Vàng da ở trẻ sơ sinh – nguyên nhân và hướng điều trị

trẻ sơ sinh bị vàng da

Vàng da ở trẻ sơ sinh là một tình trạng thường gặp nhưng có thể khiến nhiều ba mẹ lo lắng. Tình trạng này gặp ở 60% trẻ đủ tháng và nhiều hơn ở trẻ non tháng (80%). Tại sao bé lại bị vàng da và tình trạng này có gây nguy hiểm cho trẻ không là những câu hỏi được nhiều ba mẹ quan tâm. Để bé yêu luôn được chăm sóc tốt, ba mẹ hãy cùng Bibo Mart tìm hiểu vàng da ở trẻ sơ sinh là gì và cách phòng ngừa nhé!

 

Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?

Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng da, kết mạc mắt của trẻ có màu vàng. Tình trạng này là do tăng một chất được giải phóng ra từ quá trình vỡ hồng cầu – bilirubin gián tiếp.

vàng da ở trẻ sơ sinh
Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh khá phổ biến

Trẻ sơ sinh có thể bị vàng da ở nhiều mức độ, từ nhẹ cho đến nặng. Vàng da mức độ nhẹ (vàng da sinh lí) thường không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ. Ngược lại vàng da mức độ nặng (vàng da bệnh lý) có thể để lại nhiều hậu quả cho trẻ. Thậm chí trong một số trường hợp, trẻ có thể tử vong hoặc bị di chứng não suốt đời. Do đó việc phát hiện, phòng ngừa vàng da là điều quan trọng mà ba mẹ nào cũng nên biết.

 

XEM THÊM: Chăm sóc mẹ và bé sau sinh

 

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị vàng da

Đặc điểm của trẻ sơ sinh là có số lượng tế bào hồng cầu cao và thường xuyên thay mới. Khi hồng cầu bị phá hủy, sẽ giải phóng ra sắc tố màu vàng cam là Bilirubin. Tuy nhiên lúc này, gan của trẻ chưa đủ trưởng thành để đào thải hết bilirubin ra khỏi máu. Vì vậy dẫn đến trẻ bị vàng da. Đến khi trẻ được 2 tuần tuổi, gan trẻ đã đủ khả năng giải quyết tình trạng này. Do đó, vàng da sinh lý có thể tự khỏi mà không để lại bất cứ nguy hiểm gì cho trẻ.

 

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị vàng da
Trẻ sơ sinh bị vàng da

Trong một số trường hợp, nếu trẻ mắc một số bệnh làm tăng quá trình vỡ hồng cầu hoặc làm giảm khả năng đào thải bilirubin hoặc tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột, trẻ có thể mắc phải vàng da bệnh lý. Một số bệnh làm tăng sản xuất bilirubin như: bất đồng nhóm máu mẹ con, thiếu men G6PD, Thalassemia… Giảm khả năng đào thải bilirubin gặp trong hội chứng Gilbert, bệnh lý rối loạn chuyển hóa, sinh non… Nếu trẻ bị hẹp môn vị, tắc ruột… có thể làm tăng quá trình hấp thu bilirubin từ ruột.

 

XEM THÊM: Vàng da sinh lí ở trẻ sơ sinh

 

Phát hiện vàng da sơ sinh bằng cách nào?

Do đặc điểm cơ thể, vàng da thường xuất hiện đầu tiên ở mặt và củng mạc mắt. Sau đó sẽ lan dần đến thân mình, tay chân và cuối cùng là lòng bàn tay, lòng bàn chân. Để phát hiện con có bị vàng da hay không, ba mẹ hãy quan sát con dưới ánh sáng tự nhiên. Ba mẹ hãy dùng ngón tay cái ấn vào vùng da nghi ngờ trong 5s, buông ra và quan sát. Ba mẹ cần đánh giá được da bé có vàng không và đã bị vàng đến vùng nào.

 

Làm cách nào để phân biệt vàng da sinh lý và bệnh lý

Để phân biệt vàng da sinh lý và bệnh lý, ba mẹ hãy quan sát bảng sau nhé!

 

Đặc điểm Vàng da sinh lý Vàng da bệnh lý
Thời gian xuất hiện Xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sinh Xuất hiện trong vòng 1 – 2 ngày sau sinh
Mức độ Vàng nhẹ Vàng đậm
Vị trí Chỉ vàng da ở vùng cổ, mặt, ngực và vùng bụng phía trên rốn Vàng da không chỉ ở mặt, ngực mà con lan đến bụng dưới rốn, tay, chân
Triệu chứng khác Chỉ vàng da đơn thuần, không kèm theo triệu chứng khác Trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, nôn trớ, sốt, khóc nhiều, phân bạc màu…
Thời gian tồn tại Tự hết trong vòng 7 – 10 ngày Không hết vàng da sau 2 tuần với trẻ đủ tháng và 3 tuần đối với trẻ sinh non.

 

XEM THÊM: Vàng da ở trẻ sơ sinh – cẩn thận mất con!

 

Làm gì khi trẻ bị vàng da?

Nếu trẻ bị vàng da sinh lí, ba mẹ có thể chăm sóc và theo dõi bé tại nhà. Mẹ hãy tích cực cho bé bú vì sẽ giúp đào thải nhanh bilirubin ra khỏi cơ thể trẻ. Bên cạnh đó, ba mẹ cần theo dõi trẻ có bú tốt không, đi ngoài phân có bất thường không. Thông thường vàng da sinh lý sẽ hết sau 7 – 10 ngày, vì vậy ba mẹ cần theo dõi sát trẻ trong thời gian này.

 

vàng da ở trẻ sơ sinh
Cha mẹ cần theo dõi sát các biểu hiện bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh

Nếu trẻ có một trong các biểu hiện của vàng da bệnh lý, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ. Lúc này trẻ đã bị vàng da ở mức độ nặng, cần được điều trị càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe cho bé.

 

Ngăn ngừa vàng da sơ sinh như thế nào?

– Mẹ nên xét nghiệm nhóm máu trước hoặc ngay khi phát hiện có thai. Điều này giúp tiên lượng nguy cơ bất thường nhóm máu mẹ con để có kế hoạch dự phòng sớm.

– Ngay từ khi mang thai, mẹ nên đi khám thai định kỳ đầy đủ. Điều này không chỉ để tầm soát các bệnh lý mà còn giúp đảm bảo một thai kỳ an toàn.

– Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 30 phút – 1 giờ đầu sau sinh. Tích cực cho bú theo nhu cầu của trẻ.

vàng da ở trẻ sơ sinh
Mẹ nên cho trẻ bú sớm và theo nhu cầu của bé

– Theo dõi sát các biểu hiện của trẻ, nhất là trong tuần đầu tiên. Nếu mẹ nhận thấy bé có một trong các hiểu hiện của vàng da bệnh lý hoặc vàng da không hết sau 10 ngày, ba mẹ cần cho bé đi khám bác sĩ.

 

Hi vọng qua bài viết vừa rồi, ba mẹ đã hiểu rõ hơn về vàng da ở trẻ sơ sinh. Chăm sóc và nuôi dạy con là việc không hề đơn giản và dễ dàng. Nhưng ba mẹ đừng quá lo lắng, Bibo Mart luôn đồng hành cùng các ba mẹ. Chúc ba mẹ và bé luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!