1. Tiểu đường thai kỳ là bệnh gì?
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý gây ra bởi sự rối loạn lượng đường trong máu trong thời kỳ mang thai. Đây được xem là bệnh thường gặp ở mẹ bầu. Tuy nhiên, bệnh chỉ phát triển mạnh trong thời gian mang thai và sẽ biến mất sau khi sinh. Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 2% đến 10% bà bầu bị tiểu đường thai kỳ.
1.1. Vì sao mẹ bầu dễ bị tiểu đường thai kỳ
Trong giai đoạn bầu bí, vì nhu cầu năng lượng tăng cao nên cơ thể bạn đòi hỏi lượng đường nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ thể thai phụ có thể tự điều tiết sản xuất thêm lượng insulin để giải quyết lượng đường tăng cao trong thời gian mang thai. Song trên thực tế, không phải bà mẹ nào cũng được thuận lợi như vậy.
Mặt khác, trong thời kỳ mang bầu, nhau thai tạo ra các loại nội tiết tố giúp thai nhi phát triển. Những nội tiết tố này lại vô tình gây ra một số tác động xấu đến insulin. Từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố và hậu quả là gây ra đái tháo đường thai kỳ.
1.2. Biểu hiện của bệnh đái tháo đường thai kỳ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ diễn ra một cách thầm lặng. Thông thường thai phụ không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám và làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.
Tuy nhiên, bạn có thể nhận ra một vài biểu hiện tiểu đường thai kỳ sau đây:
- Cảm thấy thường xuyên khát nước, hay thức giấc giữa đêm để uống nước;
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn so với các thai phụ khác;
- Khi bị trầy xước, vết thương sẽ rất lâu lành;
- Dễ bị nhiễm nấm ở vùng kín, dùng thuốc trị nấm thông thường không hiệu quả.
- Dấu hiệu sụt cân, mệt mỏi, thiếu sức sống.
1.3. Đối tượng cần kiểm tra chỉ số tiểu đường thai kỳ
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ cao hơn nếu thai phụ có một trong những yếu tố dưới đây:
- Mang thai khi đã ngoài tuổi 30;
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
- Tiền sử bản thân đã bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Thừa cân, béo phì trước và trong khi mang thai.
- Đứa con trước nặng hơn 4,1 kg.
Nếu như mức insulin và chỉ số tiểu đường thai kỳ đều ở giới hạn an toàn thì bạn không nằm trong nhóm mắc đái tháo đường thai kỳ.
2. Chỉ số tiểu đường thai kỳ như thế nào là bình thường?
Kết quả bình thường glucose máu ở sản phụ:
- Lúc đói : ≤ 92 mg/dl (5.1 mmol/l)
- Sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (10 mmol/l)
- Sau 2 giờ : ≤ 153 mg/dl (8.5 mmol/l)
Đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán nếu có 2 kết quả bằng hay hơn giới hạn trên
Rối loạn dung nạp đường trong thai kỳ nếu có một kết quả bằng hay hơn giới hạn trên.
3. Cách theo dõi chỉ số tiểu đường thai kỳ?
Trong thời kỳ mang thai, bạn cần phải theo dõi đường huyết thường xuyên hơn. Đặc biệt là khi bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh kể trên.
Với một chiếc máy đo chỉ số tiểu đường thai kỳ tại nhà, bạn có thể tự đo đường huyết bất cứ lúc nào. Tùy từng trường hợp, thời điểm đo đường huyết của mỗi người có thể sẽ khác nhau đôi chút. Thông thường, bạn nên thử đường huyết lúc đói (trước các bữa ăn), sau bữa ăn từ 1 – 2 giờ, trước khi ngủ và bất cứ lúc nào cảm thấy mệt hoặc có biểu hiện của hạ đường huyết.
Trong trường hợp bạn nhận thấy chỉ số tiểu đường thai kỳ đã dần ổn định và đạt mục tiêu điều trị thì tần suất thử đường huyết có thể giãn, chẳng hạn như đo cách ngày hoặc cách mỗi hai ngày… Bạn nên ghi nhớ mức chỉ số đường huyết khi mang thai và cả những dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ để có thể kịp thời xử lý
4. Hậu quả của tiểu đường thai kỳ đối với mẹ và thai nhi
4.1. Đối với thai nhi
- Bé được sinh ra dễ bị thừa cân, béo phì, mắc các bệnh về hô hấp và dễ bị bệnh về đường huyết hơn các bé bình thường;
- Bé bị tụt canxi sau khi chào đời;
- Nguy cơ dị tật thai nhi.
4.2. Đối với mẹ
- Nguy cơ chấn thương vùng lưng, gãy xương và trật khớp do thai nhi quá to;
- Tỷ lệ tiền sản giật cao gấp 4 lần người bình thường;
- Khả năng phải sinh non và sinh mổ tăng cao, do phần thân dưới của bé quá to;
- Sẩy thai, thai chết lưu;
- Băng huyết sau sinh.
Những hậu quả kể trên là vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Chính vì vậy, bạn hãy biết cách phòng ngừa từ bây giờ để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
5. Cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
5.1. Duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai
Khi quyết định có em bé, bạn hãy cố gắng duy trì cân nặng ở mức lý tưởng. Thừa cân không phải là nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên đây là yếu tố nguy cơ của căn bệnh này. Cụ thể, người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) lớn hơn 30 thì có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao gấp 3 lần so với người có BMI nhỏ hơn 25.
Ngoài ra, việc giảm cân nên được thực hiện trước khi quyết định mang thai, đặc biệt là khi bạn bị thừa cân, béo phì.
5.2. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh vừa làm giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ vừa cải thiện sức khỏe của thai phụ. Hãy cố gắng cân bằng lượng đường bột và các nhóm chất còn lại để chỉ số đường huyết không tăng quá cao.
Không có thực đơn chung cho tất cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, có những nguyên tắc chung mà bạn có thể thực hiện. Chẳng hạn như chia nhỏ bữa ăn, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, sử dụng chất béo tốt cho sức khỏe, đảm bảo cân bằng hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Cách đơn giản nhất để có thể kiểm soát lượng thức ăn mỗi ngày, đó là nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng. Từ đó, bạn lập ra kế hoạch ăn uống cho bản thân và tuân thủ nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra. Như vậy, bạn sẽ không phải lo chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng quá cao và hạn chế nguy cơ xảy ra đái tháo đường khi mang thai.
5.3. Tăng cường vận động hợp lý
Vận động là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa tiểu đường thai kỳ. Hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa để thiết lập một chế độ vận động phù hợp nhất. Nếu có thể, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục phù hợp như đi bộ hoặc bơi lội, yoga,…
Nếu không thể tập thể dục hàng ngày liên tục 30 phút thì bạn có thể chia nhỏ thời gian tập mỗi lần khoảng 10 phút. Bên cạnh đó, các loại hình vận động khác như làm việc nhà, đi thang bộ cũng được xem là hiệu quả tương đương tập thể dục.
Hơn nữa, vận động sau bữa ăn giúp chỉ số tiểu đường thai kỳ không tăng quá cao, cải thiện sự đề kháng insulin, tăng cường sự dẻo dai, sức chịu đựng của cơ thể và hoạt động của hệ tim mạch. Ngoài ra, trong lúc tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra các nội tiết tố giúp bạn cảm thấy thoải mái, lạc quan và phòng tránh stress hiệu quả.
Bên cạnh đó, đừng quên đến khám thai định kỳ trong suốt quá trình mang thai. Bởi vì đây là cách tốt nhất để mẹ bầu kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi chặt chẽ. Ngoài việc tầm soát tiểu đường thai kỳ thì thai phụ cần:
- Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
- Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
- Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
- Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
- Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
- Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.
Trên đây là những thông tin về tình trạng tiểu đường thai kỳ. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp mẹ theo dõi sát hơn với sức khoẻ của mình. Các chuyên gia BiBo Care chúc các mẹ một hành trình an toàn và khoẻ mạnh nhé !