Dinh dưỡng trong thai kỳ là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khoẻ của bà mẹ, sự lớn lên và phát triển của thai nhi. Nhu cầu dinh dưỡng trong giai đoạn này dành cho mẹ là bao nhiêu để con và mẹ cùng khoẻ ? Hãy cùng BiBo Mart đi tìm hiểu ngay nhé !
Mọi ảnh hưởng của người mẹ, mọi sự thiếu hụt dinh dưỡng cũng như bệnh tật của người mẹ đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Khi người mẹ mắc bệnh hoặc có vấn đề bất thường trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú, ngoài việc điều trị bằng thuốc thì vai trò của dinh dưỡng cũng rất quan trọng vì nó không những ảnh hưởng tức thời đến trẻ mà còn ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe của trẻ lâu dài.
1. Đối với sự phát triển của thai nhi:
Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến cân nặng khi sinh của trẻ
Chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian mang thai là yếu tố liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của thai nhi. Rất nhiều nghiên cứu khẳng định, nếu bà mẹ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất thì em bé sẽ rất khoẻ. Ngược lại, nếu bà mẹ mang thai thiếu ăn thì nguy cơ sinh con non tháng, nhẹ cân sẽ rất cao.
Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân khi lớn lên sẽ có nguy cơ bị huyết áp, tiểu đường…. Ngoài ra còn giảm dự trữ thận, giảm chức năng phổi, chậm dậy thì.
Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến một số dị tật bẩm sinh
Khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, người mẹ dinh dưỡng không đủ sẽ bị giảm sức đề kháng thì nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm có thể tăng. Ngoài ra còn để lại các khuyết tật cho trẻ như tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch….
Thiếu axit folic là nguyên nhân chính gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Hãy cung cấp đủ acid folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai sẽ giảm được khoảng 50% khuyết tật này ở trẻ.
>> Xem thêm: 9 thực phẩm mẹ nhất định phải ăn nếu không muốn con bị dị tật
Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến sự phát triển trí tuệ của trẻ
Ngay từ ngày thứ 18 của phôi đã có mầm mống hình thành não. Thời điểm 20 tuần tuổi là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Khi đó não bộ thai nhi tăng mạnh về khối lượng và dần hoàn thiện về chức năng.
Từ tuần thứ 20 trở đi, kích thước não bộ tăng gấp 6 lần và tế bào thần kinh kết nối phức tạp hơn. Sự trưởng thành của não bộ rất quan trọng cho khả năng học hỏi và trí nhớ về sau. Một số chất mẹ cần bổ sung: axit folic, vitamin B6, B12, vitamin D, sắt và kẽm….
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn não bộ tăng trưởng và trưởng thành nhanh nhất. Lúc này, chế độ ăn của người mẹ đủ acid béo không no cần thiết.
Bổ sung đủ DHA sẽ giúp trẻ trí thông minh, thị giác tốt và có hệ tim mạch khỏe mạnh. DHA có vai trò rất quan trọng trong hình thành tế bào não và thị giác, cụ thể là:
- DHA tham gia vào hình thành tế bào não
- Là thành phần chủ yếu của các acid béo tham gia cấu tạo não
- Cần thiết cho quá trình Myelin hóa tế bào thần kinh
- Tác động đến màng xináp – bộ phận điều khiển sự phóng thích và tiếp nhận chất dẫn truyền thần kinh
- Giúp sự truyền tín hiệu giữa các tế bào não hiệu quả hơn
Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến một số bệnh mạn tính không lây của trẻ khi trưởng thành
Một số nghiên cứu cho thấy rằng thiếu dinh dưỡng trong từng giai đoạn thai kỳ liên quan đến một số bệnh mạn tính khác nhau. Mẹ thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, trẻ có nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cao khi trưởng thành. Ngược lại, mẹ thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, trẻ sẽ có nguy cơ rối loạn khả năng dung nạp glucoza cao hơn
2. Đối với sức khỏe của người mẹ:
Dinh dưỡng tốt trong thai kỳ giúp người mẹ tăng cân phù hợp
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi. Đặc biệt nhất là sự thay đổi về khối lượng, cấu trúc cơ thể và thành phần của máu. Thông thường, trong một kỳ mang thai bà mẹ tăng 10-12kg. Nếu người mẹ tăng cân ít trong thai kỳ dễ có nguy cơ đẻ con thiếu vi chất (thiếu sắt, thiếu máu, can xi…). Nếu mẹ tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ sinh khó, nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
Dinh dưỡng hợp lý trong thời kỳ góp phần hạn chế một số tai biến sản khoa cho mẹ
Dinh dưỡng đủ trong thời gian mang thai giúp bà mẹ khỏe mạnh, thai phát triển tốt là yếu tố quan trọng để bà mẹ vượt qua cuộc đẻ một cách thuận lợi.
Thiếu dinh dưỡng ở mẹ trong thời gian mang thai không những gây hậu quả thiếu các chất dinh dưỡng cho mẹ và phát triển thai và là điều kiện thuận lợi cho nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu, khó sinh, sinh non/ nhẹ cân, và một số tai biến khác.
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ tăng khả năng tạo sữa sau sinh của mẹ
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giúp mẹ tăng cân đủ (10-12 kg/thai kỳ) và dự trữ đủ các chất dinh dưỡng cho tạo sữa sau sinh. Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ, người mẹ sẽ không đủ khả năng để tạo đủ số lượng sữa và đảm bảo chất lượng sữa cho sự phát triển toàn diện của bé.
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giảm nguy cơ mắc một số bệnh cho mẹ
Dinh dưỡng đủ sẽ giảm nguy cơ thiếu folate (vitamin B9). Đây là một thành phần tham gia vào quá trình tạo máu. Nếu thiếu folate thường gây bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Từ đó nguy cơ sảy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân sẽ tăng cao hơn.
Dinh dưỡng không đầy đủ trong thai kỳ sẽ làm suy giảm miễn dịch của cả mẹ và thai nhi. Thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, tế bào T, tế bào B và đại thực bào làm giảm sản xuất globulin miễn dịch, IgA, IgM và IgG..
Chế độ ăn nghèo dinh dưỡng hoặc không cân đối trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến một số bệnh lý như thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ.
Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giảm một số vấn đề thường gặp khi mang thai
Khi mang thai, phụ nữ có thể bị chán ăn, buồn nôn, nôn, ợ nóng, táo bón. Một số nguyên nhân như: thiếu vitamin B6; ăn phải thức ăn khó tiêu hoặc không an toàn.
Trên đây là những ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ đến cả mẹ và bé. Hy vọng với những thông tin trên mẹ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Các chuyên gia BiBo Care chúc các mẹ một hành trình mang thai an toàn và khoẻ mạnh !