Đuối nước là nguyên nhân gây tai nạn thương tích hàng đầu cho trẻ em Việt Nam. Mùa hè là thời điểm tỉ lệ trẻ bị đuối nước tăng cao hơn vì khí hậu nóng, trẻ rất thích vui đùa cùng nước nhưng lại chưa tự lường trước được nguy hiểm cũng như cách thoát khỏi nguy hiểm. Chính vì vậy, vai trò của người lớn trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ là rất quan trọng. Để niềm vui của các gia đình luôn được trọn vẹn, chuyên gia Bibo Mart sẽ bật mí với ba mẹ các biện pháp bảo vệ trẻ khỏi bị đuối nước hiệu quả.
1. Đuối nước là gì?
Đuối nước là tình trang nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động.
2. Nguyên nhân đuối nước của trẻ
- Trẻ chưa tự ý thức được về các mối nguy hiểm cũng như cách xử trí đúng nếu đang trong tình huống nguy hiểm.
- Người lớn thiếu sự giám sát, theo sát trẻ chặt chẽ.
- Trẻ chưa có hoặc chưa đủ kỹ năng tồn tại trong môi trường nước.
- Môi trường sống, vui chơi của trẻ chưa đảm bảo an toàn, tiềm ẩn những nguy cơ về đuối nước cho trẻ
3. Khi trẻ bị đuối nước cần được sơ cứu như thế nào?
Khi phát hiện trẻ đang bị ngạt nước, ba mẹ, người chăm sóc hoặc những người xung quanh nên:
Bước 1:
Tìm mọi cách có thể để đưa trẻ lên khỏi mặt nước nhanh nhất và gọi thêm người trợ giúp.
Bước 2:
Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí. Kiểm tra xem trẻ có bị chấn thương cổ hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ cho trẻ bằng túi cát và khai thông đường thở cho trẻ
Bước 3:
Nếu trẻ bất tỉnh, kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực trẻ có di động không. Hoặc đặt tai của người sơ cứu gần miệng, mũi trẻ xem có không khí thở ra của trẻ ở má người sơ cứu không.
Bước 4:
Nếu trẻ không thở, đặt trẻ nằm ngửa trên bề mặt chắc chắn và cứng. Sau đó tiến hành thổi ngạt. Với trẻ sơ sinh, đặt miệng người sơ cứu trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi trẻ và thổi ngạt miệng – miệng. Thổi vào miệng trẻ trong 1 giây. Lặp lại thổi ngạt lần thứ hai.
Bước 5: Ép tim
Tìm điểm giữa của đường nối 2 núm vú. Dùng mu bàn tay (hoặc sử dụng 2 tay nếu lực yếu, với trẻ dưới 1 tuổi dùng ngón giữa và ngón trỏ) để ép tim, ấn xuống ngực sâu khoảng 5cm. Sau mỗi 30 lần ép ngực với tốc độ từ 100-120/phút, hãy thổi ngạt 2 lần. Tiếp tục với chu kỳ 30 lần ép ngực và 2 lần thổi ngạt cho đến khi trẻ bắt đầu hồi phục hoặc cho đến khi trẻ được cấp cứu. Lưu ý trong quá trình ép tim, cứ sau mỗi 2 phút cần kiểm tra 1 lần.
Bước 6:
Sau khi trẻ tỉnh, cần đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng. Kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
Bước 7:
Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có nhân viên y tế đi cùng.
4. Phòng ngừa đuối nước cho trẻ
Để phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ, ba mẹ và người chăm sóc nên:
- Khi trẻ lại gần hoặc vui chơi với nước cần có sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Khi trẻ bơi phải có phao bơi an toàn.
- Không cho trẻ đùa nghịch ở các ao hồ, hố sâu.
- Những vật dụng chứa nước tại nhà phải đậy thật chặt để trẻ không mở nắp được. Chậu nước dùng xong cần phải đổ hết nước đi và cất gọn. Những gia đình có giếng nước cần phải làm nắp che chắn cẩn thận.
- Đối với những nhà có hồ bơi, cần rào kín xung quanh và khóa cửa để trẻ không mở được. Ngoài ra, nên có hệ thống báo động khi trẻ vào.
- Khi trẻ đã hiểu và nhớ được, ba mẹ nên dạy trẻ những việc không nên làm để đảm bảo an toàn và khen ngợi khi trẻ làm đúng.
- Nên cho trẻ học bơi khi trẻ trên 4 tuổi.
Hy vọng qua bài viết vừa rồi, đuối nước không còn là nỗi lo của các gia đình có con nhỏ. An toàn của trẻ em là hạnh phúc của mọi gia đình, vì vậy rất cần sự chung tay của các ba mẹ để trẻ được sống trong môi trường tối ưu nhất có thể. Chúc bé và gia đình luôn khỏe mạnh, bình an!