Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng rất dễ xảy ra ở trẻ nhỏ vì nhiều lí do. Trong đó có sự biếng ăn, ăn không cân đối, thường bị bệnh và mất hứng thú khi ăn. Tuy nhiên, việc kết hợp đúng các thực phẩm sẽ làm tăng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể. Đồng thời ngăn cản sự hình thành các nhân tố xấu gây tương tác và kém hấp thu. Nhiều cha mẹ băn khoăn trong việc thiết kế những thực đơn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho bé? Dưới đây bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (hiện đang công tác tại Anh) sẽ gợi ý một số thực đơn giúp bé hấp thu tốt khoáng chất.
Vitamin nhóm B: Có nhiều nhưng rất dễ thiếu
Vitamin nhóm B là nhóm vitamin quan trọng trong hoạt động tế bào thần kinh ở trẻ nhỏ, đặc biệt liên quan đến Vitamin B1, B2, Niacine và B5. Thiếu hụt sẽ dẫn đến những khiếm khuyến trong hoạt động dẫn truyền của các tế bào thần kinh, làm các bé khó tập trung và hay mệt mỏi.
Vitamin nhóm B có rất nhiều trong thực phẩm. Ví dụ như rau củ có lá màu xanh, nhưng rất dễ mất chất trong chế biến, vì đây là nhóm vitamin tan trong nước.
Việc kết hợp với các thực phẩm có giá trị chất đạm cao sẽ tăng cơ hội cho cơ thể bắt lấy các vitamin này, giúp bé hấp thu tốt vitamin B hơn. Giá trị đạm cao là nên có sự kết hợp ít nhất 2 nguồn đạm khác nhau trong ngày. Chẳng hạn như tôm – thịt, thịt gà – thịt lợn; cá – thịt. Một tuần, trẻ nên có ít nhất 2 ngày có sự kết hợp như trên.
Sắt và vitamin C
Sắt có 2 dạng từ thịt động vật và từ thực vật. Việc tối ưu sử dụng sắt trong bữa ăn sẽ cần 1 lượng vitamin C nhất định. Cứ 100g thực phẩm giàu sắt sẽ cần 20mg vitamin C (tương đương 1/2 trái cam vừa).
Bữa ăn của bé khỏe mạnh có nguy cơ thiếu hụt sắt 10%, nhưng với các bé biếng ăn thì con số này cao hơn rất nhiều. Do đó, việc kết hợp trên sẽ giúp bé hấp thu tốt chất sắt từ thực phẩm và chuyển thành dạng sắt hoạt động khi vào cơ thể bé. Nguy cơ thiếu hụt sắt, dẫn đến thiếu máu rất cao ở các bé dưới 6 tuổi.
Vitamin D, canxi và chất béo không no omega-3
Vitamin D là vitamin tan trong chất béo. Do đó, bữa ăn phải có chất béo để có thể sử dụng tối ưu nguồn vitamin D trong thực phẩm, vốn đã ít ỏi. Canxi là một nguyên tố cần có vitamin D trong việc tăng hấp thụ ở ruột. Chất béo không no Omega-3 có vai trò trong hình thành cấu trúc não bộ.
Kết hợp cần có: Chỉ có 1 số loài cá có chất béo không omega-3 có trong cá thu, cá hồi, lươn, cá chép. Nên chọn 1 số loài cá này cho ít nhất 2 thực đơn/tuần. Để lấy chất béo này tối ưu, bạn phải chế biến cả phần da nữa. Vì lớp mỡ dưới da và mỡ bụng sẽ giàu chất béo này cũng như vitamin D và canxi.
Hải sản: Giàu khoáng nhưng dễ kết hợp tạo tác nhân dị ứng
Hải sản ở đây là cá biển, tôm biển, cua biển, mực, sò ốc. Các loại này có 1 số nhóm protein mà cơ thể 1 số bé dễ đáp ứng tự miễn, dẫn đến dị ứng. Do đó, kết hợp các loại này là 1 việc làm rất tốt về mặt dinh dưỡng. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo không gia tăng tỷ lệ kết hợp và tăng tính dị ứng của các loại protein của chúng.
Nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng hải sản thì chỉ nên dùng riêng mỗi loại hải sản cho bé trong mỗi thực đơn cho đến khi bé qua 5 tuổi.
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách “Làm mẹ không áp lực”.
Theo Trí Thức Trẻ