫn với thịt, cá, rau…thành một bát bột với đủ dinh dưỡng
- Tiến độ ăn thô đi dần dần từ bột đến cháo vỡ, cháo nguyên hạt, đến cơm nát và cơm người lớn
- Quá trình ăn dặm thường kéo dài từ 6 tháng đến khi bé được khoảng 2 tuổi.
- Bé thường được cho ăn trước hoặc sau bữa ăn của cả nhà nên bữa ăn thường kéo dài.
- Bữa ăn của bé thường được cho ăn bế, ăn rong, không tập trung ăn uống.
3. Ưu nhược điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống
Ưu điểm:
- Đảm bảo cho bé những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng; đủ cả 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
- Tuân thủ phương pháp ăn dặm theo các giai đoạn sẽ tạo thói quen tốt về ăn uống cho bé, tránh trường hợp dạ dày phải làm việc quá sức từ sớm.
- Việc chế biến của mẹ cũng không mất quá nhiều thời gian, cực kỳ nhanh chóng, tiện lợi.
Nhược điểm:
- Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm rồi chế biến khiến bé khó cảm nhận được mùi vị riêng của từng loại thức ăn khác nhau; dẫn tới việc chóng ngán hoặc không thèm ăn, không muốn ăn và lâu ngày dễ bị biếng ăn
- Bé biết ăn thô muộn, nhất là khi mẹ không để ý tới việc tăng dần độ thô theo tháng tuổi trong thức ăn của bé.
- Bé không có thói quen tập trung ăn uống do thường bữa ăn được kéo dài, ăn rong hoặc vừa ăn vừa chơi.
4. Cho bé ăn dặm truyền thống theo cách khoa học, hiện đại
Dù có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cách ăn dặm truyền thống; thế nhưng hiệu quả mà phương pháp này đem lại là không thể phủ nhận. Để khắc phục nhược điểm của phương pháp ăn dặm này, mẹ hãy cùng tìm hiểu cách cho bé ăn dặm truyền thống theo cách khoa học hiện đại nhé!
Để thực hiện có hiệu quả, bạn nên chia giai đoạn ăn dặm của trẻ thành nhiều phần nhỏ và mỗi giai đoạn sẽ áp dụng những “tuyệt chiêu” riêng:
4.1. Giai đoạn 1: Ăn bột kết hợp với thịt, cá, rau củ xay nhuyễn
Thời gian: 6 tháng (có thể xem xét cho trẻ ăn từ 5.5 tháng tuổi)
- Khi bắt đầu ăn dặm cho bé, mẹ hãy lựa chọn các loại thực phẩm phù hơp với hệ tiêu hóa non nớt của bé, nấu kỹ, xay nhuyễn và nên lọc lai qua rây để thu được hỗn hợp loãng, mềm mịn. Ở giai đoạn này mẹ nên nấu cháo cho bé theo tỉ lệ 1 gạo : 10 nước.
- Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính; do đó, mẹ không nên ép con quá nhiều mà chỉ nên cho bé một lượng vừa nhỏ với mục đích là cho con tập làm quen với thực phẩm ngoài sữa mẹ.
- Tránh cho bé ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như thịt bò, cua biển, ốc, tôm… trong giai đoạn đầu khi thực hiện phương pháp ăn dặm truyền thống.
4.2. Giai đoạn 2: Tăng độ đậm đặc của món ăn
Thời gian: 7 – 9 tháng
- Thời gian đầu, mẹ có thể cho bé ăn 1 bữa bột và 1 bữa cháo.
- Mẹ nấu cháo như bình thường. Đến khi cháo ăn dặm chín thì dùng đũa hoặc thìa khuấy để hạt gạo vỡ ra. Các loại thực phẩm nấu cùng phải được băm nhỏ rồi tất cả được lược qua rây để lấy hỗn hợp loãng, mềm mịn.
- Trong thực đơn mỗi ngày, mẹ có thể cho bé ăn các loại rau củ như cà rốt, su hào, khoai lang, khoai tây… và các thực phẩm như cá đồng, cua đồng, lươn… để các món ăn đa dạng hương vị.
4.3. Giai đoạn 3: Ăn cháo nguyên hạt
Thời gian: 10 – 12 tháng
- Cho bé ăn cháo nguyên hạt và dần làm quen với các món ăn thô, mềm như chuối, đu đủ… Mẹ có thể nấu cháo đặc hơn và kết hợp với các nguyên liệu bằm nhuyễn như tôm, thịt…
- Tập cho bé làm quen với muỗng, nĩa và mẹ cũng có thể để bé tự xúc ăn khi áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống.
- Cho bé ngồi ăn chung với cả nhà, mẹ cũng có thể cho bé ăn những gì cả nhà ăn nhưng với lượng nhỏ, mềm, đảm bảo an toàn, tránh bị hóc.
4.4. Giai đoạn 4: Tập cho bé ăn cơm
Thời gian: 1 tuổi trở lên
- Bé có thể ăn hầu hết các thực phẩm như người lớn. Mẹ có thể tập cho bé ăn cơm nát, đồ ăn băm nhỏ.
- Rèn cho bé kỹ năng dùng muỗng, nĩa và để bé tự xúc, nhai, nuốt với nhiều nhóm thực phẩm khác nhau.
- Cố gắng xây dựng thực đơn đa dạng (cơm nát, nui, bún, phở…) với nhiều cách chế biến để làm đa dạng thực đơn, tránh bé bị ngán.
5. Lưu ý khi cho bé ăn dặm
Việc ăn dặm cần đảm bảo cung cấp cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng cho bé, giúp bé phát triển tốt về mặt trí tuệ lẫn thể chất. 4 nhóm gồm:
- Chất đạm: Thịt bò, cá, trứng, phô mai, sữa, các loại đậu,…
- Tinh bột: Các loại ngũ cốc, khoai lang, mì ống, khoai tây, bánh mì…
- Vitamin: Có nhiều trong các loại rau xanh, củ, quả chín.
- Chất béo: Có trong họ đậu, hạt và dầu thực vật như hạt gạo nếp hay gạo tẻ, hạt vừng, đậu nành, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh,…
Ngoài ra, trong giai đoạn ăn dặm, bé yêu cũng nên được bổ sung:
- Chất sắt: Các loại đậu nghiền bột như đậu tây, đậu đen, đậu lăng hay các loại rau có màu xanh đậm.
- Vitamin D: Tắm nắng, bổ sung thêm vitamin D cho bé; hoặc cho bé ăn dặm các thực phẩm chứa nguyên liệu cá hồi để bổ sung vitamin D.
- DHA: Có nhiều trong sữa mẹ, dầu cá hồi,…
Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care