Những dấu hiệu chuyển dạ ba mẹ cần ghi nhớ để chào đón bé yêu

Chuyển dạ là quá trình mẹ bầu phải vượt qua để có thể chào đón thiên thần bé nhỏ sau 9 tháng 10 ngày mang thai. Ba mẹ nào cũng mong muốn cuộc chuyển dạ sẽ diễn ra thuận lợi và được chuẩn bị chu đáo nhất có thể. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu, nhất là những người mang thai lần đầu rất lo lắng vì không thể biết chính xác thời điểm mình sắp sinh (chuyển dạ). Mẹ hãy an tâm, trong bài viết này, BiboMart sẽ bật mí với mẹ về những dấu hiệu chuyển dạ đặc trưng nhất.

 

Có nhiều dấu hiệu chuyển dạ để mẹ có thể nhận biết
Nhận biết được dấu hiệu chuyển dạ sẽ giúp mẹ chuyển dạ thuận lợi, an toàn

 

1. Chuyển dạ là gì?

Chuyển dạ là quá trình đưa thai nhi và bánh nhau ra khỏi tử cung qua âm đạo người mẹ.  Quá trình chuyển dạ được phân chia như sau:

  • Chuyển dạ đủ tháng: khi tuổi thai từ đầu tuần thứ 38 đến hết 40 tuần (là ngày dự kiến sinh). Thời điểm này, thai nhi đã trưởng thành và có khả năng sống độc lập ngoài tử cung người mẹ.
  • Chuyển dạ non tháng: khi tuổi thai dưới 37 tuần.
  • Chuyển dạ già tháng: khi tuổi thai trên 41 tuần.

 

2. Các dấu hiệu chuyển dạ thường gặp

 

Ba mẹ đã đi đến những tuần cuối của hành trình 40 tuần diệu kỳ và đang rất háo hức chờ đón bé yêu chào đời. Ba mẹ hãy ghi nhớ những dấu hiệu gợi ý cho cuộc chuyển dạ thật sự đang đến gần nhé!

 

2.1. Sa bụng dưới

 

Trước chuyển dạ một vài tuần hoặc vài giờ, thai nhi sẽ di chuyển dần xuống khu vực xương chậu của mẹ. Sự dịch chuyển này nhằm giúp thai nhi dễ dàng đi qua âm đạo trong lúc sinh.

 

Do đầu thai nhi tụt xuống thấp, đè lên bàng quang của mẹ nên mẹ thường xuyên đi tiểu, di chuyển nặng nề và khó khăn hơn. Bên cạnh đó, mẹ bầu sẽ thấy dễ thở hơn vì áp lực lên lồng ngực của mẹ giảm.

 

2.2. Cơn gò tử cung chuyển dạ thật sự

 

Một trong những dấu hiệu chuyển dạ thường gặp là cơn gò tử cung. Tuy nhiên, mẹ cần tránh nhầm lẫn với con gò chuyển dạ giả Braxton Hicks.

 

Khi mẹ thấy xuất hiện cơn gò tử cung, đây có thể là dấu hiệu mẹ sắp sinh.
Cơn gò tử cung là một trong những dấu hiệu chuyển dạ thường thấy

 

Trong thai kỳ, các cơn gò tử cung sinh lý (cơn gò chuyển dạ giả Braxton Hicks) đôi khi vẫn xuất hiện nhưng với tần suất thưa, không đều. Các cơn gò này không tăng dần theo thời gian và mẹ chỉ cảm thấy khó chịu nhẹ, không đau.

 

Ngược lại, cơn gò chuyển dạ sẽ diễn ra vào những tháng cuối. Chúng xuất hiện liên tục, đều đặn với tần suất ngày càng tăng dần. Khoảng cách giữa các cơn gò ngày càng gần nhau, mẹ bầu càng ngày càng thấy đau hơn. Dựa vào thời gian xuất hiện, đặc điểm và biểu hiện, mẹ bầu không khó để phân biệt được khi nào là cơn gò chuyển dạ.

 

2.3. Ra nút nhầy

 

Nút nhầy là một khối chất nhày nằm tại lỗ cổ tử cung, hoạt động như một hàng rào ngăn chặn các tác nhân gây bệnh đi vào tử cung. Khi mẹ bầu thấy âm đạo tiết ra chất nhầy hồng hoặc đỏ, có thể mẹ đã ra nút nhầy cổ tử cung để chuẩn bị cho bé yêu chào đời. Tuy nhiên, khoảng cách giữa việc mất nút nhầy và thời gian bắt đầu thực sự chuyển dạ là không cố định. Khoảng cách này có thể từ vài giờ đến vài ngày.

 

2.4. Vỡ ối

 

Cảm giác vỡ ối của mỗi thai phụ không giống nhau.
Vỡ ối là dấu hiệu chuyển dạ rõ ràng nhất

 

Vỡ ối là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mẹ bầu bắt đầu chuyển dạ. Cảm giác vỡ ối của mỗi thai phụ là khác nhau. Mẹ có thể cảm thấy có một dòng nước chảy nhanh, mạnh, đột ngột từ âm đạo nhưng không thấy đau đớn, hoặc mẹ chỉ thấy nước chảy thấm ướt đáy quần nhỏ. Mẹ bầu cần phân biệt đó là nước tiểu hay nước ối.

 

Nếu mẹ nghi ngờ vỡ ối, mẹ nên đến khám bác sĩ vì vỡ ối ở bất cứ thời điểm nào đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi và tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập gây hại.

 

3. Khi nào mẹ bầu cần nhập viện

 

Khi mẹ cảm nhận thấy mình có dấu hiệu sắp sinh, mẹ hãy tính thời gian cơn co, khoảng cách giữa các cơn co. Sau đó trao đổi với bác sĩ về đặc điểm cơn co, các triệu chứng khác mẹ đang gặp phải để bác sĩ hỗ trợ mẹ tốt nhất có thể.

 

 

Khi nào mẹ cần đến viện

 

Nếu mẹ có một trong những dấu hiệu sau, mẹ phải đến viện càng sớm càng tốt:

 

  • Xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ ở tuần thai dưới 37 tuần: chảy máu âm đạo, ra dịch âm đạo bất thường, đau bụng, đau vùng chậu hoặc vùng lưng.
  • Vỡ hoặc rò rỉ nước ối, nhất là khi nước ối có màu vàng nâu, màu hồng, màu đỏ hoặc xanh lá cây.
  • Chảy máu âm đạo
  • Đau bụng dữ dội, đau liên tục
  • Sốt
  • Nhức đầu, mờ mắt
  • Bé giảm cử động so với bình thường.

Hi vọng qua bài viết vừa rồi, ba mẹ đã an tâm và nhận biết được dấu hiệu chuyển dạ. BiboMart sẽ luôn đồng hành cùng các ba mẹ trong hành trình mang thai đầy thiêng liêng và hành trình chăm sóc các thiên thần bé nhỏ. Chúc các ba mẹ và bé luôn mạnh khỏe, bình an!

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và Bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và Bé BiboCare

Phòng Đào tạo và Tư vấn – BiboCare