Tiền sản giật – bệnh lý nguy hiểm cho mẹ bầu

Tiền sản giật là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh trên toàn thế giới. Theo thống kê, hằng năm có hơn 500.000 phụ nữ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến thai nghén và sinh nở. Trong đó có tới 17% là do tiền sản giật gây nên. Do đó, việc ba mẹ hiểu đúng, biết cách phòng và nhận biết các dấu hiệu của bệnh là rất quan trọng. Ba mẹ cùng chuyên gia BiboMart tìm hiểu ngay nhé!

1. Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật (Preeclampsia) là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng HA và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của tiền sản giật.

2. Nguyên nhân của tiền sản giật

 

Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh này hiện nay chưa được xác định chắc chắn. Tuy nhiên các chuyên gia sản khoa cho rằng bệnh xảy ra do giảm lưu lượng máu đến nhau thai. Ở thai phụ bị tiền sản giật, các mạch máu để đưa máu đến nhau thai dường như không phát triển hoặc hoạt đông chưa đúng chức năng. Một số yếu tố góp phần làm tăng tỉ lệ bị bệnh bao gồm:
  • Mẹ có tiền sử tăng huyết áp, tiền sản giật ở lần  mang thai trước.
  • Mẹ mang thai lần đầu, mang đa thai.
  • Mẹ mang thai khi tuổi dưới 20 hoặc trên 35.
  • Thừa cân béo phì hoặc tăng cân vượt mức kiểm soát trong thai kỳ
  • Khoảng cách giữa các lần mang thai quá ngắn (dưới 2 năm) hoặc quá dài (trên 10 năm).
  • Mẹ bị tăng huyết áp mãn tính, bệnh đái tháo đường, bệnh hệ thống, bệnh tim mạch…
  • Tiền sử gia đình có người tăng huyết áp, mẹ/chị/em gái từng bị tiền sản giật khi mang thai.

3. Biểu hiện của tiền sản giật

 

 Triệu chứng của tiền sản giật
Dấu hiệu đầu tiên thường là tăng huyết áp thai kỳ. Do đó, thai phụ cần được theo dõi huyết áp thường xuyên ngay từ những ngày đầu mang thai và trong suốt thai kỳ. Huyết áp vượt quá 140/90mmHg (được ghi nhận trong hai lần, cách nhau ít nhất 4 giờ) là bất thường. Một số biểu hiện khác bao gồm: có protein dư thừa trong nước tiểu, đau đầu, thay đổi thị lực, đau vùng hạ sườn phải, khó thở, phù…

4. Biến chứng của tiền sản giật nguy hiểm cho mẹ và thai nhi

4.1. Đối với mẹ

Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của bệnh. Đối với thai phụ, tiền sản giật có thể gây tổn thương thận, gan, phổi, tim, mắt. Bên cạnh đó, bệnh còn dễ gây đột quỵ hoặc chấn thương não. Ở mức độ nặng, bệnh này có thể dẫn đến biến chứng sản giật, hội chứng HELLP đe dọa đến tính mạng người mẹ.

4.2 Đối với thai nhi

Do không nhận đủ lượng máu cần thiết, thai nhi thường chậm tăng trưởng, nhẹ cân lúc chào đời. Bên cạnh đó, tiền sản giật làm tăng nguy cơ rau bong non, sinh non và tử vong chu sinh.

5. Phòng ngừa tiền sản giật 

 

Theo dõi huyết áp đều đặn và thường xuyên

 

Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền: “Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm nhưng không quá đáng sợ. Chỉ cần bạn biết cách chăm sóc bản thân trước và trong lúc mang thai và hợp tác với bác sĩ điều trị, bạn sẽ có một thai kỳ an toàn, đẩy lùi những rủi ro sức khỏe cho bản thân và em bé”. Để phòng ngừa, mẹ bầu nên thực hiện các biện pháp sau:
  • Cố gắng duy trì cân nặng cơ thể ở mức bình thường, tăng cân trong thai kỳ hợp lí theo chỉ số khối cơ thể (BMI).
  • Không nên sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như rượu bia, thuốc lá…
  • Tập thể dục thường xuyên (tối thiểu 30 phút/ngày)
  • Kiểm soát huyết áp hoặc lượng đường trong máu;
  • Bổ sung canxi: Nhiều nghiên cứu cho thấy thai phụ được bổ sung đủ canxi trước và trong khi mang thai sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh. Do vậy, mẹ bầu cần bổ sung đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể (1.200 – 1.500mg/ngày) thông qua chế độ ăn uống và thuốc bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
  • Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai khoa học, cân đối và đầy đủ.
  • Mẹ bầu nên ngủ đủ giấc (8 tiếng/24h) và uống đủ nước (40ml/kg/24h).
  • Khám thai đầy đủ và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hi vọng qua bài viết vừa rồi, ba mẹ đã hiểu rõ hơn về tiền sản giật là gì cũng như cách phòng tránh. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, ba mẹ đừng ngại, hãy liên hệ với BiboMart ngay nhé để được chuyên gia tư vấn. Chúc các ba mẹ có thời kỳ mang thai thật hạnh phúc!

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare
Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare