Hội chứng đầu phẳng ở trẻ em

Hội chứng đầu phẳng (hay còn gọi là đầu bẹt, bé bị đầu dẹp cá trê…) là hiện tượng có thể gặp ở trẻ. Nếu ba mẹ phát hiện sớm và điều chỉnh tư thế nằm cho trẻ đúng, luân phiên thay đổi tư thế nằm của trẻ… thì đầu trẻ có thể tự tròn trở lại. Ba mẹ hãy cùng bác sĩ Bibo Mart tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé!

 

1. Hội chứng đầu phẳng là gì?

 

Là tình trạng hình dạng đầu của trẻ không đối xứng hay bị méo do tác động của lực làm biến dạng hộp sọ. Có hai dạng chính của tật đầu bẹp, thường gặp hơn là dạng đầu hình bình hành. Ít gặp hơn là hình dạng đầu với phần chẩm (vùng sau của đầu) bị dẹt tương đối đối xứng, gọi là tật đầu phẳng. Độ tuổi thường gặp tình trạng này ở trẻ là dưới 5 tháng tuổi, sau đó giảm dần vì hầu hết các trường hợp đều được xử trí trong thời gian đó.

 

 

 

2. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng đầu phẳng

2.1. Tư thế ngủ

Nguyên nhân phổ biến nhất là do tư thế ngủ của trẻ. Trẻ sơ sinh ngủ ở tư thế nằm ngửa nhiều giờ mỗi ngày có thể dẫn đến đầu bị bẹp ở một vùng. Điều này không chỉ xảy ra khi trẻ ngủ mà còn xảy ra khi ngồi trên ghế ô tô dành cho trẻ sơ sinh, xe nôi, xe đẩy, xích đu và ghế xếp.

 

2.2. Trẻ sinh non

Trẻ sinh non có nguy cơ bị cao hơn do hộp sọ mềm hơn so với trẻ sinh đủ tháng.

 

2.3. Mẹ mang đa thai

Do không gian sinh trưởng của từng thai bị hạn chế nên một số trẻ có thể mắc hội chứng đầu phẳng ngay từ trong bụng mẹ.

 

2.4. Thai ngôi mông

Hội chứng đầu phẳng cũng có thể xảy ra với những thai ngôi mông do hộp sọ của trẻ bị chèn ép bởi xương sườn của mẹ.

 

2.5. Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ không hợp lí dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu canxi làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này.

 

2.6. Trẻ mắc bệnh lý vẹo cổ (torticollis)

Trẻ bị vẹo cổ sẽ có đầu bị nghiêng sang một bên và cằm nghiêng sang hướng ngược lại nên có nguy cơ cao mắc hội chứng đầu phẳng vì bé thường ngủ quay đầu sang một bên.

 

3. Biểu hiện của hội chứng đầu phẳng

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hội chứng đầu phẳng

Hội chứng đầu phẳng thường dễ được nhận thấy với các dấu hiệu:

  • Vùng đầu phía sau của trẻ bị dẹp và ít tóc hơn ở một bên.
  • Khi nhìn đầu trẻ từ trên xuống, tai cùng bên vùng đầu bị dẹp có thể bị đẩy về phía trước. Thậm chí cả trán cùng bên có thể bị nhô một chút so với phía bên kia.

 

4. Hội chứng đầu phẳng có nguy hiểm không?

 

Nếu trẻ bị đầu phẳng ở mức độ nhẹ sẽ không gây nguy hiểm sức khỏe vì nó thường không có ảnh hưởng lên não và hình dáng đầu có thể dần cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, những trường hợp đầu phẳng mức độ trung bình, nặng có thể gây một số vấn đề cho trẻ như:

  • Loạn thị, mất tầm nhìn
  • Chậm phát triển, khó học tập
  • Rối loạn chức năng khớp hàm dưới, khó ăn, khó nói
  • Nguy cơ nghe kém
  • Động kinh
  • Vẹo cột sống…

 

5. Phòng ngừa hội chứng đầu phẳng như thế nào?

 

Để phòng ngừa hội chứng đầu phẳng cho bé, ba mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau: 

 

5.1. Thường xuyên thay đổi tư thế nằm của trẻ 

  • Đặt trẻ nằm nghiêng đầu luân phiên bên trái và bên phải khi trẻ ngủ.
  • Tuyệt đối không dùng khăn cuộn lại hoặc dụng cụ định vị để giữ đầu trẻ sang một bên. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ (SIDS) và ngạt thở.
  • Hạn chế để trẻ nằm ngửa hoặc tựa đầu một thời gian dài trên các bề mặt phẳng như ghế ô tô, xích đu em bé, ghế dành cho trẻ…
  • Luân phiên thay đổi tư thế cho trẻ bú để tránh gây áp lực lên vị trí đầu phẳng.
  • Hãy thường xuyên ôm, bế trẻ để giúp trẻ giảm áp lực trên đầu.

 

5.2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lí và đầy đủ

Ba mẹ chú ý bổ sung đầy đủ canxi cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng. Nếu cần bổ sung bằng các thuốc thì cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

5.3. Tập vật lý trị liệu

Bác sĩ có thể hướng dẫn ba mẹ tập cho trẻ các bài tập vật lý trị liệu hàng ngày để giúp tăng phạm vi chuyển động ở cổ của trẻ. Các bài tập này phải được thực hiện một cách chính xác và đều đặn trong một khoảng thời gian nhất định để đạt hiệu quả.

 

Chúc các bé luôn khỏe mạnh và an toàn!

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé Bibo Care

Phòng đào tạo và tư vấn – Bibo Care