Làm thế nào để cải thiện chiều cao cho bé yêu là câu hỏi thường gặp của nhiều bậc phụ huynh. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: chiều cao của bé phát triển mạnh trọng một thời kỳ nhất định. Nếu bỏ qua thời kỳ này, bé yêu sẽ mất đi cơ hội phát triển chiều cao tối ưu. Chính vì vậy, ba mẹ hãy cùng chuyên gia Bibo Mart tìm hiểu giải pháp để phát triển chiều cao cho bé vượt trội ngay sau đây nhé!
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao
Chiều cao thường được quyết định bởi cả các yếu tố can thiệp được và các yếu tố không can thiệp được.
- Thứ nhất, các yếu tố không can thiệp được là gen và giới tính. Đây là những yếu tố được thừa hưởng từ di truyền.
- Thứ hai, các yếu tố can thiệp được gồm: dinh dưỡng, mức độ tập luyện, vận động, hormone, tình trạng dùng thuốc.
2. Các thời điểm quan trọng phát triển chiều cao
Các nghiên cứu của tổ chức Dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng (Public Heath Nutrition) của Đại học Cambridge đã chỉ ra rằng: chăm sóc toàn diện cả quá trình là tạo điện kiện tối ưu nhất cho phát triển chiều cao. Ngoài sự quan tâm đầy đủ trong suốt quá trình phát triển của bé, các bậc cha mẹ nên dành sự quan tâm đặc biệt hơn vào 3 thời kỳ sau:
- Giai đoạn mang thai: bé đạt được từ 48-52cm
- Giai đoạn 0-2 tuổi: năm thứ 1 bé tăng thêm 25cm, năm thứ 2 tăng thêm 10-12cm => tổng từ 85cm trở lên
- Giai đoạn tiền dậy thì, dậy thì: đây là giai đoạn có sự gia tăng chiều cao mạnh nhất. Vào giai đoạn này, các bé tăng 7-15cm mỗi năm.
3. Những biện pháp cải thiện chiều cao cho bé chuẩn khoa học
3.1. Cải thiện chiều cao cho bé bằng dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tăng trưởng. Mẹ hoặc trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến phát triển của các bé nói chung, trong đó có chiều cao nói riêng.
Mẹ thiếu dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai thì bé sẽ bị còi xương và suy dinh dưỡng bào thai. Trong thời gian cho con bú hoàn toàn, nếu mẹ thiếu dinh dưỡng thì bé sẽ không đạt được chỉ số tăng trưởng theo biểu đồ tăng trưởng của WHO. Do vậy, nên bổ sung dinh dưỡng đủ trong thời kỳ mang thai và giai đoạn cho con bú, đặc biệt trong 6 tháng đầu nuôi con bằng sữa mẹ.
Con thiếu dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời và cả quá trình dẫn đến giảm chiều cao tuổi trưởng thành. Theo Medical News, tuổi dừng phát triển chiều cao tối đa đối với con gái là 18 tuổi, con trai là 20-22 tuổi.
Với các mẹ cần:
– Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai:
- Tránh suy dinh dưỡng
- Tránh thừa cân-béo phì
- Tránh thiếu hụt các vi chất…
– Khi mang thai, mẹ cần được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ, tránh thiếu hoặc thừa dinh dưỡng. Chỉ số khối cơ thể BMI nên từ 20-22.
– Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
– Được khám thai và tư vấn dinh dưỡng định kỳ đầy đủ.
Với trẻ em và thanh thiếu niên:
– Nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
– Nên xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng phù hợp với lứa tuổi từ khi các bé được 6 tháng tuổi. Điều này nhằm cung cấp đủ năng lượng, cân đối các chất sinh năng lượng (chất đạm, chất béo, chất bột đường) và các vitamin – khoáng chất cần thiết để các bé phát triển toàn diện. Chú ý các thực phẩm giàu chất đạm và canxi như: thịt, cá, tôm, cua, trứng; sữa và các sản phẩm từ sữa…
3.2. Cải thiện chiều cao cho bé bằng chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh
Ngủ đủ giấc:
Giấc ngủ thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong giấc ngủ sâu, cơ thể giải phóng các hormone cần thiết để phát triển. Do đó, ngủ đủ giấc có thể cho phép tăng trưởng tối ưu.
Tập thể dục thường xuyên:
Tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất bình thường. Ví dụ, tham gia các môn thể thao có thể giúp xương đặc hơn và chắc khỏe hơn.
3.3. Các lưu ý khác
Ba mẹ cần thường xuyên theo dõi biểu đồ tăng trưởng của con để có các biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ phát triển tối đa tầm vóc.
Ngoài ra, ba mẹ cần cho con tiêm chủng đầy đủ và tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chúc các bé hay ăn, chóng lớn và ngập tràn hạnh phúc!
Chuyên gia chăm sóc sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Phòng Đào tạo và Tư vấn Bibo Care