Ăn dặm là quá trình trẻ bắt đầu làm quen với thức ăn thô, là bước chuyển từ giai đoạn chỉ uống sữa sang giai đoạn nhai và nuốt thức ăn. Đây là một bước quan trọng và thú vị trong quá trình phát triển của trẻ. Hiện nay phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp được nhiều mẹ tin tưởng và áp dụng cho con mình. Vậy ăn dặm kiểu Nhật là gì, các ba mẹ cùng bác sĩ Bibo Mart tìm hiểu ngay nhé!
1. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là như thế nào?
Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp ăn dặm có nguồn gốc từ Nhật Bản. Mục tiêu của phương pháp này là kích thích bé ăn ngon, giúp bé tiêu hóa tốt và tìm được niềm vui trong ăn uống. Đồng thời, phương pháp này còn khuyến khích mẹ dạy cho bé tự lập ăn uống sớm và ăn theo nhu cầu của bé.
Cho bé ăn dặm kiểu Nhật không có nghĩa là mẹ phải dùng các thực phẩm như người Nhật. Mẹ có thể dùng các loại rau củ như cà rốt, củ cải, bắp cải, cải bó xôi, bí đỏ, thịt gà… để nấu cho bé.
2. Ưu điểm và hạn chế của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
2.1. Ưu điểm
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật có thể kể đến như:
- Bé thường không cảm thấy chán vì ăn dặm kiểu Nhật bắt đầu từ trạng thái lỏng tới đặc, mịn tới loãng.
- Ăn riêng từng loại thức ăn giúp bé làm quen tốt hơn với mùi vị thực phẩm. Từ đó kích thích vị giác của bé.
- Bé được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai và nuốt cho bé ở các giai đoạn khác nhau. Điều này giúp bé tiêu hóa thức ăn một cách tốt hơn.
- Bé có thể nhanh chóng tự ngồi ăn một mình không cần sự trợ giúp của mẹ, giúp nâng cao khả năng tự lập của bé.
- Hạn chế tối đa tình trạng thừa cân, béo phì do hạn chế dùng xương, thịt để nấu nước dùng.
2.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm trên, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cũng có một số mặt hạn chế như:
- Mẹ tốn nhiều thời gian hơn trong việc lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu hay chế biến.
- Mẹ cần trang bị riêng bộ dụng cụ để nấu đồ ăn dặm cho bé.
- Trong giai đoạn đầu, bé có thể sẽ không tăng cân nhanh như khi ăn dặm truyền thống bởi phương pháp này dựa trên sự tôn trọng trẻ.
3. Khi nào nên bắt đầu tập cho bé ăn dặm?
Theo các chuyên gia của Viện dinh dưỡng Quốc gia, từ tháng thứ 6 là thời điểm tốt nhất cho bé tập ăn dặm. Vì lúc này năng lượng từ sữa mẹ không còn đủ để đáp ứng nhu cầu của bé yêu. Ăn dặm lúc này trở nên cần thiết để cung cấp những chất dinh dưỡng không có trong sữa mẹ, chẳng hạn như sắt, kẽm, protein, canxi, DHA… Đồng thời, bé phải đạt được những mốc phát triển sau:
- Bé đã giữ vững cổ.
- Bé tự ngồi được.
- Bé tỏ ra thích thú với thức ăn.
- Khi đưa thìa vào miệng bé, bé ít dùng lưỡi đẩy ra
3. Nguyên tắc khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
- Làm phong phú thực đơn ăn dặm cho bé bằng nhiều loại thực phẩm, rau quả khác nhau.
- Tạo môi trường phù hợp khi ăn.
- Tập cho bé tự ăn dần, chủ động trong ăn uống và hình thành thói quen lành mạnh khi ăn…
- Không đặt ra áp lực quá lớn về các chỉ tiêu cân nặng của bé. Cho bé ăn theo nhu cầu. Không ép ăn hay ép uống.
- Cho bé ăn nhạt. Ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc. Từ một nhóm thực phẩm đến bốn nhóm thực phẩm. Cân bằng lượng sữa và thức ăn sử dụng cho bé.
- Chú trọng sử dụng thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như rau củ, hoa quả, cá, thịt…
- Không xay thức ăn, chỉ dùng cối giã và rây để làm mịn thức ăn cho bé.
- Cho bé ăn riêng từng món trong giai đoạn đầu. Giai đoạn sau có thể trộn nhiều loại thức ăn để thay đổi đa dạng hơn.
Chúc các bé luôn mạnh khỏe và bình an!
Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare
Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare