Theo thống kê của Bộ Y Tế, mỗi năm tại Việt Nam cứ 33 trẻ em được sinh ra thì có 1 trẻ mắc các hội chứng về di truyền. Trong đó, khoảng 1.800 trẻ mắc hội chứng Down, 250 trẻ mắc hội chứng Edwards, 1.500 trẻ dị tật ống thần kinh, 8.000 trẻ mắc Thalassemia và hàng loạt bệnh lý khác. Vậy dị tật thai nhi là gì và có thể phòng ngừa bằng các biện pháp nào? Ba mẹ cùng bác sĩ BiboMart tìm hiểu ngay nhé!
1. Dị tật thai nhi là gì?
Dị tật bẩm sinh là sự bất thường về cấu trúc, chức năng cơ thể trẻ và có thể xác định được trước khi sinh, lúc mới sinh hoặc sau sinh. Các bất thường có thể ở một vài bộ phận như tim, não, tứ chi hoặc đa dị tật toàn bộ cơ thể ảnh hưởng đến hình thái lẫn chức năng của các cơ quan. Tùy vào cơ quan bất thường và mức độ nghiêm trọng của dị tật sẽ quyết định khả năng sống của trẻ.
2. Các nguyên nhân gây dị tật thai nhi
2.1. Do yếu tố di truyền
Nếu bố mẹ mắc bệnh di truyền hoặc tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh thì khả năng thai nhi mắc bệnh sẽ tăng cao hơn.
2.2. Mang thai khi tuổi đã cao
Phụ nữ tuổi ngoài 35 khi mang thai và người bố trên 50 tuổi có nguy cơ sinh con mắc dị tật bẩm sinh sẽ cao hơn.
2.3. Mang thai khi mắc các bệnh truyền nhiễm
Nếu trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu nhiễm các virus như Herpes, Rubella, Cytomegalo,… sẽ dễ khiến trẻ mắc các dị tật.
2.4. Tiếp xúc với chất phóng xạ hay chất độc hại khi mang thai
Khi thai phụ tiếp xúc với các loại thuốc hay hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, chất phóng xạ, chất kích thích (rượu, thuốc lá…) sẽ tăng nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Đặc biệt, chụp X – quang trong quá trình mang thai có thể gây ra dị tật nghiêm trọng.
2.5. Tình trạng dinh dưỡng của người mẹ
Nếu mẹ bầu không bổ sung đủ các chất thiết yếu cho thai nhi như folate, canxi, axit folic… hoặc ngược lại cung cấp quá nhiều vượt hàm lượng cho phép (như vitamin A…) sẽ làm thai nhi phát triển không bình thường.
2.6. Các nguyên nhân khác
- Thai phụ tự ý sử dụng thuốc khi mang thai.
- Thai phụ thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra những dị tật thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch…
3. Các biện pháp phòng ngừa dị tật thai nhi
3.1. Phòng ngừa dị tật thai nhi trước khi mang thai
- Khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai: Phụ nữ trước khi mang thai nên đi khám bệnh tổng quát. Nếu có mắc bệnh ảnh hưởng đến thai nhi thì có thể chữa trị trước khi mang bầu hoặc báo với bác sĩ để theo dõi trong quá trình mang thai.
- Tiêm phòng trước khi mang thai: Các loại vắc xin tiêm phòng trước khi mang thai bao gồm: vắc xin cúm; viêm gan B, thủy đậu và sởi – quai bị – rubella… Nên tiêm trước khi mang thai từ 3-6 tháng.
- Uống bổ sung acid folic trước khi mang thai 03 tháng.
3.2. Phòng ngừa dị tật thai nhi trong thai kỳ
- Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
- Tránh tiếp xúc độc tố từ môi trường như các hóa chất độc hại, tia xạ…
- Ăn uống lành mạnh, hợp lí và khoa học, bổ sung các vitamin cần thiết cho sự phát triển của thai nhi như B9, sắt, canxi, DHA qua nguồn thực phẩm.
- Khám thai định kỳ và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc.
Chúc mẹ có thời kỳ mang thai an toàn, khỏe mạnh và hạnh phúc!
Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare
Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare