Thai nhi 3 tháng giữa phát triển như thế nào?

Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ luôn là điều mà các bậc cha mẹ tò mò, quan tâm. 3 tháng giữa thai kỳ chính là giai đoạn bé yêu bắt đầu tăng trưởng mạnh. Hãy cùng BiboMart tìm hiểu xem sự phát triển của con trong tam cá nguyệt thứ hai này như thế nào nhé!

 

Tuần thứ 13

 

Tuần thứ 13, bé đã to gần bằng quả đào
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 13

 

Bước vào tuần thứ 13, bé đã to gần bằng quả đào với chiều dài khoảng 74mm và nặng khoảng 23g. Các bộ phận bắt đầu hoàn thiện chức năng của mình. Cơ quan sinh dục phát triển đến mức đã có thể xác định gần chính xác giới tính của con.

 

Bé cũng có nhiều phản xạ hơn và có những biểu hiện thú vị như nheo mắt, cau mày. Khi mẹ trò chuyện, bé đã có thể phản ứng lại với âm thanh. Do đó, ba mẹ hãy trò chuyện với bé nhiều hơn, hoặc cho bé nghe nhạc. Đây chính là biện pháp thai giáo thính giác giúp kích thích sự phát triển não bộ của con một cách tối đa.

 

Tuần thứ 14

 

Thời điểm này, bé đã nặng khoảng 43g và dài khoảng 87mm. Nếu thai nhi là một bé gái thì ba mẹ biết không, buồng trứng của bé đã có khoảng 2 triệu quả trứng. Bé cũng đã biết di chuyển tay và chân một cách nhịp nhàng ăn khớp hơn. Thi thoảng bé còn biết cau mày, nhăn nhó nữa ba mẹ ạ. Bé đang hoạt động và phát triển tích cực hơn mỗi ngày.

 

Tuần thứ 15

 

Đến tuần thai thứ 15, bụng của mẹ to hơn và mẹ cũng cảm nhận được sự phát triển của thai nhi rõ hơn. Bé đã nặng khoảng 85g và dài khoảng 101mm. Bé yêu đang lớn lên từng ngày, không chỉ là sự thay dổi của hình dáng đầu, mí mắt mà là toàn bộ cơ thể.  Đến cuối tuần thai thứ 15 này, bé đã có thể nghe thấy nhịp đập trái tim cũng như những âm thanh từ dạ dày của mẹ.

 

Tuần thứ 16

 

Thai nhi tuần 16 có kích cỡ gần bằng quả bơ
Thai nhi tuần 16 dài khoảng 115mm, nặng khoảng 100g

 

Thai nhi tuần thứ 16 có kích cỡ gần bằng một quả bơ với chiều dài khoảng 115mm, nặng khoảng 100g. Chiếc bụng xinh của mẹ cũng lộ ra và lớn dần hằng ngày. Nếu đây là bé thứ 2, 3 của mẹ hoặc mẹ cảm nhận tốt thì mẹ đã có thể bắt đầu thấy dấu hiệu thai máy.

 

Cảm nhận đầu tiên về thai máy của mỗi bà mẹ đều rất khác nhau. Có mẹ đột nhiên có cảm giác như có con cá đang quẫy nhẹ trong bụng mình. Có mẹ lại cảm thấy như con mình giật một cái rất nhẹ. Và có những mẹ không phán đoán được đó có phải là thai máy hay không.

 

Tuần thứ 17

 

Thai nhi 17 tuần có kích thước tương đương 1 củ hành tây. Chiều dài bé khoảng 13cm và có trọng lượng khoảng 140g. Khuôn mặt của thai nhi ngày càng hoàn thiện về hình dáng và chức năng. Mặt bé ngày càng bầu bĩnh, tròn trịa hơn.

 

Nếu mẹ nghe nhạc, bé sẽ cảm nhận được và có những di chuyển nhẹ nhàng bên trong tử cung. Bé sẽ thật thạnh phúc khi được nghe những lời trò chuyện yêu thương của ba mẹ, được nghe những bản nhạc cổ điển du dương. Và nếu như âm thanh quá lớn, bé sẽ phản ứng bằng việc đạp mạnh vào bụng mẹ đó.

 

Tuần thứ 18

 

Bé yêu của ba mẹ lúc này đã to gần bằng quả ớt chuông, dài khoảng 142mm và nặng 190g. Nếu như những tuần trước đó, mẹ hiếm khi nhận thấy những biến động trong cơ thể mình thì từ tuần 18, cảm giác này sẽ không mơ hồ nữa. Đôi tai bé đạt đến hình dạnh hoàn thiện cuối cùng và nằm ở hai bên đầu. Bé cũng bắt đầu hình thành một đôi lông mày nhỏ. Các cơ quanh mắt có xu hướng co dần lại.

 

Tuần thứ 19

 

Bé yêu của ba mẹ ở tuần thai thứ 19 đã to gần bằng một quả cà chua to, nặng khoảng 240g. Tuần thai này, phần lớn các ba mẹ đã cảm nhận được thai máy và thính giác của bé cũng phát triển tốt hơn. Vì vậy, mẹ đừng ngại nói chuyện, hát và cho bé nghe nhạc nhiều hơn nhé. Bé sẽ cảm thấy rất vui và hạnh phúc đó. Điều này còn giúp bé phát triển trí não tốt hơn. Bé sẽ cảm nhận được sự tươi đẹp của thế giới cũng như cảm nhận được tình cảm mà ba mẹ dành cho con.

 

Tuần thứ 20

 

 

Ở tuần thứ 20, con đã kích thước to bằng quả chuối to. Cân nặng của bé khoảng 300g và dài khoảng 170mm. Bé thực hiện hành động nuốt nhiều hơn. Cơ thể con yêu cũng bắt đầu sản xuất ra meconium – một sản phẩm phụ của hệ thống tiêu hóa có màu xanh đậm hoặc đen trong ruột của thai nhi. Chất này sẽ được tích tụ trong ruột cho đến khi chào đời. Và đó chính là chất thải mà ba mẹ có thể nhận thấy trên bỉm của con trong 24h đầu sau sinh.

 

Tuần thứ 21

Thai nhi ở tuần 21 khá năng hoạt động

Ở thời điểm này, em bé đã có trọng lượng khoảng 450g và chiều dài khoảng 28cm. Bé yêu trong bụng khá năng hoạt động. Có những lúc mẹ cảm thấy con như đang luyện võ bởi con có những cú đá và cú huých nhẹ. Cặp lông mày của bé trở nên dài hơn. Đôi môi cũng được tách ra rõ hơn. Đồng thời, con ngươi của trẻ của trẻ đang chuyển động liên tục dưới đôi mắt đang nhắm lại.

 

Tuần thứ 22

 

Thai nhi lúc này đã bắt đầu có dáng dấp của một đứa trẻ sơ sinh nhỏ. Môi, mắt, mí mắt và lông mày của trẻ ngày càng rõ rệt. Tai của trẻ cũng bắt đầu nhạy cảm hơn và bé sẽ không còn bối rối khi tiếp xúc với các âm thanh quen thuộc sau khi chào đời.

 

Tuần thứ 23

 

Thai nhi 23 tuần tuổi nặng khoảng  600g và bé đạt chiều dài khoảng 30cm. Cơ thể con phát triển một cách cân đối và đều đặn hơn. Cân nặng của con lúc này chưa lớn nên tử cung của mẹ còn rộng để con thoải mái đạp, nhào lộn, cựa quậy.

 

Thai máy

 

Tuần thứ 24

 

Cân nặng chuẩn của thai nhi 24 tuần rơi vào khoảng 680g và bé dài khoảng 34cm. Những lần bé ngủ và thức dậy trở nên rõ ràng hơn mặc dù không diễn ra như mong muốn của mẹ bầu. Đôi khi mẹ đang ngủ, bé vẫn có thể đánh thức mẹ bởi những cú đạp, huých hay trườn bò. Mặt bé cũng đã đẫy đà hơn.

 

Tuần thứ 25

 

Thính giác con đã gần hoàn thiện nên bé có thể nghe rõ tiếng bố mẹ hay người xung quanh nói chuyện. Mặc dù bé chưa hiểu nhưng vẫn sẽ gắn chặt sự liên kết của gia đình khi bé chào đời. Các giác quan khác của bé cũng phát triển và trở nên tinh tế hơn. Mắt trẻ đã xuất hiện các tế bào cho phép trẻ cảm nhận ánh sáng.

 

Tuần thứ 26

 

Bé đang bước vào tuần cuối của tam cá nguyệt thứ 2. Bé đã nặng khoảng 900g và dài khoảng 35cm. Vị giác của bé bây giờ đã phát triển đầy đủ. Lỗ mũi bắt đầu mở, miệng và môi của bé nhạy cảm hơn. Phản ứng với âm thanh và ánh sáng của bé tốt hơn. Bé đã phân biệt được giọng nói của ba và mẹ mình.

 

Tuần thứ 27

 

Đây là tuần bé có sự phát triển nhanh về cân nặng. Bé đã có thể nhắm và mở mắt bình thường, thậm chí là mút ngón tay. Bé đã có những khoảng thức và ngủ nhất định trong ngày. Với sự phát triển của các mô não, bộ não của bé bây giờ hoạt động rất tích cực.

 

Sự phát triển của thai nhi luôn là một hành trình kỳ diệu và bí ẩn với các bậc cha mẹ. Hi vọng qua bài viết vừa rồi, ba mẹ đã có đầy đủ kiến thức về sự phát triển của thai nhi 3 tháng giữa từng tuần một, nhất là với các mẹ bầu mang thai lần đầu tiên. Chúc các ba mẹ và bé luôn mạnh khỏe, bình an!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare