Người mẹ đang cho con bú thì phát hiện mình lại có thai. Điều này khiến mẹ không khỏi lo lắng, đặc biệt là những ai đang nuôi con bằng sữa mẹ. Vậy có bầu cho con bú được không? Trong bài viết dưới đây, hãy để chuyên gia Bibo Care giải đáp thắc mắc này cho các mẹ nhé!
1. Có bầu cho con bú được không?
Cơ thể người mẹ vẫn tiếp tục tiết ra sữa cho con bú trong khi mẹ đang mang thai lần nữa. Để tiết ra sữa cho con bú, cơ thể người mẹ sẽ giải phóng nội tiết tố mang tên oxytocin. Oxytocin cũng là nội tiết tố xuất hiện trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, nên nhiều người lo ngại rằng cho con bú có thể làm sảy thai.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy cho con bú khi đang mang thai gây ảnh hưởng tới thai nhi hoặc gây chuyển dạ. Vì vậy mẹ vẫn có thể tiếp tục cho bé bú nếu mẹ cảm thấy khỏe mạnh, không xuất hiện quá nhiều cơn gò.
Trong một số trường hợp nếu mẹ đang mang đa thai hoặc có tiền sử bị sảy thai, sinh non,… thì mẹ nên liên hệ với bác sĩ sản khoa để được thăm khám và có lời khuyên trực tiếp mẹ nhé!
2. Một số lưu ý đối với người mẹ cho con bú khi đang mang thai
2.1. Thường xuyên theo dõi những biến đổi khác thường của cơ thể
Cho con bú khi đang mang thai có thể làm tăng một số tác dụng không mong muốn như tình trạng đầu vú nhạy cảm ở đầu thai kỳ. Mẹ sẽ cảm thấy đau núm ty hơn mỗi khi cho con bú. Khi nuôi con nhỏ, mẹ sẽ mệt mỏi do không được ngủ đủ giấc hay em bé quấy khóc. Nếu còn bị ốm nghén khi mang thai thì mẹ sẽ càng nhanh bị kiệt sức.
Để hạn chế tình trạng này, mẹ nên thường xuyên lắng nghe cơ thể; tranh thủ thư giãn, nghỉ ngơi sao cho hợp lý. Có thể nhờ đến sự giúp đỡ của chồng hoặc người thân trong việc chăm sóc bé đầu. Trong những lần khám thai định kỳ, mẹ cũng nên tranh thủ trao đổi thêm với bác sĩ để nhận thêm lời khuyên.
2.2. Cân nhắc cai sữa và cho bé trước ăn dặm
Việc có cho con bú khi đang mang thai hay không hoàn toàn do người mẹ quyết định; dựa trên những cân nhắc về lợi ích cho những đứa trẻ và cho chính người mẹ. Nếu tình trạng ốm nghén của mẹ rất nặng và bé đã đủ tuổi ăn dặm, mẹ có thể dần tập cai sữa cho bé. Thay vì bú sữa mẹ, em bé sinh trước có thể dùng sữa bột, bột ăn dặm,… để vẫn nhận đủ dưỡng chất.
Sau khi sinh, người mẹ vẫn có thể cho cả 2 bé bú cùng lúc. Mẹ không cần phải lo lắng thiếu sữa cho cả hai con; hay bé trước bú hết sữa non của bé sau. Một lợi ích của cho bú song song là người mẹ sẽ ít bị viêm tuyến vú hơn so với những người chỉ có một con bú.
2.3. Đảm bảo ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Để vừa có đủ sức khỏe, vừa nuôi con bú lại vừa đảm bảo cho thai nhi phát triển ổn định, mẹ cần đặc biệt chú ý về thực đơn ăn uống của mình. Mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, uống đủ nước, bổ sung hàng ngày vitamin D, acid folic và viên sắt nếu cần thiết. Tuy nhiên chế độ và tần suất ăn uống nên được bố trí hợp lý; tránh bị thừa cân, béo phì và mắc các chứng bệnh nguy hiểm trong thai kỳ.
>>> Xem thêm: Mách mẹ những món ăn tốt cho bà bầu